Ông Ngô Trần Ái, sao ông lại như vậy?

03/02/2020 06:44
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Ái nên nói rõ với dư luận rằng, ông đã từng ký các văn bản hợp tác giữa Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện các nhà xuất bản sách đang tăng cường quảng bá sách đến thầy cô, phụ huynh học sinh khi mà thời gian để đưa ra quyết định chọn sách giáo khoa lớp 1 nào cho năm học 2020 – 2021 ngày một đến gần.

Bên cạnh các thông tin tích cực giúp thầy cô giáo và phụ huynh hiểu thêm về sách thì còn có những thông tin chưa thực sự rõ ràng trong khi không phải ai cũng có thể đủ thông tin để nhận thức được đâu là thông tin khách quan và thiếu khách quan.

Hệ lụy của những thông tin như vậy sẽ khiến cho việc lựa chọn sách giáo khoa khó đạt được phương án tối ưu nhất đối với từng cơ sở giáo dục.

Ông Ngô Trần Ái người ngoài cùng bên phải đang giới thiệu sách giáo khoa mới (ảnh nguồn báo daibieunhandan.vn)
Ông Ngô Trần Ái người ngoài cùng bên phải đang giới thiệu sách giáo khoa mới (ảnh nguồn báo daibieunhandan.vn)

Trong bài viết, “Thực hư việc nhà xuất bản Giáo dục chi thù lao cho cán bộ Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh” của báo Đại Đoàn Kết, tác giả đã cho biết:

“Bắt đầu từ ngày 10/3/2015, một cuộc họp diễn ra giữa đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh (gồm ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc, bà Phạm Kim Oanh, Phó Chánh Văn phòng, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, ông Hoàng Trường Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (gồm ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Vũ Văn Hùng, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, ông Phạm Văn Hồng, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh,…).

Cuộc họp đã thống nhất chủ trương về sự liên kết giữa 2 đơn vị này đồng thời lập Ban chỉ đạo gồm các thành viên thuộc 2 đơn vị.

Ông Ngô Trần Ái nói về cách chơi chữ của một số cựu lãnh đạo ngành giáo dục

Trên tinh thần đó, ngày 31/3/2015, ông Ngô Trần Ái đã ký văn bản số số 456A/NXBGDVN gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc “Nhà xuất bản giáo dục Giáo dục Việt Nam hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn thêm một Bộ Sách giáo khoa để phục vụ học sinh, giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh nếu được Hội đồng thẩm định quốc gia xét duyệt, cho phép lưu hành”.

Ngày 14/4/2015, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã ký văn bản số 1747/ BGDĐT-VP gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong đó nêu ý kiến khuyến khích, đánh giá và lưu ý khi xây dựng bộ sách giáo khoa.

Sau khi bắt tay vào việc, ngày 25/9/2015, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng nhau ký hợp đồng mang tên là “Hợp đồng nguyên tắc” về việc tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa mới sau năm 2015.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Chí Minh, đại diện là ông Lê Hồng Sơn, về phía Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đại diện là ông Ngô Trần Ái (với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa mới).

Tại điều 1 Hợp đồng này ghi rất rõ “phụ cấp trách nhiệm hàng tháng của Ban chỉ đạo để duy trì hoạt động thường xuyên là: Trưởng ban 6.000.000đ/người, Phó Trưởng ban 5.000.000đ/người, Ủy viên thường trực 4.000.000đ/người, Ủy viên 3.500.000đ/người”.

Như vậy, có thể thấy ông Ngô Trần Ái chính là người đã ký Biên bản ghi nhớ về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh để biên soạn một bộ sách giáo khoa cho địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, với tư cách Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam”. [1]

Để tự chọn sách giáo khoa thì dễ loạn lắm!
Để tự chọn sách giáo khoa thì dễ loạn lắm!

Tuy nhiên, thật khó hiểu trong bài báo “Làm sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông “Nếu có tiêu cực chắc tôi sẽ nghỉ làm luôn” – của báo Người đưa tin, trong đó có đoạn ông Ngô Trần Ái  trả lời câu hỏi của phóng viên: “Nhưng cũng có nghi ngại là người chọn sách sẽ không lựa chọn yếu tố phù hợp, chất lượng lên đầu, mà có yếu tố phía sau.

Ví dụ, mới đây có chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả thù lao hàng tháng cho sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Thầy mong muốn gì từ phía người chọn sách?".

Được ông Ngô Trần Ái trả lời: “Mấy hôm nay báo chí đăng, tôi thật sự buồn, vì không thể chọn sách như thế được.

Những gì không khách quan, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ thì sẽ không thể chọn sách hay được. Cái quan trọng, sách phải có chất lượng để đưa cho các con học.

Có thể đâu đó có tiêu cực, nhưng chắc chắn một tập thể giáo viên, phụ huynh sẽ không thể để chuyện đó xảy ra” [2].

Với những gì hai bài báo trên nêu ra có thể thấy nguồn cơn sự việc mà Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam chi tiền cho một số cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm của ông Ái. 

Cái cách ông Ái thông tin trước dư luận như vậy thật sự khó hiểu. Chẳng lẽ, những việc làm trước đây khi còn ở Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam ông Ái đã quên?

Hiện ông Ái giờ không còn là người của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam nữa mà ông đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần đầu tư xuất bản, thiết bị giáo dục Việt Nam - một trong những chủ sở hữu bộ sách giáo khoa “Cánh Diều”.

Trong bối cảnh giáo viên, phụ huynh đang tiếp cận các bộ sách giáo khoa lớp 1 thì điều cần thiết là cần tạo điều kiện để sách đến với các thầy cô giáo một cách nhanh nhất, hạn chế những thông tin bên lề thiếu khách quan làm chi phối trong việc chọn sách.

Muốn chọn sách thành công, các thầy cô phải được dạy thử nghiệm và đánh giá khách quan về nội dung các cuốn sách.

Bản mẫu sách giáo khoa chỉ là con săn sắt
Bản mẫu sách giáo khoa chỉ là con săn sắt

Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa cho thấy trao quyền cho các nhà trường, thầy cô và phụ huynh chọn sách.

Dự thảo cho thấy quy trình chặt chẽ, khách quan và dân chủ. Cho nên, nếu Thông tư này được thông qua và thực hiện nghiêm túc thì các nhóm lợi ích khó có thể can thiệp.

Trước đó Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Cả 5 bộ sách đã được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt nhưng để biết sách nào phù hợp với học trò thì chỉ giáo viên mới hiểu rõ nhất.

Chính vì vậy, giáo viên phải là người được lựa chọn những nội dung hay ở từng sách, tự thiết kế thành bài giảng của mình để truyền đạt tới học trò. Có nhiều sách giáo khoa, do đó giáo viên có thể lựa chọn những cái hay của sách này kết hợp với những nội dung hay trong các cuốn sách khác, không nhất thiết chỉ dùng duy nhất một bộ sách để giảng dạy.

Bởi thực tế nhiều tỉnh có sự khác biệt rõ rệt về điều kiện địa lý, kinh tế xã hội giữa khu vực thành phố và các huyện vùng sâu vùng xa. Do đó nếu để tỉnh chọn một bộ sách dùng cho toàn tỉnh cũng sẽ không phù hợp”. [3].

Tài liệu tham khảo

1. http://daidoanket.vn/giao-duc/thuc-hu-viec-nxb-giao-duc-chi-thu-lao-cho-can-bo-so-giao-duc-tp-hcm-tintuc457017

2. https://www.nguoiduatin.vn/la-m-sgk-chuong-tri-nh-gdpt-ne-u-co-tieu-cu-c-cha-c-toi-se-nghi-la-m-luon-a460123.html

3. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuyen-gia-lo-lang-chon-sach-giao-khoa-theo-do-day-cua-phong-bi-post205814.gd

Trinh Phúc