Petro Việt Nam "quên" nộp 19.000 tỷ đồng?

15/06/2012 12:00
Theo Tuổi Trẻ
Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rà soát số tiền lãi từ hoạt động dầu khí, bởi có dấu hiệu trên 19.000 tỷ đồng PVN chưa nộp vào ngân sách.

PVN đang đóng góp tới trên 20% tổng thu ngân sách. Thế nhưng, theo các quy định của luật hiện hành, có nhiều khoản thu PVN cần phải làm rõ.

“Quên nộp”?

Hiện nay nguồn thu lớn của PVN đến từ liên doanh dầu khí VietsoPetro (liên doanh dầu khí của VN và Liên bang Nga) đã hoạt động hàng chục năm nay. Mỗi năm, PVN theo nguyên tắc, đều được nhận phần lợi nhuận mà phía VN được hưởng theo nội dung hiệp định giữa hai quốc gia. Số tiền này được gọi là tiền lãi dầu khí nước chủ nhà.

PVN có đội ngũ cán bộ kế toán hùng hậu nhưng lại để “quên” một số tiền lớn là điều khó chấp nhận

PVN có đội ngũ cán bộ kế toán hùng hậu nhưng lại để “quên” một số tiền lớn là điều khó chấp nhận

Theo quy định hiện hành, ngoài tỉ lệ 50% được giữ lại, số tiền lãi còn lại PVN phải nộp vào ngân sách, và khi cần chi bổ sung PVN sẽ phải được Quốc hội đồng ý qua nghị quyết. Điển hình là năm 2010, Quốc hội đã ra nghị quyết đồng ý đầu tư trở lại cho PVN số tiền 3.500 tỷ đồng để giúp đơn vị này thực hiện chiến lược phát triển mạnh ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 với nhiều dự án, công trình lớn đang trong quá trình triển khai thực hiện. Với số tiền trên, các đại biểu Quốc hội đã bàn thảo rất nhiều mới có thể ấn nút thông qua. Thế nhưng, mới đây theo tính toán của Bộ Tài chính, so với tổng lãi dầu khí nước chủ nhà được hưởng trong ba năm 2009-2011 trừ đi số tiền Quốc hội đồng ý cho đầu tư trở lại PVN, số tiền PVN thực nộp vẫn thiếu tới trên 19.300 tỷ đồng - tương đương gần 1 tỷ USD.

Cụ thể, theo văn bản của Bộ Tài chính gửi PVN mới đây, trong ba năm 2009, 2010, 2011, tổng số tiền mà nghị quyết Quốc hội cho phép đầu tư trở lại PVN chỉ là trên 10.500 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền PVN nhận được lại rất lớn, lên tới trên 29.900 tỷ đồng.

Căn cứ vào nghị quyết Quốc hội và các quy định hiện hành, Bộ Tài chính đã chính thức yêu cầu PVN phải rà soát, xác định lại số tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được hưởng và báo cáo về Bộ Tài chính.

Vừa độc quyền vừa được vốn

Theo quan chức Bộ Tài chính, việc “quên” một số tiền lớn như thế là điều khó xảy ra, nhất là với PVN có đội ngũ cán bộ kế toán hùng hậu. Bộ Tài chính cũng đã xét đến nghị định 142/2007 về “quy chế tài chính cho công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí VN” với việc Chính phủ lại cho phép PVN giữ lại 50% tiền lãi nước chủ nhà được hưởng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng: PVN vẫn cần rà soát và nghiêm túc thực hiện quy định: số tiền thuộc diện phải nộp về ngân sách thì mọi chi tiêu từ đó phải thông qua nghị quyết Quốc hội...

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, phải cân nhắc việc cho PVN giữ lại một tỉ lệ lớn tiền lãi dầu khí nước chủ nhà nhận được. Chính sách không thu cổ tức từ phần vốn nhà nước có thể phù hợp trong giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên Nhà nước cũng nên xem xét lại để tăng lợi ích của người dân. Bởi lẽ, theo ông Hải, nếu mỗi năm thu cổ tức của mình, Nhà nước có thể có thêm tới khoảng 2 tỷ USD chứ không ít. Nếu cứ giữ cơ chế như hiện nay, hằng năm nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đang được kinh doanh độc quyền lại đương nhiên được bổ sung số tiền cả chục ngàn tỷ đồng vào vốn mà không hề chịu lãi suất.

Về khoản trên 19.000 tỷ đồng chưa nộp ngân sách, PVN đã có công văn do phó tổng giám đốc Lê Minh Hồng ký thừa nhận quy định hiện đơn vị này được hưởng 50% tiền lãi dầu khí nước chủ nhà, 50% còn lại phải nộp ngân sách. Mặc dù thừa nhận Bộ Tài chính có công văn 4999/BTC-TCT nhắc PVN rà soát nộp ngân sách trên 19.000 tỷ đồng nhưng PVN khẳng định “không có khác biệt trong nhận thức giữa Bộ Tài chính và PVN” nhưng cũng khẳng định “không “quên” nộp ngân sách”!

Trả lời câu hỏi của PV: “Lý do tại sao lại có sự việc Bộ Tài chính nêu”, PVN chỉ trả lời “sẽ báo cáo Thủ tướng và Bộ Tài chính”. Phóng viên đã đề nghị ông Lê Minh Hồng cho gặp phỏng vấn trực tiếp theo đúng yêu cầu trong công văn, nhưng ông Hồng từ chối.

Lợi tức lớn nhưng không nộp ngân sách

Theo TS Nguyễn Đình Cung - viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, không chỉ PVN “quên”, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác hiện nay được ưu đãi lớn, doanh thu rất cao nhưng trong mục lục thu ngân sách nhà nước không thấy họ đóng về khoản lợi tức mà phần vốn nhà nước đáng ra phải được nhận. Cụ thể, theo ông Cung, nếu một nhà đầu tư bình thường bỏ vốn vào doanh nghiệp, thì khi doanh nghiệp đó lãi, nộp thuế xong, họ phải được chia lợi tức trên tỉ lệ vốn góp. Với các DNNN, Nhà nước bỏ vốn vào cũng như nhà đầu tư, và tiền vốn này suy cho cùng cũng từ thuế của dân. Khi có lợi nhuận từ vốn của dân, lẽ đương nhiên DNNN phải trả lợi tức lại cho dân thông qua nộp ngân sách. Nhưng qua nghiên cứu, ông Cung cho biết... không thấy Nhà nước được hưởng các khoản lợi tức này.

Theo một quan chức Bộ Tài chính, nhận định của ông Cung là hoàn toàn đúng bởi với nghị định 09/2009 về quy chế quản lý tài chính các DNNN ngày 5/2/2009 của Chính phủ, thì số lợi tức rất lớn trên đúng là... không được nộp vào ngân sách. Qua lần chỉnh sửa mới đây, cơ chế này cũng vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, theo điều 27 của nghị định 09/2009, Nhà nước cho phép sau khi trích quỹ, bù lỗ..., các DNNN chưa được cấp đủ vốn điều lệ sẽ được giữ luôn lại lợi nhuận để bù đắp vốn. Nếu đã đủ vốn điều lệ, số tiền lãi mà Nhà nước đáng được hưởng được điều chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tại SCIC, quỹ này lại dùng để... tập trung vốn đầu tư cho doanh nghiệp, cấp bù quỹ phúc lợi của các công ty nhà nước thường xuyên cung ứng dịch vụ công ích...

Điểm nóng

Giải cứu cô gái bị cha cưỡng hiếp, bắt làm “người rừng”

Bè cá có người Trung Quốc ở Cam Ranh sẽ bị phạt 4 triệu đồng

Lời kể của chiến sỹ trẻ thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng

Theo Tuổi Trẻ