PGS.Nguyễn Phú Khánh: Những ngành liên quan đến công nghệ 4.0 rất hút thí sinh

25/02/2022 06:48
Linh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hai năm qua, dịch Covid-19 đã thúc đẩy các trường thay đổi phương thức tuyển sinh để phù hợp với tình hình thực tế.

Mùa tuyển sinh năm 2022 ghi nhận nhiều đổi mới trong tuyển sinh đại học. Trong đó, nổi bật là xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đa dạng phương thức xét tuyển và mở thêm các ngành mới.

Là một cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu, đây được đánh giá là ngành “hot” trước bối cảnh công nghiệp 4.0. Để hiểu hơn về xu hướng của ngành học này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa.

Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (ảnh: NTCC)

Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (ảnh: NTCC)

Phóng viên: Chúng ta trải qua năm 2021 rất lịch sử và hiện đã bước sang năm 2022 nhưng tình hình dịch COVID vẫn đang diễn biến phức tạp, Trường Đại học Phenikaa dự phòng những phương án nào trong tuyển sinh, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh: Để tránh việc tuyển sinh phụ thuộc nhiều vào một kỳ thi và 1 thời điểm cố định, trong khi dịch diễn biến hết phức tạp, đồng thời để tăng tính đa dạng, linh động và tạo điều kiện xét tuyển cho thí sinh, năm nay Trường Đại học Phenikaa có 5 phương thức tuyển sinh, trong đó chúng tôi giữ lại 3 phương thức tuyển sinh truyền thống từ năm trước: Tuyển thẳng theo đề án của Bộ và đề án tuyển sinh riêng của Trường; Dựa trên kết quả học tập tại bậc trung học phổ thông của các em học sinh và dựa vào kết quả thi trung học phổ thông năm 2022.

Năm nay, chúng tôi có bổ sung thêm 2 phương thức, đó là:

Dựa trên kết quả học tập của học sinh năm lớp 11, 12 kết hợp với phỏng vấn

Dựa vào kết quả đánh giá kỳ thi năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức cũng như kỳ thi Đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức

Thưa thầy, dịch COVID kéo dài dẫn tới tình trạng nhiều nghề mới xuất hiện, với vai trò đào tạo, Trường có kế hoạch mở thêm ngành đào tạo mới không? Hoặc trong đào tạo thì nhà trường có chương trình cải tiến ra sao để thích ứng với điều kiện hiện nay?

Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh: Hiện nay, Trường Đại học Phenikaa đang phát triển khá toàn diện trên cả 4 khối ngành: Khối ngành Kỹ thuật – Khoa học công nghệ; Khối ngành Sức khỏe; Khối ngành Khoa học xã hội và Nhân văn; Khối ngành Kinh tế - Kinh doanh. Trong các khối ngành đấy thì theo xu hướng hội nhập quốc tế (nền kinh tế số) có rất nhiều ngành liên quan đến công nghệ số 4.0 thu hút được nhiều thí sinh hơn ví dụ như ngành Trí tuệ nhân tạo, ngành Robot, ngành Khoa học máy tính hay những ngành liên quan đến vật liệu thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo…

Hiện nay, ngành Y khoa của Trường Đại học Phenikaa đã được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cho phép mở (ảnh: NTCC)

Hiện nay, ngành Y khoa của Trường Đại học Phenikaa đã được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cho phép mở (ảnh: NTCC)

Đối với sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề cũng như sự yêu cầu của ngành kinh tế số thì năm nay Nhà trường cũng đã mở thêm một số chuyên ngành để đáp ứng được nhu cầu hội nhập số cũng như hội nhập quốc tế như: ngành Kinh doanh du lịch số, ngành Kinh doanh quốc tế, ngành Khoa học máy tính (đào tạo tài năng)... Đặc biệt, năm nay chúng tôi có mở thêm ngành Ngôn ngữ Nhật là ngành đặc biệt nằm trong lĩnh vực chung của Tập đoàn Phenikaa cũng như Nhà trường và bổ sung thêm ngành Y khoa.

Hiện nay, ngành Y khoa của Nhà trường đã được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cho phép mở, chỉ tiêu của các ngành này cũng dựa trên từng đặc thù của mỗi ngành, nhu cầu và khả năng của mình.

Ví dụ như ngành Y khoa chúng tôi dự kiến tuyển sinh năm đầu tiên là 200 chỉ tiêu, các ngành khác như ngành Kinh doanh du lịch số hoặc Kinh doanh quốc tế thì chỉ tiêu mỗi ngành khoảng 100 sinh viên. Còn những ngành đặc biệt như ngành Khoa học máy tính (đào tạo tài năng) thì sẽ đào tạo khoảng 30 sinh viên vì chúng tôi muốn tập trung đào tạo những em chuyên gia về lĩnh vực này.

Là một cơ sở có đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu - đây được đánh giá là ngành “hot” trước bối cảnh công nghiệp 4.0. Vậy ngành này tại Phenikaa có gì đặc biệt khi tuyển đầu vào không thưa thầy?

Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh: Tại Trường Đại học Phenikaa hiện đang có đào tạo ngành Khoa học máy tính định hướng Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu. Từ năm học 2022-2023, Trường cũng mở thêm một chương trình đào tạo tài năng mới về Khoa học máy tính định hướng Trí tuệ nhân tạo và Vận trù học. Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chuyên sâu kết hợp 2 lĩnh vực quan trọng trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Trường xác định để theo học các chương trình này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực ở mức khá, giỏi trở lên do đó mức điểm sàn nhận hồ sơ về cơ bản sẽ cao hơn các chương trình khác.

Đối với chương trình đào tạo tài năng định hướng Trí tuệ nhân tạo và Vận trù học, một trong các hình thức xét tuyển là dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông kết hợp phỏng vấn. Do chương trình đào tạo nhiều môn dạy bằng tiếng Anh và nhiều môn liên quan đến Toán ứng dụng, Toán tối ưu nên chúng tôi sẽ đánh giá trình độ tiếng Anh và khả năng cũng như niềm say mê Toán học của thí sinh.

Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực được Tập đoàn Phenikaa đầu tư trọng điểm để thu hút nhân tài nên các thí sinh có nhiều cơ hội dành được các suất học bổng rất giá trị của Nhà trường.

Đặc biệt, chương trình học bổng Chairman's scholarship bắt đầu có từ năm nay ngoài miễn học phí toàn khóa học, thí sinh còn nhận được tài trợ chi phí sinh hoạt 20 triệu đồng/năm.

Mùa tuyển sinh đang diễn ra, thầy có lời khuyên gì đối với các thí sinh?

Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh: Hai năm qua, dịch Covid-19 đã thúc đẩy các trường thay đổi phương thức tuyển sinh để phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, việc dựa vào kết quả học bạ và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đã ngày càng trở nên phổ biến. Hầu hết các trường đều linh hoạt kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh chứ không chỉ sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông như những năm trước.

Có thể nói các trường sử dụng các phương thức xét tuyển riêng sẽ giúp các em tăng cơ hội, giảm rủi ro. Nếu trước đây thí sinh chỉ có một cơ hội là dùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển, thì hiện tại các em có thể lựa chọn một trong rất nhiều phương thức, hoặc cùng lúc sử dụng tất cả các phương thức, như vậy cơ hội vào ngành học, trường đại học mà các em mong muốn sẽ cao hơn.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay, các em cũng nên chủ động lựa chọn một phương thức xét tuyển phù hợp hoặc tận dụng tất cả các phương thức và nộp hồ sơ càng sớm càng tốt, vì hầu hết các trường đều nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ tháng 3. Không nên chờ đợi vì đủ chỉ tiêu là các trường dừng lại, lúc đó rất có thể cơ hội sẽ vuột đi.

Tuy nhiên, thời gian còn lại các em hãy tập trung học hành, rèn luyện sức khỏe và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới. Dù xét tuyển riêng hay theo phương thức nào đi nữa thì chúng ta cũng phải thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên phải tập trung cho kỳ thi này.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư.

Linh Anh