Ông Tây làm hồi sinh đàn vọoc mà thế giới cho rằng đã tuyệt chủng

08/08/2012 13:40
Nguyễn Tiến (Ghi theo lời kể của NB Đỗ Doãn Hoàng)
(GDVN) - Tilo là người đầu tiên đã hồi sinh lại những đàn vọoc tại Việt Nam mà thế giới cho rằng đã tuyệt chủng và thành lập nên Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương.
Việc con người tàn sát các loài động vật một cách hết sức dã man đã diễn ra trong một thời gian dài khiến số lượng nhiều loài động vật quý hiếm giảm sút một cách nghiêm trọng. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trong khi người Việt đang ngày ngày tàn sát những loài động vật trên chính quê hương mình thì lại có một người nước ngoài từ bỏ cả gia đình bên nước Đức xa xôi sang Việt Nam và đang ngày đêm âm thầm bảo vệ các loài động vật trên đất nước chúng ta. 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Ông là Tilo Nadler, người đã thành lâp lên Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng (gồm vượn, vọoc, khỉ và cu li). Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng những câu chuyện về người đầu tiên bảo vệ các loài linh trưởng này ở Việt Nam qua lời kể của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (người từng rất nhiều lần đồng hành với ông Tilo trong việc bảo vệ động vật hoang dã).
Tilo Nadler năm nay 70 tuổi rồi, mặt vẫn đỏ, râu vẫn rậm, dáng vẫn lừng lững, cái nhìn vẫn ngờ nghệch song lại có vẻ rất là giang hồ. Bỏ lại vợ con, gia đình đề huề bên Đức, đi nửa vòng trái đất sang Việt Nam, Tilo tình nguyện cắm chốt bảo vệ mấy con linh trưởng  mà người Việt Nam ta quen miệng gọi là “đồ khỉ”.

Không mang một cá thể linh trưởng nào về đất nước mình, càng không bán buôn, lương bổng hay tham ô tham nhũng gì ở thiên nhiên và con người Việt Nam, Tilo xả thân như một hiệp sỹ bảo vệ động vật hoang dã cho chúng ta. 
Năm 1992, khi sang Việt Nam, Tilo chỉ là một gã quay phim lang bạt kỳ hồ. Anh ta đi tìm loài voọc mông trắng đã được báo cáo là tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Nó chỉ tồn tại với hình dáng ngộ nghĩnh trên con tem ố cũ của một nhà sưu tập ngoại quốc. Tilo đi nhiều ngày trong rừng tìm voọc, đặt máy quay trên ngọn cây, ròng dây xuống đất, rồi chặt những cây chuối rừng dựng lều đợi vọc từ các vách núi ra tán rừng kiếm ăn. 
Nắng nỏ, nhiều lượt lá chuối xanh lợp lều bị ố vàng nhưng voọc vẫn chưa ra. Đói thì ăn quả xanh, khát thì uống nước suối. Có khi giữa hoang vu, bất chợt loạt súng kíp nổ ran rợn người, một đàn voọc rơi xuống đất như những lọn lá héo.

Mãi rồi Tilo mới ghi được hình ảnh voọc mông trắng (nhưng kèm theo đó là cảnh người ta nhốt voọc vào lồng tre, đem ra chợ bán cho nhau ăn thịt như bán mèo bán chó). 

Ông Tilo, Giám đốc Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương (Ảnh: internet)
Ông Tilo, Giám đốc Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương (Ảnh: internet)


Các nhà khoa học quốc tế đổ xô vào nghiên cứu. Hội Động vật Frăng-phuốc đã đầu tư kinh phí và chuyên gia giúp Tilo đứng ra thành lập Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp quý hiếm tại Vườn quốc gia Cúc Phương (năm 1993). Vào thời điểm bấy giờ, việc làm của Tilo được coi là điên khùng và không ít người nghi ngờ thiện chí của Tilo và đồng đội của ông. Họ sợ gã mắt xanh mũi lõ này sẽ ủ mưu bắt hết voọc, khỉ của Việt Nam, cứu hộ quấy quá rồi đưa tuốt về trời Tây. 
Lại thêm, những ngày mới hoạt động, Tilo đã hiện diện như một cỗ xe tăng sắt đá nhất, dữ tợn nhất. Ông trở thành nỗi kinh hoàng của những kẻ săn bắt thú hoang, chặt phá rừng, dùng kích điện tận diệt các loài thuỷ sản, thậm chỉ cả những toán sơn nữ lẻ tẻ hái măng hái nấm trong mấy chục nghìn héc ta rừng Cúc Phương, hễ trông thấy là Tilo bắt giữ triệt để.
Sự thẳng thắn và tuân thủ pháp luật tuyệt đối của Tilo khiến cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương và kiểm lâm sở tại phát hoảng. Có lần trông thấy tại tiền sảnh một khách sạn lớn ở Ninh Bình trưng bày một tiêu bản voọc quý hiếm, Tilo bất bình đòi tịch thu. Chủ khách sạn bảo "không được thu, đất nước chúng tôi, đi đâu chả gặp thú nhồi để bày chơi". Cầm quyển "luật" trong tay, Tilo gọi công an và kiểm lâm đến, yêu cầu xử lý. 
Chủ khách sạn trình bày với cơ quan chức năng là mua tiêu bản động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu kia với giá 30 đô la; nếu ông Tây kia quyết thu, nể ông tử tế... với khỉ, vậy ông hãy trả 30 đô la và mang cái của khỉ ấy đi đi.

Tilo bèn trả tiền, bắt ký văn bản, rồi cầm tờ giấy “biên nợ” 30 đô la và tiêu bản voọc ngũ sắc kia lên thẳng Cục Kiểm lâm Việt Nam, "nổ" rằng tôi bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm cho các ông, yêu cầu các ông thanh toán 30 đô la cho tôi, rằng phải có buổi “lễ” trao trả 30 đô la, và phải có giấy tờ xác nhận việc này. 
Những hình ảnh đẹp được ghi lại từ Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương
Những hình ảnh đẹp được ghi lại từ Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương
Ông Nguyễn Bá Thụ, bấy giờ là Cục trưởng Cục Kiểm lâm, “thụ lý hồ sơ” xong, biết là Tilo làm đúng; quý mến cái tinh thần hiệp sỹ ấy lắm, nhưng ai đời Cục lại đứng ra thanh toán 30 đô la tiền “coi thường pháp luật” kia; mới bèn nói khó để Tilo xí xoá cho. Khi kể cho tôi nghe câu chuyện này, ông Thụ và nhiều người trong cuộc đã không giấu nổi lòng ngưỡng mộ nhân cách của Tilo...
Ở Việt Nam, sau gần 20 năm cống hiến, được Nhà nước ta tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng xứng đáng khác, Tilo đã có rất nhiều học trò xuất sắc, trong đó có cả những tiến sỹ đẳng cấp quốc tế về bảo tồn linh trưởng.

Nhưng, tôi nghĩ, Tilo xuất sắc hơn cả trong vai trò là một thủ lĩnh cổ suý cho lối sống nhân ái với muôn loài. Tilo và cộng sự đã biến Trung tâm cứu hộ của mình thành tổ ấm tin cậy cho 15 loài linh trưởng quý hiếm nguy cấp nhất Đông Dương trú ngụ. 
Việt Nam có 25 loài linh trưởng, trong đó 15 loài cần phải cứu hộ gấp gáp, nhất là 4 loài đặc hữu (trên toàn thế giới, chỉ Việt Nam mới có), thì Tilo đã dang tay tiếp đón đầy đủ. 15 năm qua, hầu như mỗi ngày, nhân viên của Tilo và cả Tilo cùng vợ ông, đều bắt đầu bằng việc vào rừng kiếm hàng chục loại lá lẩu tươi ngon về phục vụ việc ăn uống, chữa bệnh và sinh sản cho đàn linh trưởng. Để rồi, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhiều loài voọc, vượn quý được Trung tâm nuôi dưỡng, đã cho sinh sản thành công. 
Hễ có tin báo vượn, voọc, khỉ, cu ly bị xâm hại là Tilo lại tất tả lên đường. Có khi lái ô tô suốt từ sáng đến tối, vào tận Quảng Nam, Đà Nẵng bắt một con chà vá bị thương. Dọc đường, bị kiểm lâm kiểm tra, ông Tilo to lớn bế chú vọc trọng lượng 2kg, tanh tưởi máu mủ đau thương vì trúng bẫy trên tay, bản thân mình đứng rãi nắng chày chày nhưng ông vẫn không quên bẻ cành lá tươi xoè thành cái lọng xanh che cho con vật tội nghiệp.
Cuối cùng ông đã thành công. Nhận thức của người Việt Nam về sự cần thiết phải nhân ái với thế giới hoang dã đã được nâng lên rất nhiều. Tilo trở thành một biểu tượng về sự tuân thủ luật pháp và sống tử tế với muôn loài. Tilo bỏ gần 20 năm đẹp đẽ của đời mình ra chăm sóc loài linh trưởng ở Việt Nam, để làm gì? Tilo và các cộng sự muốn đưa ra một biểu tượng để mọi người theo đó mà chung tay bảo vệ thế giới hoang dã, bảo vệ cái tay nôi của sự sống này, bảo vệ chút lòng nhân ái với thiên nhiên còn sót lại trong mỗi chúng ta.
Tilo Nadler làm việc cho Tổ chức Hội Động vật Frankfurt. Thành lập năm 1858, đây là tổ chức cứu hộ và bảo vệ động vật lâu đời nhất trên thế giới, hiện hoạt động tại 80 dự án ở 30 quốc gia. Thông thường các dự án của họ chỉ hoạt động với thời gian ba năm. Nhưng ở Việt Nam là một ngoại lệ, Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương thành lập năm 1993, đến nay đã có gần 20 năm hoạt động
Nguyễn Tiến (Ghi theo lời kể của NB Đỗ Doãn Hoàng)