Ông Lê Quang Thưởng: Quy định 205 rất quan trọng, đặc biệt là lúc này

29/09/2019 07:31
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đã có quy định cụ thể về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức quyền, cấp ủy các Bộ ngành sẽ kiểm tra, có trường hợp nào chưa xử lý thì buộc phải làm nghiêm.

Ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là rất tốt và quan trọng, đặc biệt trong thời điểm này.

Ông Lê Quang Thưởng. Ảnh: VOV
Ông Lê Quang Thưởng. Ảnh: VOV

“Thực tế, thời gian vừa qua công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều vấn đề. Nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao.

Đáng nói, khi xử lý mới vỡ lẽ, nhiều cán bộ đã vi phạm trong thời gian dài trước khi được cất nhắc vào vị trí quan trọng.

Vì thế, việc ban hành quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng là đáp ứng yêu cầu bức thiết sau những vấn đề xảy ra vừa qua trong công tác quản lý cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược.

Đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đến gần”, ông Thưởng nêu nhận định.

Theo nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, thực tế, nhiều điểm trong quy định đã được thực hiện từ lâu như nếu phát hiện có việc lợi dụng chức vụ quyền hạn đưa người không đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch, đề bạt vô nguyên tắc đều được xử lý.

“Nhưng với Quy định 205 thì việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các hành vi chạy chức chạy quyền được chỉ ra cụ thể. Trách nhiệm của từng bộ phận, các nhân sự liên quan đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm rất rõ ràng.

Quy định này sẽ giúp rất nhiều cho việc làm công tác nhân sự cho Đại hội Đảng 13 tới đây", ông Thưởng nhấn mạnh.

Đã có bàn tay thép chặn cả họ làm quan, cánh hẩu trong công tác cán bộ
Đã có bàn tay thép chặn cả họ làm quan, cánh hẩu trong công tác cán bộ

Dẫn một điểm cụ thể về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ như quy định với cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể…“Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị", ông Thưởng cho rằng, quy định này nhằm ngăn chặn quan hệ thân tộc trong tổ chức Đảng, chính quyền.

"Đã có quy định cụ thể, các địa phương, bộ ngành sẽ kiểm tra, nếu có trường hợp nào chưa xử lý thì buộc người ta phải xử lý.

Địa phương nào nể nang không xử lý thì giờ quy định đã công khai rồi, cán bộ, Đảng viên cấp ủy địa phương sẽ biết, phát hiện và có ý kiến tạo điều kiện để lựa chọn nhân sự Đại hội 13 tốt hơn”, ông Thưởng nói.

Ông nhấn mạnh lại, có quy định, ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền là việc rất tốt nhưng việc làm thế nào để thực hiện hiệu quả mới là quan trọng nhất.

Nếu quy định này được thực thi một cách nghiêm khắc, đồng bộ với các quy định khác thì chính là cơ chế kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ trên mọi phương diện.

Các hành vi chạy chức, chạy quyền

1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

2. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

4. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Đỗ Thơm