Hiệu trưởng tại Hà Giang ngã ngửa khi nhận sách mới biết... tên nhà cung cấp

21/05/2020 08:49
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Có năm đến ngày nhận sách giáo khoa và đồ dùng học tập giáo viên phải rồng rắn lên thị trấn cõng về. Đến lúc đấy hiệu trưởng mới biết nhà cung ứng...”.

Điều kiện nào để trở thành nhà phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo… tại Hà Giang?

“Xin thưa, chẳng có tiêu chuẩn, điều kiện nào cả. Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang chỉ ban hành một văn bản đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng thêm một đơn vị phát hành sách dựa trên đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Vinh” – một hiệu trưởng tâm sự thật lòng.

Đồng thời vị hiệu trưởng này cũng cung cấp cho phóng viên văn bản số: 681/SGDĐT-VP: Về việc phát hành, cung ứng Sách giáo khoa, tài liệu giáo dục. Văn bản do ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở giáo dục tỉnh Hà Giang) ký ngày 15/6/2018.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang nhận được văn bản số 16/CTAV-VB ngày 10/6/2018 của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Vinh về việc đề nghị tham gia phát hành sách giáo khoa và tài liệu giáo dục.

Trên cơ sở đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Vinh và điều kiện thực tế của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đề xuất với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như sau:

Toàn tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố với 195 xã. Dân số toàn tỉnh hiện có khoảng trên 84 vạn người, với 19 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87% tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34.2% hộ cận nghèo chiếm 14%...

Các điều kiện về tự nhiên, xã hội nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng công tác giáo dục và đào tạo.

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn.

Do vậy, để đáp ứng kịp thời nhu cầu về sách giáo dục và tài liệu tham khảo, đồng thời đảm bảo cho phụ huynh và học sinh trên địa bàn tỉnh có điều kiện lựa chọn các dịch vụ cung ứng chất lượng, góp phần thuận lợi cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ngành và thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của địa phương phát triển.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xem xét tăng thêm đơn vị phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo và các xuất bản phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang có văn bản 681/SGDĐT-VP, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Vinh trở thành đơn vị phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo… trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, thông tin này đã khiến cho dư luận trong ngành giáo dục tỉnh Hà Giang cảm thấy băn khoăn: Cơ sở, tiêu chí và điều kiện nào để Sở giáo dục tỉnh Hà Giang đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho phép công ty An Vinh trở thành đại lý cấp I.

Căn cứ duy nhất được Sở giáo dục Hà Giang nêu trong văn bản đó là dựa vào đề nghị của công ty An Vinh và điều kiện thực tế của địa phương.

Văn bản do Sở giáo dục tỉnh Hà Giang đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng thêm 1 đơn vị phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo (Ảnh:V.N)

Văn bản do Sở giáo dục tỉnh Hà Giang đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng thêm 1 đơn vị phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo (Ảnh:V.N)

Một hiệu trưởng tếu táo: “Nếu bây giờ tôi đề nghị Sở giáo dục thêm tôi trở thành đơn vị phát hành sách trên địa bàn tỉnh thì Sở giáo dục cũng làm theo ý tôi phải không? Làm gì có chuyện đơn giản như thế?”.

Tất nhiên thắc mắc của nhiều hiệu trưởng không phải không có lý do. Hiện nay theo quy định tại điều 36 Luật xuất bản 2012:

Điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp;

b) Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

c) Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.

Với những quy định cụ thể và rõ ràng tại điều 36 Luật Xuất bản 2012, Sở giáo dục tỉnh Hà Giang cần phải có câu trả lời: Những tiêu chuẩn, điều kiện nào để công ty An Vinh trở thành đơn vị phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo tại tỉnh Hà Giang?

Tấm biển của công ty An Vinh tại cửa hàng sách Hồng An (Ảnh:V.N)

Tấm biển của công ty An Vinh tại cửa hàng sách Hồng An (Ảnh:V.N)

Hiệu trưởng tâm sự thật: Đến ngày nhận sách mới biết nhà cung ứng

Công văn số 107/PGDĐT-THCS của Phòng giáo dục huyện Mèo Vạc có đoạn: Việc đăng ký mua sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập cho học sinh các trường đăng ký thông qua một đầu mối Phòng giáo dục và đào tạo huyện để ký hợp đồng với nhà cung cấp có uy tín nhằm đảm bảo chất lượng.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao Phòng giáo dục các huyện lại tham gia vào chuyện lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập thay các trường?

Thực trạng này diễn ra tại một số huyện tại Hà Giang gây bức xúc cho chính các hiệu trưởng. Thậm chí có hiệu trưởng ở Mèo Vạc tâm sự: Đồng nghiệp huyện khác vì phản đối chuyện chỉ định nhà cung ứng mà bị “trù dập”, giáng chức.

Việc chỉ định nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập thường thông qua email nội bộ hoặc khẩu quyết.

Tại nhiều huyện khác, hiệu trưởng cung cấp 2 bản hợp đồng: mua bán sách giáo khoa ký với Công ty An Vinh và mua bán vở viết, đồ dùng học tập ký với cửa hàng Hồng An.

Khi phóng viên xác minh, công ty An Vinh và cửa hàng Hồng An đăng ký với 2 pháp nhân khác nhau nhưng lại chung 1 địa chỉ tại số nhà 167B, đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang.

Một giả thiết được một cán bộ trong ngành giáo dục Hà Giang đặt ra: Cửa hàng Hồng An và Công ty An Vinh tuy 2 nhưng là 1.

Người này giải thích: “Hiện nay nhà cung ứng sách và đồ dùng học tập đều do lãnh đạo huyện ép buộc và chỉ định, có một nhà cung ứng nhưng mang nhiều tên để trốn thuế (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Vinh, hoặc cửa hàng Hồng An, hoặc cửa hàng Hồng Lương) là của vợ chồng hai cán bộ lãnh đạo ở Hà Giang.

Việc này các giáo viên, hiệu trưởng đều biết nhưng không ai dám có ý kiến. Việc sử dụng danh nghĩa công ty An Vinh để nhập và cung ứng sách giáo khoa để hưởng ưu đãi và bán đồ dùng học tập, vở viết với danh nghĩa cửa hàng Hồng An, người ta nghi là để tránh phải nộp thuế”.

Hợp đồng mua bán đồ dùng học tập giữa các trường và cửa hàng Hồng An (Ảnh:V.N)

Hợp đồng mua bán đồ dùng học tập giữa các trường và cửa hàng Hồng An (Ảnh:V.N)

Dưới cương vị hiệu trưởng, nhiều người tỏ ra bức xúc nhất là vấn đề liên quan đến chất lượng sách giáo khoa, đồ dùng học tập.

Một hiệu trưởng khác tâm sự: “Từ năm cửa hàng Hồng An cung cấp sách và đồ dùng học tập giáo viên đều phải lên thị trấn để chở về trường rất vất vả.

Sách vở thì năm thiếu quyển này, năm thiếu quyển khác. Có cái bút Thăng Long nhưng ruột bút Trung Quốc. Nhưng thương nhất vẫn là các cháu mầm non phải sử dụng hết số tiền hỗ trợ để mua đồ chơi, truyện tranh rất lãng phí.

Về việc lựa chọn nhà cung ứng sách các trường không được chủ động mà do Phòng giáo dục chỉ định. Có năm đến ngày nhận sách giáo khoa và đồ dùng học tập chúng tôi mới biết nhà cung ứng là ai. Nếu có tình trạng độc quyền này rất khó để có thể lựa chọn được đơn vị chất lượng, tâm huyết”.

Đề xuất của một số hiệu trưởng tại Hà Giang: Nguồn vốn theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP nên tổ chức đấu thầu công khai, đấu thầu cấp tỉnh hoặc qua mạng và đấu thầu sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (không bao gồm ba bộ sách đã nêu ở trên, mà các năm học trước đã phát hành. Đấu thầu vở viết và các đồ dùng học tập thiết yếu.

Những đề xuất của hiệu trưởng là có cơ sở, làm giảm tình trạng độc quyền cung ứng sách và đồ dùng học tập; đồng thời nâng cao chất lượng và minh bạch trong quá trình lựa chọn đơn vị cung ứng.

Cửa hàng sách Hồng An được nhiều huyện chỉ định chọn làm đơn vị cung ứng sách và đồ dùng học tập từ nguồn vốn Nghị định 86 (Ảnh:V.N)

Cửa hàng sách Hồng An được nhiều huyện chỉ định chọn làm đơn vị cung ứng sách và đồ dùng học tập từ nguồn vốn Nghị định 86 (Ảnh:V.N)

Ngoài ra theo Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bắt đầu từ năm 2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Do vậy việc đấu thầu để lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập sử dụng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 86 tại tỉnh Hà Giang mới là hợp tình, hợp lý.

Bên cạnh đó với những thông tin phản ánh đăng tải trên Giáo dục Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành đơn vị phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo tại tỉnh Hà Giang cũng như việc chỉ định nhà cung ứng sách vở, đồ dùng học tập đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Vũ Ninh