Ông Bùi Kiến Thành: "Đề xuất áp thuế nhà ở từ 700 triệu là vô tình, vô lý"

18/04/2018 06:09
Vũ Phương
(GDVN) - Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, người dân có quyền tối thiểu là nhà ở nên đề xuất áp thuế nhà ở từ 700 triệu đồng là tận thu, vô tình vô cả lý.

Bộ Tài Chính đang kiến nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, với đề xuất áp thuế đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên đang vấp phải phải ứng dữ dội từ người dân và giới chuyên gia.

Theo đó, mốc 700 triệu đồng được ưu tiên để xác định phần giá trị nhà phải đóng thuế tài sản ở mức 0,4%/năm. Như vậy, nhà có giá trị trên 700 triệu sẽ bị đánh thuế, còn những căn chung cư, nhà ở… có giá trị xác định dưới 700 triệu sẽ không bị tính thuế tài sản.

Đáng chú ý, đề cương xây dựng Luật Thuế Tài sản, ngoài việc đề xuất tính thuế nhà với tỷ lệ 0,4% cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng, Bộ Tài chính cũng tách riêng phần đất và phần nhà đã xây để xác định thuế phải nộp.

Điều có nghĩa chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ cũng như chung cư sẽ phải nộp cả thuế nhà và thuế đất.

Với nhà ở, giá trị tính thuế sẽ tính bằng cách nhân mỗi m2 sàn xây dựng với suất vốn đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng.

Ví dụ một căn nhà đất 2-3 tầng loại nhà bê tông cốt thép có suất đầu tư xây dựng là 6,81 triệu đồng/m2 sàn; nhà kiểu biệt thự 2-3 tầng suất vốn đầu tư quy định là 8,56 triệu đồng/m2 sàn.

Ông Bùi Kiến Thành: "Đề xuất áp thuế nhà ở từ 700 triệu là vô tình, vô lý" ảnh 1Đánh thuế nhà ở trên 700 triệu, gánh nặng kinh tế lại dồn lên vai người dân

Một căn nhà 3 tầng xây trên phần diện tích đất 100 m2 sẽ có tổng diện tích mặt sàn là 300 m2 sẽ được tính giá chịu thuế là 300 x 6,81 triệu đồng tương đương hơn 2 tỷ đồng. Như vậy số thuế nhà phải đóng sẽ là [(300 x 6,81) – 700] x 0,4% = 5,37 triệu đồng/năm.

Còn một căn hộ chung cư có diện tích sàn 100 m2 tại khu chung cư 40 tầng, suất vốn đầu tư theo quy định là 13,340 triệu đồng/m2 sàn. Từ đó, mức thuế nhà chủ căn hộ này phải đóng mỗi năm là (1.340 – 700) x 0,4% = 2,56 triệu đồng/năm.

Như vậy, với cách tính trêm, giá trị căn nhà càng lớn mức đóng thuế sẽ càng cao.

Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, chủ sở hữu nhà ở, căn hộ chung cư... không chỉ phải đóng thuế nhà mà còn phải nộp cả thuế đất xây dựng lên tới tiền triệu đồng/năm căn nhà đó hàng năm.

Theo đề xuất của Bộ Tài Chính, nhà ở riêng lẻ diện tích sàn xây dựng càng lớn sẽ chịu thuế càng cao. Ảnh: Vũ Phương.
Theo đề xuất của Bộ Tài Chính, nhà ở riêng lẻ diện tích sàn xây dựng càng lớn sẽ chịu thuế càng cao. Ảnh: Vũ Phương. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Áp thuế nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng cần phải xem  xét lại một cách cẩn thận và kỹ lưỡng.

Người dân phải tiết kiệm nhiều năm và thậm chí nhiều gia đình phải vay ngân hàng mới mua được nhà. Hàng tháng còn phải trả tiền lãi, vậy mà lại áp thuế nữa thì rất vô lý, thiếu tính nhân đạo”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích: “Đối với người dân có nhà trị giá 700 triệu đồng là người có thu nhập thấp. Nhà 700 triệu đồng hiện nay ở Hà Nội và một số thành phố lớn chỉ có diện tích vài chục mét vuông.

Tiêu chí một quốc gia hạnh phúc, thịnh vượng đó là người dân phải có nhà ở. Như vậy, rõ ràng việc đánh thuế nhà ở là không hợp tình và cũng không hợp lý.

Nhiều quốc gia trên thế giới, nhà nước luôn tạo điều kiện để người dân được sinh sống, có nhà ở”.

Vị chuyên gia này cũng ví dụ như ở Mỹ, người dân mua nhà mà vay ngân hàng sẽ được nhà nước hỗ trợ. Tức là mỗi tháng họ phải trả một khoản cho ngân hàng thì người mua nhà sẽ được trừ đi khoản phải đóng hàng tháng đó cho ngân hàng không phải tính thuế.

Ví dụ thu nhập của anh 10 đồng vì lý do mua nhà phải vay ngân hàng, mỗi tháng anh phải trả 2 đồng thì nhà nước không đánh thuế khoản 2 đồng đó.

Trước đây, bên Mỹ không giới hạn một người sở hữu bao nhiêu nhà, nhưng sau này họ đã giới hạn tức là mỗi người được mua một nhà chính và một nhà phụ.

Hai nhà đó người dân mua sẽ được nhà nước tạo điều kiện bằng việc không đánh thuế.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, chỉ đánh thuế nhà sử dụng làm mục đích thương mại, còn nhà ở của dân mà đánh thuế thị người dân chịu sao nổi. Ảnh: Vũ Phương
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, chỉ đánh thuế nhà sử dụng làm mục đích thương mại, còn nhà ở của dân mà đánh thuế thị người dân chịu sao nổi. Ảnh: Vũ Phương

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành chỉ rõ: “Không ai đi đánh thuế nhà ở của người dân mà chỉ đánh thuế vào những căn nhà vì mục đích thương mại như văn phòng cho thuê hay nhà mục đích chính là kinh doanh.

Hai loại hình nhà này này là khác nhau, một cái là nhà ở, một cái là nhà thương mại. Nhà thương mại tạo ra thu nhập thì mới đánh thuế, còn nhà để ở thuần túy thì không nên đánh thuế.

Bởi vậy, việc đánh thuế này phải hết sức cẩn trọng, Bộ Tài Chính cần chỉ rõ nhiều nước trên thế giới áp dụng ra sao, chứ không thể nói chung chung là nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và Việt Nam cũng áp dụng.

Như bên Pháp, hiện có nhiều lâu đài cổ có giá trị lớn, giờ con cháu đang thừa hưởng sẽ không phải đóng thuế vì trường hợp con cháu không giàu thì lấy đâu tiền để đóng thuế. Nếu đánh thuế thì buộc những người chủ đó phải bán nhà”.

Ông Bùi Kiến Thành: "Đề xuất áp thuế nhà ở từ 700 triệu là vô tình, vô lý" ảnh 4Căn hộ chung cư sẽ phải nộp thuế đất

Cũng theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, đất nước vì dân thì cần tạo điều kiện tối thiểu cho người dân có nhà ở. Như vậy, không thể đánh thuế căn nhà mà người dân đang ở, đang sinh sống.

Hơn nữa, Chính phủ cũng đang nỗ lực dành những gói vay ưu đãi cho người dân vay mua nhà thì đề xuất áp thuế nhà ở của dân là không thể chấp nhận. 

“Đề xuất đánh thuế tài sản từ 700 triệu đồng có thể nói đó là tư duy lệch lạc, khó hiểu, nếu không muốn nói là tận thu của người dân của một số người làm luật.

Đề xuất “máy lạnh” này xuất phát từ những người không ra khỏi phòng lạnh để xem người dân sống ra sao, thu nhập như thế nào”, ông Thành nói.

Đề xuất đánh thuế nhà ở của Bộ Tài chính khiến người dân phản ứng gay gắt. Ảnh: Vũ Phương.
Đề xuất đánh thuế nhà ở của Bộ Tài chính khiến người dân phản ứng gay gắt. Ảnh: Vũ Phương. 

Đồng quan điểm, Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Văn Hóa (nguyên Giám đốc Học viện Tài Chính) cho biết: “Ngôi nhà 700 triệu đồng ở thành phố hiện nay là nhỏ và dành cho người thu nhập thấp.

Bởi vậy, việc đánh thuế vào giá trị ngôi nhà từ 700 triệu đồng khác nào là đánh thuế toàn dân.

Ngôi nhà mà người lao động qua tích lũy, tiết kiệm mua được bằng sức lao động, qua quá trình làm việc họ đã bị đánh thuế rồi, giờ lại đánh thuế một lần nữa, nghĩa là thuế chồng lên thuế.

Hiện người dân đang phải chịu nhiều thứ thuế, ra đường là phải đóng thuế như BOT, thuế xăng dầu…

Đề xuất đánh thuế nhà từ 700 triệu động là rất bất hợp lý và cần phải xem lại chứ không thể cứ bội chi ngân sách lại tăng thuế và đổ lên dân”.

Giáo sư Vũ Văn Hóa cũng nhấn mạnh: “Không thể nói đánh thuế như Bộ Tài Chính đưa ra là vì một số nước trên thế giới họ cũng đánh thuế.

Nói như vậy rất chung chung và người lao động không biết có đúng như vậy hay không, cái này phải làm rõ. 

Hơn nữa, thu nhập bình quân của người Việt Nam hiện nay so với khu vực và trên thế giới vẫn còn thấp. Người lao động đang sống ra sao, trong điều kiện của Việt Nam mà anh đánh thuế toàn dân như vậy thì người dân chịu sao nổi.

Đáng nói, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, tài sản cả ngàn tỷ đồng nhưng thu hồi được bao nhiêu. Cái cần siết chặt ở đây là chi tiêu công, thu hồi tài sản tham nhũng, chứ không phải đánh thuế nhà ở của người dân”.

Vũ Phương