Ông chủ ngân hàng đầu tiên của người Việt ở Mỹ nói về thương vụ Buford

13/04/2012 14:17
Bình An
(GDVN) - "Việc mua bán này chỉ là cá nhân với cá nhân nên chưa biết đây có phải giá hời hay không. Nếu là tôi, tôi sẽ không mua Buford... ", TS Nguyễn Chí Hiếu chuyên gia tài chính (người thành lập Ngân hàng First Vietnamese-American Bank ngân hàng người Việt đầu tiên tại Mỹ) chia sẻ.
Liên quan đến thương vụ ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế IDS - TP.HCM bỏ ra số tiền 900.000 USD để đổi lấy một thị trấn nhỏ có tên là Buford của Mỹ được đông đảo người Việt Nam cũng như Việt Kiều quan tâm. Gần đây, trên các diễn đàn mạng và dư luận có người thì cho rằng ông Nguyên bị “hớ” khi mua thị trấn này, người thì khen đây là chiêu PR khéo léo. 

Trading Post, trung tâm kinh doanh của cả thị trấn, cũng là điểm dừng chân duy nhất dành cho khách qua đường.
Trading Post, trung tâm kinh doanh của cả thị trấn, cũng là điểm dừng chân duy nhất dành cho khách qua đường.


Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính có thâm niên hơn 30 năm hoạt động trong ngân hàng tại Mỹ đã có những chia sẻ rất thú vị  với PV báo Giáo dục Việt Nam về thương vụ mua cả một thị trấn ở Mỹ của doanh nhân Phạm Đình Nguyên.

PV: Thưa TS Nguyễn Trí Hiếu, ông đánh giá như thế nào về việc doanh nhân việt mua thị trấn Buford với 900.000USD?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Dưới góc độ đầu tư ra nước ngoài tôi đánh giá đây là một quyết định đáng khuyến khích. Nếu việc sử dụng đầu tư này nhằm mục đích học hỏi, chuyển giao công nghệ với 900.000 USD thì đây là một quyết định đầu tư nên khuyến khích các doanh nhân Việt Nam.

PV: Nhiều người cho rằng đây là một mức giá 'hời' vì 900.000 USD chỉ mua được khoảng 50m2 đất ở trung tâm của Hà Nội, nếu so với Bất động sản bên Mỹ giá này có hời không thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tôi không rõ cái thị trấn Buford có nằm trong một khu vực địa lý hành chính như thế nào ở bên Mỹ hay chỉ là một khu bất động sản mang tên thị trấn nào đó. Nhưng nếu nó là một khu hành chính thì việc mua bán phải qua cơ quan hành chính. Nếu nó là một thị trấn thì phải thông qua hội đồng cùng cấp và thông qua các đơn vị quản lý hành chính cao cấp hơn là quận và cuối cùng có thể là tiểu bang thông qua việc mua bán.
Nhưng tôi thấy việc mua bán thị trấn Buford hình như là một việc mua bán cá nhân với nhau nên tôi không hiểu đó có phải là việc mua một khu vực hành chính hay không hay chỉ là miếng đất, mua khu bất động sản. Để làm rõ điều này thì chỉ có người mua, người bán và các vị luật sư đại diện cho người mua, người bán có thể trả lời được.
Nên trả lời câu hỏi có hời hay không thì tôi rất khó trả lời vì thực chất việc mua bán chưa được làm rõ. Sau khi làm rõ việc mua mảnh đất như thế này hay khu hành chính như thế này có hời hay không. Việc mua một khu vực hành chính hay một mảnh đất tư nhân giá của nó hoàn toàn khác nhau.

Mua một khu vực hành chính trong đó có tất cả các phương tiện công cộng, điện, nước, đường xá công cộng trong khu đó thì giá khác hơn việc mua môt miếng đất. Tôi vẫn chưa hiểu việc mua bán này là mua miếng đất hay là mua khu vực hành chính nên không đánh giá được giá đó có hời hay không.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia về tài chính ngân hàng
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia về tài chính ngân hàng

PV: Ông là người đầu tiên ở Việt Nam mở ngân hàng trên đất Mỹ cũng giống như doanh nhân Phạm Đình Nguyên là người Việt Nam đầu tiên "liều lĩnh" mua một thị trấn “hoang". Ông có cảm nghĩ như thế nào về quyết định của vị doanh nhân này có giống với ông?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Ở vấn đề này tôi và ông Nguyên lại có một điểm chung. Chúng tôi cùng là một trong số những người Việt Nam đầu tiên tự khai phá mảnh đất Mỹ. Tôi tự hào thành lập Ngân hàng First Vietnamese-American Bank ngân hàng người Việt đầu tiên tại Mỹ. Tôi nghĩ ông Nguyên cũng tự hào vì mình là một trong số những người đầu tiên mua một mảnh đất trên đất Mỹ. 
Việc người nước ngoài mua đất tại Mỹ là việc bình thường diễn ra trong quá khứ. Vào những thập niên 80 – 90 người Nhật cũng ồ ạt đầu tư mua bất động sản trên đất Mỹ nhưng việc kinh doanh đã trở nên thất bại khi khủng hoảng toàn cầu chạm đến đưa bất động sản Mỹ về đáy. Nhiều nhà đầu tư Nhật lại bán lại tài sản đó cho công ty Mỹ. Ở Mỹ họ cho phép người nước ngoài mua tài sản của họ trên mảnh đất của họ. Việc ông Nguyên mua thị trấn Buford đối với mình là khai phá đầu tiên cũng giống như tôi khi mở ngân hàng First Vietnamese-American Bank của người Việt Nam đầu tiên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

PV: Việc đầu tư của ông Nguyên có quá mạo hiểm trong điều kiện kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn như hiện nay không, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tôi được biết ông Nguyên thực hiện việc đầu tư này trong khi ông Nguyên chưa biết ông sẽ sử dụng mảnh đất này để làm gì ngoài việc dùng để phổ biến sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Với mục đích này thì việc đầu tư mua mảnh đất này của ông Nguyên được xem rất mạo hiểm vì có ai đến cái thị trấn này để tham quan sản phẩm của Việt Nam? Ngay cả các trung tâm triển lãm lớn như NewYork , Las Vegas… hàng Việt Nam bày bán nhiều nhưng không được sự chú ý của khách. Khi đó, ông Nguyên làm sao đưa khách hàng lên tận thị trấn Bufort để họ tham quan?
Trừ trường hợp ông Nguyên sẽ phải đầu tư một số tiền rất lớn nữa để biến thị trấn này thành điểm du lịch, đem khách hàng đến. Đầu tư này có lẽ là đầu tư mạo hiểm trên quan điểm kinh doanh. Nhưng tôi đoán có thể ông Nguyên nhìn dưới khía cạnh khác không chỉ dưới khía cạnh kinh doanh. 

Nếu ông Nguyên dùng thị trấn Buford để giới thiệu hàng Việt thì khó thành công được
Nếu ông Nguyên dùng thị trấn Buford để giới thiệu hàng Việt thì khó thành công được

PV: Về cá nhân mình, ông có thể chia sẻ những quyết định nhanh chóng và được xem là liều lĩnh của mình không?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Quyết định liều lĩnh thì tôi không có, quyết định của tôi và một số chuyên gia về ngân hàng, nhà đầu tư để thành lập một ngân hàng là kết quả của một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu thị trường kéo dài hơn 10 năm. Tôi đã làm việc cho ngành ngân hàng ở Mỹ 32 năm, những anh em khác làm trong ngành ngân hàng cùng thảo luận, nghiên cứu trong một quá trình rất dài.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu Sinh năm 1947, là Tiến sĩ Quản trị kinh doanh trường ĐH Ludwig – Maximilians, Munich, Công Hòa Liên Bang Đức. Ông có hơn 30 năm làm việc và quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Mỹ và Việt Nam.

Nguyễn Trí Hiếu từng là ông chủ một ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ. Năm 2005 ngân hàng First Vietnamese-American Bank – một ngân hàng đầu tiên của người Việt Nam nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam với vốn ban đầu là 15 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2009, kinh tế Mỹ khủng hoảng kéo theo sự sụp đổ của nhà băng này.

Hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu hiện đang là thành viên thường trực HĐQT và Ủy ban quản lý rủi ro của Ngân hàng An Bình.
Quyết định của chúng tôi không phải là quyết định táo bạo, nhanh chóng mà là quyết định chín chắn, cần có thời gian dài và tạo được sự hưởng ứng của cả cộng đồng người Việt ở bên đó. Tôi nhớ mãi cảm giác cả cộng đồng người Việt xôn xao, phấn khởi vì đây là lần đầu tiên cộng đồng người Việt có một ngân hàng trong khi cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều không có. 
Đối với cá nhân tôi, việc thành lập một ngân hàng của người Việt đầu tiên trên đất Mỹ tôi cũng rất hãnh diện. Mặc dù vốn không chỉ riêng của cộng đồng người Việt mà còn có cả vốn của cộng đồng người Hàn, người Hoa và cả người Mỹ… Hạ viện Mỹ đã đưa việc thành lập ngân hàng First Vietnamese-American Bank ra quốc hội Mỹ và đánh giá rất cao sự kiện này. Họ xem không những là thành công của cộng đồng người Việt tại Mỹ mà họ xem như đây là thành công của nước Mỹ trong việc giúp cộng đồng thiểu số thành lập 

PV: Nếu được thử sức trên lĩnh vực kinh doanh BĐS, ông có lựa chọn Mỹ là hướng đầu tư?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ đầu tư bất động sản ở Mỹ là một đầu tư tốt. Thị trường Mỹ hiện nay vẫn đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 – 2009 nên giá bất động sản vẫn còn thấp. Trong tương lai giá bất động sản tại Mỹ sẽ leo thang. Hiện nay nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi và nền kinh tế Mỹ vẫn là một nền kinh tế số một thế giới.

Tuy nhiên, có một quy luật trong đầu tư bất động sản đó là “địa điểm-địa điểm và địa điểm” thì trong trường hợp thị trấn Buford địa điểm không phải là một lợi thế. Bất động sản là cơ hội đầu tư tốt nhưng phải địa điểm tốt. 

PV: Trong trường hợp ông là ông Nguyên, ông có muốn mua thị trấn Buford?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Nếu là tôi, tôi sẽ không chọn mua Buford, trước khi tôi chưa biết được tôi sẽ làm gì với cái thị trấn này và tôi chưa biết được hiệu quả kinh doanh thì tôi sẽ không mua. Có lẽ tôi cũng như những nhà tài chính ngân hàng khác thì chúng tôi phải làm kết quả chiến lược và dự báo tài chính trong mười năm. Trong trường hợp ông Nguyên, hình như ông Nguyên chưa làm một dự báo tài chính, chưa có giả định về kịch bản tài chính có thể xảy ra với đầu tư của mình thì tôi thấy đây là quyết định quá vội vàng.

PV: Trong suốt cuộc trò chuyện, ông đưa ra rất nhiều điểm giống nhau của ông và ông Nguyên, vậy điểm khác nhau giữa ông và ông Nguyên là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi là một nhà tài chính ngân hàng, suy nghĩ của tôi cũng rất là bảo thủ trong tất cả các quyết định tôi không thể quyết định nhanh chóng mà cần qua quá trình nghiên cứu và sàng lọc rất kỹ càng. Ông Nguyên là một nhà kinh doanh nhất là kinh doanh bất động sản thì khác biệt về cá nhân rất rõ ràng. Một nhà kinh doanh bất động sản họ thường có quyết định nhanh chóng hơn những người kinh doanh ngành ngân hàng. Chúng tôi ở hai lĩnh vực đầu tư khác nhau.
Còn điểm khác nhau đặc thù nữa là ông Nguyên là người ở Việt Nam đến Mỹ để đầu tư còn tôi lại từ Mỹ trở về Việt Nam đầu tư.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bình An