Ồn ào lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai (sửa đổi), người trong cuộc lên tiếng

11/03/2023 07:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Hội đã lựa chọn lứa tuổi từ 14-15 là học sinh lớp 9 THCS Lương Yên, các em đã có căn cước công dân và độ tuổi này đã đủ biết nhận thức hành vi".

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 kéo dài cho đến ngày 15/3/2023.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, đó là trẻ em.

Vào ngày 9/3, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của gần 80 học sinh tại Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng đây là một vấn đề mang tính vĩ mô, các em còn chưa có tài sản đất đai riêng nên việc lấy ý kiến là không phù hơp.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, người có mặt tại sự kiện đang gây tranh cãi này cho hay, việc lấy ý kiến của bất kể dự thảo luật nào đều quy định phải xin ý kiến toàn dân và đăng công khai trong 60 ngày.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hồng Thái)

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hồng Thái)

Việc xin ý kiến toàn dân là trách nhiệm của ban soạn thảo, Quốc hội và Chính phủ. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Hội Bảo vệ quyền trẻ em là một tổ chức được ghi trong Luật Trẻ em và là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Việc xin ý kiến công khai của trẻ em là đúng pháp luật.

"Dự thảo luật liên quan đến đối tượng nào càng cần phải xin ý kiến đối tượng đó. Việc ban hành cũng phải đánh giá tác động đối với kinh tế, chính trị, xã hội và toàn dân", ông Bốn nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, việc lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không loại trừ trẻ em bởi các em cũng là công dân. Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 34, 74, 76 Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã quy định quyền tham gia của trẻ em...

Ông Bốn cho hay, trẻ em là đối tượng dưới 16 tuổi, nên Hội đã cân nhắc để lấy ý kiến độ tuổi cho phù hợp, chứ không phải ngẫu nhiên, tuỳ tiện. Hội đã lựa chọn lứa tuổi từ 14-15 là học sinh lớp 9, các em đã có căn cước công dân và độ tuổi này đã đủ hiểu biết nhận thức hành vi.

Cần tạo điều kiện cho trẻ em

Theo ông Bốn, gia đình học sinh có đất bị nhà nước thu hồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các em, khi các em là người phải sống phụ thuộc vào gia đình. Vì vậy, luật cần phải tính toán tới để có chính sách lâu dài.

Hay trẻ em có quyền có tài sản đó là quyền được cho, được thừa kế và người lớn là người giám hộ, bảo vệ. Điều này đã có trong Bộ Luật dân sự nhưng Luật Đất đai cần tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em.

"Trong nội dung buổi hội thảo, chúng tôi cũng có nhiều câu hỏi mở như các em có muốn đứng tên không, có đồng ý hay uỷ quyền... chúng tôi chỉ chọn một vài vấn đề có liên quan đến gia đình có trong dự thảo luật. Dù sao trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai trong gia đình, dòng họ, vì vậy luật cần phải quy định một cách rõ ràng minh bạch và hạn chế sửa đổi", ông Bốn nhấn mạnh.

Thông tin thêm về Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ông Bốn cho hay, đơn vị là một tổ chức không có nguồn lực chính thức của nhà nước cấp và là tổ chức vận động nguồn lực xã hội, bởi vậy việc tổ chức lấy ý kiến không làm được ở tầm vĩ mô. Hội chỉ đạo các cơ sở của hội ở địa phương lấy ý kiến tập hợp để gửi lên trung ương hội cũng như uỷ ban nhân dân tỉnh.

"Việc xin ý kiến trẻ em độ tuổi trung học cơ sở là đúng luật định, đúng chủ trương. Tôi rất tiếc khi có một số người, thậm chí cán bộ công chức chưa hiểu hết quyền của trẻ em. Đặc biệt Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em", Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam cho hay.


Điều 34, Luật trẻ em có nêu rõ quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp: "Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng".

Điều 74. Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em

Khoản 1. Các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em:

Điểm a) Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội".

Điều 76: Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác

"Nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm sau đây:

Khoản 1. Tổ chức và tạo Điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội;

Khoản 2. Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các Khoản đóng góp theo quy định;

Khoản 3. Tạo Điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm;

Khoản 4. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

Thực hiện quyền tham gia lấy ý kiến nguyện vọng của toàn dân, trong đó trẻ em cũng là một công dân, do đó không loại trừ đối tượng này, trẻ em cũng có quyền tham gia

Tại Điều 92, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ: Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ngoài việc thực hiện quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em.

Mạnh Đoàn