PGS Nghiêm Đình Vỳ: Việc điều chỉnh Chương trình Lịch sử không phải là xây mới

27/07/2022 06:36
Thủy Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học mới đang cận kề, Lịch sử trở thành môn bắt buộc có làm thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành? Nhà trường, giáo viên phải thay đổi ra sao để hiệu quả?

Những ngày qua, thông tin môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc đang khiến dư luận băn khoăn về ảnh hưởng như thế nào đến chương trình tổng thể các môn học.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ (Thành viên Ban Phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018) về nội dung này.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, việc điều chỉnh môn Lịch sử đã được tiến hành như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Ban phát triển chương trình môn học Lịch sử đã thống nhất rằng, Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử cấp trung học phổ thông năm 2018 được biên soạn rất công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về môn Lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Ban phát triển (Quyết định số 1857/ QĐ-BGDĐT ngày 1/7/2022 về việc thành lập Ban phát triển Chương trình môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018) tiến hành thực rà soát, điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử.

Ngày 19/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo Góp ý Chương trình môn lịch sử cấp trung học phổ thông điều chỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ (Thành viên Ban Phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018). (Ảnh: Ngân Chi).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ (Thành viên Ban Phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018). (Ảnh: Ngân Chi).

Tại Hội thảo, chúng tôi đã đề xuất phương án điều chỉnh không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành; đưa ra dự kiến giảm một vài chủ đề; điều chỉnh một số nội dung trong 9 chủ đề và giữ nguyên chưa điều chỉnh của 10 chủ đề; việc chỉnh sửa những nội dung, khái niệm, yêu cầu cần đạt trong 10,11,12 khá cụ thể và dự kiến tỉ lệ % thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung.

Việc điều chỉnh không gây ảnh hưởng hay cần phải chỉnh sửa gì chương trình môn Lịch sử ở cấp trung học cơ sở. Những nội dung nào ở bậc trung học cơ sở đã được học kĩ thì sẽ được giảm ở bậc trung học phổ thông. Hơn nữa, chương trình Lịch sử trung học cơ sở vẫn tiếp tục được coi như nền tảng tạo cho các em kiến thức chung cốt lõi.

Ở bậc trung học phổ thông, các em sẽ học theo các chủ đề mang tính khái quát, nâng cao hơn. Ban Phát triển chương trình chỉ thực hiện nhiệm vụ chính là điều chỉnh nội dung Chương trình lịch sử đã có từ 70 tiết xuống 52 tiết/lớp/năm.

Phóng viên: Vậy, việc điều chỉnh chương trình dựa trên những nguyên tắc nào, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Những điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc phải được dựa trên 8 nguyên tắc chính mà chúng tôi đã thảo luận và đưa ra bao gồm:

Một là, tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình giáo dục phổ thông Tổng thể 2018 và đặc điểm môn học Lịch sử.

Hai là, không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Ba là, tinh giản một số nội dung, mức độ yêu cầu cần đạt cho phù hợp với học sinh đại trà.

Bốn là, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống cho giáo dục đại trà; đồng thời bước đầu có quan tâm đến giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp trung học phổ thông.

Năm là, các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhận thức học sinh cấp trung học phổ thông cũng như vùng miền.

Sáu là, coi trọng kiến thức lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc. Đồng thời bảo đảm sự kết nối, hài hoà giữa kiến thức lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, bảo đảm nội dung kiến thức lịch sử thế giới và khu vực là cơ sở để hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc.

Bảy là, chương trình Lịch sử Phần bắt buộc phải bảo đảm tính khả thi, bảo đảm sự phù hợp, vừa sức đối với tất cả học sinh đại trà.

Tám là, chú ý đến sự hài hoà, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần Lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu.

Phóng viên: Thưa thầy, môn Lịch sử được điều chỉnh từ 70 tiết thành 52 tiết có gây ra sự xáo trộn nào không?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Chúng tôi kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên nội dung Chuyên đề học tập Lịch sử 35 tiết/lớp/năm học, là phần lựa chọn là của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chuyển môn Lịch sử của nội dung cốt lõi trong nhóm Khoa học xã hội thành môn Lịch sử bắt buộc với thời lượng từ 70 tiết xuống 52 tiết/lớp/năm học.

Việc điều chỉnh Chương trình lịch sử phần bắt buộc với cấp trung học phổ thông đã cố gắng giảm những kiến thức hàn lâm, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống để giáo dục học sinh yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng Việt Nam. Ở đây không phá vỡ cấu trúc của chương trình, vẫn góp phần định hướng nghề nghiệp.

Việc điều chỉnh Chương trình Lịch sử không phải là xây mới mà thực chất điều chỉnh giữa phần bắt buộc và lựa chọn, chủ yếu là chuyển từ 70 tiết thành 52 tiết bảo đảm phải tính khoa học và tính sư phạm.

Chúng tôi cho rằng, 52 tiết là phù hợp với đại trà cho tất cả học sinh. Còn với những học sinh có định hướng theo học ngành Xã hội nhân văn, ngoài 52 tiết sẽ được học thêm 35 tiết chuyên đề sâu.

Phóng viên: Tại Hội thảo ngày 19/7, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia có ý kiến đóng góp như thế nào, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý, giáo viên về nguyên tắc, nội dung điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc. Các nhà giáo đều thấy thời lượng 52 tiết/lớp/năm, cộng 3 năm có là 156 tiết là phù hợp. (Chương trình 2006 là 140 tiết, nay tăng được 16 tiết). Đa số ý kiến đều đồng thuận với bản Dự thảo chỉnh sửa và người phát biểu đều có văn bản gửi lại Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các đại biểu cũng có góp ý cần nghiên cứu thêm về chủ đề có tính định hướng nghề nghiệp; chỉnh sửa, giảm hoặc tăng, giữ lại hoặc lược bớt nội dung cũng như thời lượng của một sự kiện lịch sử trong vài chủ đề; về yêu cầu cần đạt cũng cần có điều chỉnh nhằm phát triển năng lực của người học… Có nhà khoa học chuyên ngành Lịch sử cũng đánh giá cao những điều chỉnh và khẳng định đây là cơ hội tốt để đổi mới trong dạy học Lịch sử.

Hội thảo sẽ tiếp tục ở thành phố Hồ Chí Minh để xin ý kiến của các nhà khoa học và giáo viên của các tỉnh phía Nam. Ban Phát triển chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp nhất trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ quản lý và giáo viên.

Phóng viên: Trước những điều chỉnh của môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông, để giảng dạy và truyền đạt môn Lịch sử một cách hiệu quả, các nhà trường và thầy cô cần có sự thay đổi như thế nào để đáp ứng chương trình mới, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Đây không phải là vấn đề thảo luận nhiều tại Hội thảo, nhưng cần khẳng định, trong nhiều năm gần đây đội ngũ nhà giáo các cấp luôn cố gắng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá làm cho việc dạy học lịch sử tốt hơn, có hiệu quả hơn.

Với Chương trình giáo dục 2018, giáo viên cần thấm nhuần việc coi Chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo hàng đầu trong dạy học. Giáo viên có thể nghiên cứu nhiều bộ sách giáo khoa, quan trọng là bám sát yêu cầu cần đạt để soạn giáo án cho có chất lượng.

Vai trò của thầy cô không chỉ là người truyền thụ kiến thức hấp dẫn, mà còn là người tổ chức, điều hành giờ dạy theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Giáo viên cần được nhà trường trang bị và sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học; tham khảo tài liệu chuẩn trên Internet cùng nhiều học liệu khác. Tất nhiên, giáo viên cũng phải giỏi trong việc điều hành các hoạt động ngoại khóa, thực hành…

Về phía các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo để tạo động lực, tâm huyết với nghề dạy học.

Chúng tôi được biết, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị hội thảo quốc gia về đổi mới Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử ở phổ thông.

Hội giáo dục Lịch sử cũng đang dự kiến tổ chức hội thảo với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học lịch sử góp phần nâng cao vai trò của môn Lịch sử, làm cho học sinh yêu thích môn Lịch sử hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ!

Thủy Tiên