Ông Huỳnh Minh Tâm dùng bằng mang tên em trai leo lên ghế trưởng phòng giáo dục?

23/12/2019 06:00
Hưng Long
(GDVN) - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang gần 2 tháng nhưng chưa nhận được sự phản hồi.

Ngày 01/11/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn số 105/GDVN-HC gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang về việc cung cấp thông tin.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của độc giả về việc ông Huỳnh Minh Tâm – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận liên quan đến độ tuổi vào ngành sư phạm.

Công văn số 105/GDVN-HC của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang về việc cung cấp thông tin. (Ảnh: H.L)
Công văn số 105/GDVN-HC của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang về việc cung cấp thông tin. (Ảnh: H.L)

Để đảm bảo thông tin trung thực, khách quan khi truyền tải tới độc giả, bằng công văn số 105/GDVN-HC, Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cung cấp một số nội dung, thông tin xung quanh sự việc.

Từ khi gửi công văn trên đến Sở Giáo dục và Đào tạo cho tới nay (20/12), Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi từ lãnh đạo Sở.

Để rộng đường dư luận, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng nội dung công văn số 105/GDVN-HC:

Người ta mua bằng giả để làm gì?
Người ta mua bằng giả để làm gì?

Cụ thể, ông Tâm dùng hồ sơ để đăng ký tuyển dụng vào ngành sư phạm tỉnh Kiên Giang gồm có giấy khai sinh và giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông cơ sở có tên là Huỳnh Minh Hiếu (trùng với tên em trai của ông Tâm).

Ông Tâm sinh ngày 05/10/1965 cũng trùng với ngày, tháng, năm sinh của em trai Huỳnh Minh Hiếu đúng hay sai?

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề nghị Sở Giáo dục tỉnh Kiên Giang cung cấp thông tin liên quan đến văn bằng phổ thông cơ sở của ông Huỳnh Minh Hiếu (nay là Huỳnh Minh Tâm – PV).

Ngoài ra, quyết định tuyển dụng – quyết định phân công công việc (quyết định đầu tiên) của ông Huỳnh Minh tâm cũng mang tên Huỳnh Minh Hiếu?

Do đó, để giải đáp thắc mắc cho dư luận, đề nghị quý Sở cung cấp các thông tin liên quan đến quyết định đầu tiên (quyết định tuyển dụng – phân công) của ông Huỳnh Minh Tâm?

Tại sao lại có sự thay đổi tên tuổi sau này? Nếu có cải chính thì cải chính năm nào? Nguyên nhân, lý do cải chính từ tên Huỳnh Minh Hiếu thành Huỳnh Minh Tâm là gì?

Ông Tâm 16 tuổi đã làm thầy và câu chuyện nhà giáo nước mắt chan cơm
Ông Tâm 16 tuổi đã làm thầy và câu chuyện nhà giáo nước mắt chan cơm

Ông Huỳnh Minh Tâm xác nhận thời gian được tính đóng bảo hiểm xã hội ban đầu là tháng 12/1979. Lúc này, ông Tâm được 14 tuổi 2 tháng và sau đó, được sửa thành tháng 12/1981 (lúc này ông Tâm được 15 tuổi 11 tháng).

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị quý Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp hồ sơ gốc để chứng minh ngày được tính thời gian bảo hiểm xã hội của ông Huỳnh Minh Tâm?

Năm 2000, ông Tâm bị kỷ luật khiển trách và chức vụ thời điểm này là Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo. Năm 2001, ông Tâm được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận cho đến nay (tức là đã được 19 năm).

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị quý Sở cung cấp tài liệu có liên quan đến thời gian bị kỷ luật khiển trách (năm 2000) và thời gian được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận năm 2001.

Điều 39 luật Báo chí năm 2016 quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết” ;

Theo Luật Báo chí 2016, cơ quan báo chí phải đăng những kiến nghị, phê bình, tin, bài… dựa trên phản ánh của công dân phù hợp với quy định của pháp luật, trừ những trường hợp bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 của Luật Báo chí 2016.

Theo quy định tại Điều 38 Luật Báo chí trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Thời hạn quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm phải trả lời cơ quan báo chí về vấn đề mà công dân phản ánh là 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.

Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.

Hưng Long