Obama đã trao quyền cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương điều tàu chiến đến Biển Đông

22/10/2015 06:39
Đông Bình
(GDVN) -Trong vài tuần tới, Mỹ có thể điều tàu tuần duyên đến khu vực 12 hải lý ở Biển Đông thách thức yêu sách chủ quyền lố bịch của Trung Quốc. Việt Nam cần sẵn sàng.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 10 dẫn trang mạng "Thời báo châu Á" Hồng Kông ngày 19 tháng 10 đưa tin, sau khi trì hoãn vài tháng, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối cùng đã trao quyền cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ điều tàu chiến đến khu vực Biển Đông có tranh chấp.

Tàu tuần duyên USS Fort Worth Hải quân Mỹ hoạt động ở vùng biển quần đảo Trường Sa trong thời gian gần đây (ảnh tư liệu)
Tàu tuần duyên USS Fort Worth Hải quân Mỹ hoạt động ở vùng biển quần đảo Trường Sa trong thời gian gần đây (ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, Quân đội Mỹ sẽ không điều tàu sân bay USS Ronald Reagan vừa triển khai ở cảng chính Yokosuka Nhật Bản, mà rất có thể trong vài tuần tới điều tàu tuần duyên đến khu vực này.

Theo bài viết, không ít quốc gia ở khu vực Biển Đông đều đang xem Mỹ sẽ "chống lại Trung Quốc" như thế nào, nhưng Mỹ lại không điều tàu chiến cỡ lớn đến khu vực này, điều này có thể truyền đi một “thông điệp sai lầm” cho Trung Quốc.

Lần cuối cùng Mỹ hoạt động ở khu vực này là vào tháng 5 năm 2015, nhưng khi đó chiếc tàu chiến này hoàn toàn không áp sát 12 hải lý của bất cứ đảo nào.

Người Mỹ cho rằng, điều tàu chiến áp sát khu vực 12 hải lý của các đảo đá trên Biển Đông là điều bình thường, không nên bị coi là khiêu khích quân sự.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris thể hiện thái độ cứng rắn đối với hành động bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris thể hiện thái độ cứng rắn đối với hành động bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hơn nữa, ông Barack Obama hy vọng thông qua công bố hành động điều tàu chiến đến khu vực 12 hải lý các đá ngầm ở Biển Đông có thể làm giảm kích động đối với Trung Quốc, nhưng theo bài báo, sự thực hoàn toàn không như vậy, Trung Quốc hoàn toàn không nghĩ như thế.

Bài báo dẫn lời Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng, phản ứng của Mỹ đối với việc Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo ở Biển Đông là quá mềm yếu. Trừ phi phô trương vũ lực ở khu vực này, nếu không sẽ khiến cho Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ ngầm cho phép hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong thời gian gần đây, hành động quân sự của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là điều máy bay không người lái Global Hawk và máy bay tuần tra trên biển P-8 tiến hành thu thập tin tức tình báo, trong khi đó, những hành động này bị phía Trung Quốc nắm được, đã từng xảy ra sự kiện máy bay chiến đấu Trung Quốc xua đuổi máy bay P-8.

Tại phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ vào tháng trước, Đô đốc Harry Harris đề xuất cần để cho tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý của các đá ngầm trên Biển Đông, nhưng chưa được phản hồi.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa khu vực Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa khu vực Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Theo bài viết, sau khi Mỹ tuyên bố sắp đi vào phạm vị 12 hải lý của các đá ngầm trên Biển Đông để tuần tra, Trung Quốc đã "phản ứng mạnh mẽ" (một cách vô lý), thậm chí gắn nó với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962.

Trung Quốc muốn ăn cướp chủ quyền đảo đá của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, muốn xác lập chủ quyền bất hợp pháp của họ, nên đưa ra lập trường là, tàu nước khác được đi qua vô hại, nhưng không được hiện diện mãi ở khu vực 12 hải lý. Nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ "cưỡng ép" nó phải rút đi - PV.

Quan chức và báo chí Trung Quốc đều ngang nhiên coi hành vi hiện diện ở khu vực 12 hải lý của tàu chiến Mỹ và các nước khác là hành vi "xâm phạm chủ quyền" và "khiêu khích quân sự". Rõ ràng điều này đã thể hiện đầy đủ tham vọng bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông - PV.

Cả quá trình lịch sử cho thấy, bất cứ lúc nào, Việt Nam không thể nghi ngờ về tham vọng này của giới bành trướng Trung Quốc, cho dù họ có là một nước xã hội chủ nghĩa có “chung chí hướng” với Việt Nam. Luôn luôn phải biết rằng, Trung Quốc luôn nhấn mạnh cái gọi là “đặc sắc” của họ. Và cái “đặc sắc” nhất trong quan hệ với các nước xung quanh từ xưa đến nay của Trung Quốc thì ai cũng biết - PV.

Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là tìm mọi cách để chặn đứng mọi mưu đồ và thủ đoạn áp đặt yêu sách bành trướng, thực dân mang tên "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" của Trung Quốc, chuẩn bị lực lượng và tạo ra thời cơ chín muồi để thu hồi những đảo đá đã bị Trung Quốc cướp đi ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - PV.

Mỗi một con người đều không ai cho phép cắt xẻ thịt da của mình, một nước Việt Nam cũng không cho phép bất cứ thế lực ngoại bang nào có thể ăn cướp lãnh thổ, lãnh hải – chủ quyền thiêng liêng của mình - PV.

Qua hàng ngàn năm, trước mọi thế lực ngoại xâm hung hãn nhất, dân tộc Việt luôn có đủ sức mạnh để trường tồn và phát triển. Nếu kẻ thù có ý đồ và hành động cướp nước ta một lần nữa, chúng ta sẵn sàng giáng cho chúng những đòn chí mạng - PV.

Lực lượng tàu ngầm Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Lực lượng tàu ngầm Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Đông Bình