Nhà trường trong đô thị- những trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất

18/02/2020 14:31
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 18/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Nhà trường trong đô thị, những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất".

Tới dự tọa đàm có ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13;

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13;

Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng;

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội);

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế;

Tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

Ngày 18/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Nhà trường trong đô thị, những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất". (Ảnh: Thùy Linh)
Ngày 18/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Nhà trường trong đô thị, những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất". (Ảnh: Thùy Linh)

Mở đầu tọa đàm, Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, năm 2018, Thủ đô Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục đào tạo, chiếm tỷ trọng 25,5% ngân sách.

Hà Nội đã xây dựng 66 trường học và hơn 22.000 phòng học mới, tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt 78%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%. 

Tuy nhiên, những đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Năm học 2018-2019, số lượng học sinh lớp Một ở Hà Nội khoảng 130.000 em, tăng 30.000 học sinh so với năm trước đó.

Số lượng học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 11.000 em.

Số học sinh vào lớp 10 tăng trên 20.000 em.

Số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất có hạn đã khiến cho sỹ số lớp học được đẩy lên cao. 

Ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, nhiều trường sỹ số lên đến trên 60 học sinh/lớp, gần gấp đôi so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp.

Bàn học chỉ được thiết kế cho hai học sinh nhưng phải ghép ba em một bàn.

Các đại biểu tham gia tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)
Các đại biểu tham gia tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)

Tại phường Dịch Vọng chỉ có duy nhất một trường tiểu học công lập là Dịch Vọng B nhưng hiện phường này đã có khoảng 48 tòa chung cư cao tầng, đẩy sỹ số học sinh lên trên 60 em/lớp. 

“Cơ sở vật chất của trường không tăng trong khi các chung cư vẫn tiếp tục mọc lên. Đây là băn khoăn rất lớn của chúng tôi,” cô Nguyễn Huyền Châu, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, chia sẻ. 

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: “Giải pháp trước mắt là tìm quỹ đất, thứ hai là kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù nâng tầng cho các trường.

Tầng nâng được sử dụng cho giáo viên, các phòng chuyên môn của trường.

Chúng tôi rất mong có cơ sở pháp lý để thực hiện trong thời gian tới.” [Phạm Mai/Vietnamplus, 14/9/2018]

Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng thông tin thêm, ngày 28/9/2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã chính thức ký văn bản việc thực hiện nhiệm vụ về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chỉ đạo: 

Đối với các cơ sở giáo dục tại các quận nội thành thuộc thành phố lớn đông dân cư nếu thiếu phòng học, nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học, tùy từng trường hợp cụ thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành;

Sau khi thực hiện nâng tầng các công trình phải bố trí các phòng học và các phòng phục vụ trực tiếp học sinh ở các tầng thấp theo quy định, các khu hiệu bộ, khu hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí tại tầng cao.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết được vấn đề quá tải sĩ số trường công nội đô cũng như việc đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân ở các đô thị lớn.

Trong khi quỹ đất xây trường tại các đô thị ngày càng khó khăn, yêu cầu về số tầng trường học hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 đã không còn phù hợp, gây nhiều bất cập: thiếu chỗ học, sĩ số quá đông, nâng tầng thì bị phạt…

Các đại biểu tham gia tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)
Các đại biểu tham gia tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)

Vì vậy, ông Đào Ngọc Tước cho biết, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Nhà trường trong đô thị, những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất", để lắng nghe ý kiến các trường, các cơ quan quản lý giáo dục và đề xuất, kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi QCVN06 : 2010/BXD cho phù hợp thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục, các nhà trường.

Thùy Linh