GS Trần Lâm Biền:

“Ông Phạm Quang Nghị xin lỗi người dân Đường Lâm không có gì lạ”

22/05/2013 12:01
Ngọc Quang
(GDVN) - Chiều qua, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trực tiếp xuống làng cổ Đường Lâm gặp gỡ và người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đã xin lỗi người dân vì sự chậm trễ. Tuy nhiên, GS Trần Lâm Biền – một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam thì cho rằng đây “không phải chuyện lạ”.

Chẳng phải nói thì ai cũng biết, người dân ở làng cổ Đường Lâm hoan hỉ đến thế nào khi mà Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị về tận địa phương để mắt thấy tai nghe về “đời sống của người dân”. Trong những lời phát biểu của mình, ông Nghị đã thông tin rất rõ về định hướng tháo gỡ khó khăn và cũng không quên nhắc nhở các sở, ngành phải quyết tâm sớm giải quyết bức xúc của bà con trong tháng 6 tới đây. Và ông cũng không quên nói lời xin lỗi nhân dân làng cổ Đường Lâm vì sự chậm chễ này.

Ông Phạm Quang Nghị lắng nghe tâm tư của người dân làng cổ Đường Lâm.
Ông Phạm Quang Nghị lắng nghe tâm tư của người dân làng cổ Đường Lâm.

Trò chuyện với Báo Giáo dục Việt Nam sáng nay, GS Trần Lâm Biền đánh giá, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị là con người của thực tế. Việc một ông Bí thư của một thành phố xuống tận địa phương để khảo sát và trực tiếp nói chuyện với bà con, lắng nghe những ý kiến và mong muốn của bà con là vô cùng cần thiết.

“Việc quan trọng nhất trong thời gian qua chúng ta có ý định làm mà chưa làm được, đó là chưa quan tâm một cách rốt ráo, kịp thời đưa ra những chính sách với một di sản văn hóa có tính chất đặc thù rất cao như Đường Lâm. Chúng tôi xin lỗi vì sự chậm trễ này. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần, tình cảm của người dân Đường Lâm trong việc bảo tồn ngôi làng này. Đồng thời, mong người dân Đường Lâm tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn di sản quý báu này”- Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

GS Biền nói rằng, chuyện ông Phạm Quang Nghị xuống làng cổ Đường Lâm không phải chuyện lạ với ông. “Tôi biết rất rõ về ông Nghị. Thời ông ấy làm Bí thư ở tỉnh Hà Nam đã từng xuống tận chùa Cảnh Phúc ở huyện Duy Tiên để chứng kiến thực tế những bức xúc của bà con, sau đó mới chỉ đạo Sở Văn hóa tìm phương án giải quyết.

Khác với nhiều lãnh đạo, ông Nghị thường tự mình tìm hiểu thực tế để đưa ra những quyết định nhanh và chính xác. Lần này cũng vậy, ông Nghị tự mình về Đường Lâm để chứng kiến những bức xúc của người dân là một việc rất đáng ghi nhận. Việc một Ủy viên Bộ Chính trị về tận địa phương trao đổi với người dân, ghi nhận và nói rõ hướng giải quyết chắc chắn sẽ được nhân dân ở đó yêu mến”, GS Biền bày tỏ.

Theo GS Trần Lâm Biền, ở thời nào chúng ta cũng cần có những vị lãnh đạo tận tụy với nhân dân như vậy. Còn việc Trưởng BQL Di tích làng cổ Đường Lâm đã nói rằng, từng tới Bộ Văn hóa và các sở ngành khác để xin ý kiến giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân mà không có được hướng dẫn cụ thể nào, thì cần phải chỉ rõ ra là đã làm việc với ai, chức danh của họ là gì, họ đã hướng dẫn ra sao để cuối cùng kết quả lại thành ra sự bức xúc như ngày hôm nay.

Một Ủy viên Bộ Chính trị đã phải về tận địa phương gặp gỡ bà con, thế mà nhiều lãnh đạo các sở, ngành khác thì tại sao bao nhiêu năm qua không đưa ra được một hướng giải quyết nào cụ thể, mà cứ “ngâm” mãi khiến cho người dân không còn chịu đựng được nữa?

GS. Trần Lâm Biền.
GS. Trần Lâm Biền.
GS Biền nhận định: “Tôi tin rằng không có một người dân nào muốn trả lại di tích cho nhà nước khi mà nó đã được xếp hạng cấp quốc gia. Chẳng qua là họ quá bức xúc, đời sống của họ bị chèn ép đến cùng quẫn, không chịu nổi nữa thì mới phải đâm đơn thôi. Vấn đề xảy ra tại làng cổ Đường Lâm và nói chung là ở nhiều di tích khác nó bắt nguồn từ chỗ cơ quan quản lý không quan tâm, hoặc quan tâm không đầy đủ tới quyền lợi chính đáng của những người dân tại nơi đó. Chính quyền và văn hóa bắt tay nhau không chặt thì sẽ dẫn đến sự việc dân bức xúc, đấy là điều dễ hiểu, mà nếu không rút kinh nghiệm triệt để thì sẽ còn tiếp tục tái diễn”.

Trước đó, trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho hay, bức xúc của người dân ở đây là có thật, nhưng rất may sau buổi tiếp xúc của Bí thư Thành ủy thì bà con đã hiểu hơn và tin tưởng vào sự tháo gỡ của các cơ quan quản lý trong thời gian tới.

Cách đây một tuần, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thẩm định quy hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm, Quy hoạch xây dựng khu dãn dân và Điều lệ quản lý quy hoạch, trình UBND TP phê duyệt trong tháng 6/2013.

Ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, công tác quản lý, bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm tuy có cố gắng nhưng còn nhiều hạn chế, đó là: Chưa hoàn thiện quy hoạch và các chính sách cho việc bảo tồn; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nhất là việc xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình nhà ở bị xuống cấp…

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nguồn lực đầu tư hạn hẹp, đây là mô hình bảo tồn làng cổ đầu tiên, chưa có tiền lệ nên rất khó khăn; đồng thời công tác chỉ đạo của UBND thị xã Sơn Tây, UBND xã Đường Lâm còn thiếu tập trung, chưa quyết liệt; chưa có sự phối hợp thường xuyên giữa các sở, ban, ngành thành phố; ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích của một số ít người dân chưa cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cùng lãnh đạo Sở VHTTDL tổ chức đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nhân dân về công tác bảo tồn di tích; giải quyết ngay những vấn đề nhân dân đang bức xúc trong phạm vi thẩm quyền; Yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thẩm định Quy hoạch bảo tồn, Quy hoạch xây dựng khu dãn dân và điều lệ quản lý quy hoạch làng cổ Đường Lâm, trình UBND TP phê duyệt trong tháng 6/2013.

Ngọc Quang