Ông Vương Đình Huệ: Phải nâng cao số lượng doanh nghiệp lên gấp 3-4 lần hiện tại

16/03/2016 07:27
Song Đào
(GDVN) - Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam sẽ đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.

Chiều 15/3, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã tiếp bà Anabel Gonzales, Giám đốc cao cấp Khối Cạnh tranh và Thương mại, Ngân hàng Thế giới và bà V.Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Ngân hàng Thế giới và cá nhân bà V.Kwakwa đã thực hiện nhiều hỗ trợ cho Việt Nam, cùng tham gia và tài trợ các hoạt động tại Việt Nam. 

Ông Huệ cho hay, Đại hội Đảng mới đây của Việt Nam đã thông qua nhiều mục tiêu và các nhiệm vụ tổng quát.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tiếp bà Anabel Gonzales, Giám đốc cao cấp Khối Cạnh tranh và Thương mại, Ngân hàng Thế giới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tiếp bà Anabel Gonzales, Giám đốc cao cấp Khối Cạnh tranh và Thương mại, Ngân hàng Thế giới.

Trong đó có 6 nhiệm vụ trung tâm: Chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu đồng bộ, tổng thể nền kinh tế, hết sức coi trọng các lĩnh vực như nông nghiệp, đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng; xử lý và đảm bảo an toàn nợ công…

Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. 

"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển nhanh, bền vững. Việt Nam cũng khẳng định tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. và sẽ chú trọng hơn vào việc đổi mới, sáng tạo. Có chính sách, giải pháp tạo ra làn sóng đầu tư mới" - ông Huệ cho hay.

Coi nguồn lực trong nước là nội lực đồng thời khai thác tối đa hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, ông Huệ đề nghị đề nghị Ngân hàng Thế giới và các đối tác tiếp tục dành cho Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đầu tư nguồn vốn ODA trong thời gian tới, giúp khai thông các loại thị trường đặc biệt là thị trường vốn.

"Chúng tôi cũng cần vốn đối ứng trong giải phóng mặt bằng các dự án. Rõ ràng trong thời gian tới, Việt Nam vẫn cần nguồn lực tài chính rất lớn để phát triển, tận dụng tối đa cả nguồn ngân sách và xã hội để phân bổ sao cho hiệu quả nhất", ông Huệ chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Huệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực đầu tư của họ là rủi ro và không thể dựa vào ngân hàng mà dựa vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việt Nam mong muốn trong thời gian ngắn sẽ tăng gấp 3-4 lần số lượng doanh nghiệp hiện tại với khoảng 2 triệu doanh nghiệp và nhiều hơn nữa.

Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ: Phải nâng cao số lượng doanh nghiệp lên gấp 3-4 lần hiện tại.
Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ: Phải nâng cao số lượng doanh nghiệp lên gấp 3-4 lần hiện tại.

"Đây sẽ tạo thành làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam, trên cơ sở dựa vào hiệu ứng của việc ký kết các hiệp định thương mại mới đây và các luật hiện hành đã sửa đổi. Chúng tôi mong được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, tư vấn về vấn đề này", ông Huệ cho biết.

Ngoài ra, một lĩnh vực nữa mà ông Huệ mong mỏi sự hỗ trợ của WB đó là việc chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý, quản trị của các doanh nghiệp FDI với khu vực kinh tế trong nước, để khắc phục sự lệch pha giữa hai khối này….

Tại buổi làm việc, bà Gonzales cho hay, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra đường lối phù hợp và những điểm mà Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu ra là những vấn đề vô cùng mấu chốt.

"Việt Nam đã là điểm đến an toàn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và việc này sẽ góp phần lan tỏa, tác động sâu hơn với khối doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi sẽ bàn sâu hơn và tư vấn cho Chính phủ Việt Nam đồng thời sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm tại các quốc gia khác" - Bà Gonzales cho biết.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam vào tháng 6 tới, tại cuộc họp bà V.Kwakwa cũng cho hay, dù ở cương vị nào, bà cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam với sự hỗ trợ, hợp tác cao nhất.

Song Đào