PGS Trần Đình Toán: Một số SV "chê" ngành dinh dưỡng vì gắn liền bếp núc

27/02/2023 14:03
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo PGS.TS Trần Đình Toán, do đặc thù của bác sĩ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm là phải thường xuyên vào bếp, đỏi hỏi sự tỉ mỉ nên một số SV ngại theo nghề.

Hiện nay, nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong mỗi gia đình, cũng như trong các bệnh viện, trường học… ngày càng được chú trọng.

Vai trò của những chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng theo yêu cầu của cuộc sống cũng được nhắc tới nhiều hơn nhưng thu hút người học theo chuyên ngành dinh dưỡng lại không dễ.

Để tìm hiểu về lĩnh vực dinh dưỡng cho học sinh, an toàn thực phẩm, cũng như việc đào tạo bác sĩ chuyên ngành này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đình Toán (nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, Uỷ viên Hội đồng dinh dưỡng và thuốc - Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Toán. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Toán. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, ông có đánh giá như thế nào về sự quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của học sinh?

Phó Giáo sư Trần Đình Toán: Với thế hệ học sinh hiện nay, các em thường thích các món ăn quà vặt, đồ ăn nhanh, không tập trung cho bữa ăn dinh dưỡng cao và ít tập thể dục… dễ dẫn tới tình trạng thừa dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân béo phì hiện chiếm khoảng 15-20%. Song song với đó, vẫn có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cũng trên dưới 20%.

Để tránh tình trạng thừa cân béo phì, các em cần có các hoạt động sinh hoạt lành mạnh tại các câu lạc bộ, nhằm phát triển tinh thần và thể chất. Về mặt lối sống, cần phải ăn uống điều độ đảm bảo chất dinh dưỡng và phải thường xuyên tập thể dục.

Để giải quyết vấn đề trên, đối với bác sĩ chuyên ngành về dinh dưỡng, ngoài công việc chuyên môn, họ còn phải nghiên cứu, đánh giá để đưa ra kết quả, giải pháp can thiệp, đề nghị tới cơ quan chức năng.

Bản thân tôi hiện đang làm đề tài đánh giá tình trạng dinh dưỡng và đề xuất can thiệp giải pháp dinh dưỡng cho học sinh từ 11-18 tuổi tại tỉnh Hải Dương.

Cụ thể, tôi sẽ đánh giá chiều cao, cân nặng của địa phương này so với học sinh độ tuổi đó trên toàn quốc, hoặc so với các quốc gia khác. Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá, tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan quản lý biện pháp để giúp cho học sinh có thể trạng tốt hơn.

Phóng viên: Phó Giáo sư từng giảng dạy bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm tại nhiều cơ sở như: Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y… và hiện là Trưởng khoa dinh dưỡng của Trường Đại học Thành Đông, ông có nhận xét như nào về ngành học này, cũng như cơ hội việc làm với sinh viên?

Phó Giáo sư Trần Đình Toán: Chuyên khoa dinh dưỡng là gắn với sự phức tạp, tỉ mỉ trong quá trình hành nghề. Bên cạnh đó, người học ngành này ngoài việc phải yêu nghề, còn phải làm quen với việc gắn bó cùng... nhà ăn, bếp núc.

Để làm được một thực đơn tốt cho người dùng (trong đó có nhiều nhóm đối tượng: bệnh nhân, học sinh, công nhân...) là một việc rất khó với bác sỹ dinh dưỡng mới ra trường. Việc này không giống như bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân, bởi thuốc đã có định lượng sẵn. Đối với dinh dưỡng trong món ăn, bác sĩ cần phải tính toán chất dinh dưỡng của bữa ăn như có bao nhiêu chất đạm từ thịt, cá, trứng… và năng lượng calo từ cơm, phở…

Nếu người học ngành dinh dưỡng không có tính tỉ mỉ, xây dựng thực đơn chuẩn cho người dùng thì dễ ngại, lười, dẫn đến việc tính toán định lượng sẽ không khách quan.

Ví như thực đơn không hợp khẩu vị của người ăn, bác sĩ dinh dưỡng phải nghĩ cách chọn thực đơn khác mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng trong phần ăn.

Hay đối với bệnh nhân, như người bị suy thận phải ăn kiêng, ít chất đạm (khoảng 0,5g đạm/kg cân nặng, còn người bình thường 1g/kg cân nặng) hoặc họ bị tăng huyết áp thì phải ăn nhạt (dưới 3g muối/ngày, người bình thường là 6g muối/ngày). Điều này khiến bệnh nhân thường chán ăn, bởi vậy bác sĩ dinh dưỡng ngoài việc thuyết phục để họ hiểu về việc ăn kiêng, nhiều khi còn phải nấu ăn rất khéo để họ thử và làm theo.

Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ chuyên ngành vệ sinh dịch tễ khoá 1989-1990 của một nam sinh được Phó Giáo sư Trần Đình Toán hướng dẫn. Khi đó, chưa có máy tính nên dùng máy đánh chữ in qua giấy than vào sổ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ chuyên ngành vệ sinh dịch tễ khoá 1989-1990 của một nam sinh được Phó Giáo sư Trần Đình Toán hướng dẫn. Khi đó, chưa có máy tính nên dùng máy đánh chữ in qua giấy than vào sổ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trước những khó khăn trên, một số sinh viên đã không theo nghề hoặc chuyển sang chuyên khoa khác.

Trong khi đó, hiện nay sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành dinh dưỡng và an toàn thực phẩm có cơ hội việc làm rất cao, bởi nhu cầu của xã hội là lớn. Ví như tốt nghiệp ngành dinh dưỡng có thể làm tại khoa dinh dưỡng trong các bệnh viện; trung tâm y học dự phòng của các tỉnh… Còn ở doanh nghiệp có thể là vị trí ở các cơ quan, xí nghiệp sản xuất thực phẩm dinh dưỡng; hay phòng khám tư về dinh dưỡng, trường học…

Hiện nay, các trường đại học lớn về ngành y hầu hết đều có khoa dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Đối với các bệnh viện, cũng đều có các khoa về chuyên ngành này.

Ngành dinh dưỡng hiện nay cũng được mở dưới nhiều loại hình đào tạo đa dạng. Ngoài bậc đại học, còn có cao đẳng, hoặc các lớp học chứng chỉ ngắn hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng. Qua những lớp học ngắn hạn này, người học sẽ có kiến thức về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để phục vụ ngay trong gia đình.

Hoặc cũng có nhiều bác sĩ đa khoa, chuyên khoa cũng đi học khoá ngắn hạn để tăng cường kiến thức dinh dưỡng, kết hợp với thuốc men, nhằm mang lại sức khoẻ cho người bệnh.

Phóng viên: Ông đã gắn bó với ngành y được 46 năm, cụ thể hơn là về chuyên ngành dinh dưỡng, ông có thể chia sẻ về một số kỷ niệm đáng nhớ?

Phó Giáo sư Trần Đình Toán: Đến nay tôi đã có 46 năm công tác, trong đó là 31 năm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Nhắc đến nơi đây, tôi lại nhớ kỷ niệm lúc tôi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ cách đây 28 năm (bây giờ gọi là Thạc sĩ) .

Khi xưa, dù đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, tôi vẫn thường “lui” xuống nhà bếp để cân đối dinh dưỡng bữa ăn cho bệnh nhân. Vì vậy, hình ảnh của tôi gắn liền với khu vực nhà bếp, khiến nhiều bệnh nhân suy đoán tôi là nhân viên kế toán, đầu bếp hoặc cán bộ tài chính. Năm 1995, bệnh viện thông báo trên bảng tin của đơn vị: “Bác sĩ chuyên khoa cấp I - Trần Đình Toán – Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ”.

Biết tin đó về tôi, bệnh nhân rất ngạc nhiên và vui mừng. Họ đã mua bó hoa đến chúc mừng tôi và cười nói: “Chúng tôi rất vui cùng với không khí của bệnh viện và chúc mừng anh. Chúng tôi trước đây cứ nghĩ anh là đầu bếp, chứ không nghĩ anh là bác sĩ”.

Phó Giáo sư Toán vẫn cất giữ khóa luận tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa vệ sinh dịch tễ khoá học 1991-1993 của nữ sinh Tạ Thị Hồng Hạnh, ông coi đó như kỉ niệm về ý chí, nghị lực của nữ sinh khi vừa sinh nở vẫn quyết đi bảo vệ tốt nghiệp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phó Giáo sư Toán vẫn cất giữ khóa luận tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa vệ sinh dịch tễ khoá học 1991-1993 của nữ sinh Tạ Thị Hồng Hạnh, ông coi đó như kỉ niệm về ý chí, nghị lực của nữ sinh khi vừa sinh nở vẫn quyết đi bảo vệ tốt nghiệp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bên cạnh kỷ niệm công tác trong bệnh viện, tôi vẫn còn nhớ về kỉ niệm về việc giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội. Vào năm 1993, tôi hướng dẫn nữ sinh viên Tạ Thị Hồng Hạnh làm khóa luận tốt nghiệp chuyên khoa vệ sinh dịch tễ.

Khi đó, nữ sinh này sắp đến kỳ sinh nở nhưng Hạnh không bảo lưu kết quả vì không muốn bỏ lỡ một năm. Và vừa sinh hạ em bé được ít hôm là đến ngày bảo vệ tốt nghiệp, Hạnh vẫn đến trường trong bộ dạng đầu trùm khăn, bịt tai, đeo khẩu trang, chân đi tất…

Điều này khiến tôi cảm thấy rất nể phục nữ sinh về ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn khi đã có gia đình và con nhỏ.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư. Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), kính chúc ông và gia đình, cùng các đồng nghiệp của ông có nhiều niềm vui và sức khoẻ.

Gia đình Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Toán được gọi là "gia đình ngành y", khi có đến 5 Tiến sĩ y khoa (gồm hai vợ chồng Phó Giáo sư, hai con trai và người em trai của ông). Bên cạnh đó, em gái, con dâu, em dâu là thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa cấp II… Tổng cộng gia đình ông có 12 người là bác sĩ.

Mạnh Đoàn