Phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng lạm dụng trục lợi Bảo hiểm Y tế

17/08/2018 06:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi làm việc trong chương trình giám sát tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 16/8, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Uỷ viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Trưởng Đoàn Giám sát tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Hội đồng) đã chủ trì chương trình giám sát tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tham gia đoàn giám sát có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Hội đồng, lãnh đạo một số đơn vị có liên quan của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; và đại diện lãnh đạo một số đơn vị có liên quan của Bộ Công an.

Về phía tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với Đoàn có: Phó Bí thư Trường trực Tỉnh uỷ Bùi Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; cùng lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, và lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ có liên quan. 

Đoàn giám sát làm việc tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. ảnh: BAT
Đoàn giám sát làm việc tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. ảnh: BAT

Sáng 16/8, Đoàn làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh và tiến hành khảo sát tình hình khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Y tế Huyện Phú Vang; chiều cùng ngày, Đoàn làm việc với Tỉnh uỷ, Ủy ban Nhân dân tỉnh và một số sở, ngành có liên quan của tỉnh về tình hình tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu trong chương trình Giám sát, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế là những chính sách an sinh quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian qua, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, phát triển trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế.

Từ khi ra đời đến nay, các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ: Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2012- 2020; mới đây, ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội; việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế được quy định cụ thể bằng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện dưới luật.

Theo đó, các chế độ Bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã bao quát hầu hết chế độ theo thông lệ quốc tế, thực hiện 8/9 chế độ Bảo hiểm xã hội theo thông lệ của các nước và Công ước số 102 (năm 1952) của Tổ chức Lao động quốc tế ILO về những quy phạm an sinh xã hội tối thiểu. Quy mô Bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng đến tất cả mọi người lao động với gần 14 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, hơn 86 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế. 

Tuy nhiên, qua đánh giá còn một số tồn tại như: Diện bao phủ Bảo hiểm xã hội so với thực tế còn thấp, mới có 29% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, còn khoảng 34 triệu người chưa tham gia Bảo hiểm xã hội; tình hình nợ đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp ngày một gia tăng; tình trạng lạm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế vẫn còn xảy ra thường xuyên;…

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nhận định, xã hội ngày càng phát triển thì việc tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế càng trở thành vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến vấn đề an sinh, an ninh, an toàn và ổn định chính trị - xã hội.

Vì vậy đề nghị Tỉnh uỷ, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh phải xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế không phải là nhiệm vụ riêng của Ngành bảo hiểm xã hội mà là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

Đồng thời yêu cầu các cấp, chính quyền qua chương trình giám sát lần này cần tập trung đánh giá rõ thực chất việc tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tình; nhìn nhận khách quan về những hạn chế, khó khăn còn tồn tại để đưa ra các kiến nghị, giải pháp tháo gỡ cụ thể, nhằm tổ chức hiệu quả hơn các chính sách này trong thời gian tới, hướng tới hoàn thiện mục tiêu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế toàn dân.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc. ảnh: BAT.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc. ảnh: BAT.

Xử lý ra sao với vấn đề bội chi quỹ Bảo hiểm y tế?

Báo cáo với Đoàn Giám sát của Hội đồng về tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh - ông Nguyễn Viết Dũng cho biết, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành liên quan, theo đó, công tác tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực.

Số đối tượng tham gia không ngừng tăng lên, số thu luôn đạt và vượt kế hoạch được giao; quyền lợi của người tham gia được bảo đảm kịp thời, đầy đủ.

Ông Dũng cho biết, với nhiều biện pháp tích cực, trong những năm qua, công tác mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đạt nhiều chuyển biến đáng kể, tính đến ngày 30/6/2018 toàn tỉnh có: 117.349 người tham gia Bảo hiểm xã hội (đạt 23,49% so với số lao động), trong đó có 115.734 người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc và 1.615 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; 102.235 người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (đạt 20,47% so với số lao động); 1.135.516 người tham gia Bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ bao phủ là 98,09% so với tổng dân số).

Theo đó, số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tương ứng là 1.298 tỷ đồng (đạt 47,02% kế hoạch).

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm xã hội toàn tỉnh đã giải quyết cho: 846 hồ sơ hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hàng tháng (tăng 4% so với cùng kỳ năm trước); 4.188 đối tượng hưởng trợ cấp một lần (tăng 13% so với cùng kỳ năm trước); 47,8 nghìn lượt người hưởng các chế độ ngắn hạn; 1.856 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng…

Bên cạnh đó, đã rà soát, bàn giao 114.837 sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động, đạt 98,97% (có 4/9 đơn vị đã hoàn thành việc bàn giao sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động).

Việc công khai thủ tục hành chính thường xuyên được chú trọng. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã kịp thời công khai niêm yết bộ thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định tại Bộ phận một cửa trong toàn hệ thống và thực hiện đăng tải bộ thủ tục hành chính của Ngành lên Trang Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội tỉnh và Cổng Thông tin điện tử của ủy ban nhân dân tỉnh để các tổ chức, cá nhân, đơn vị sử dụng lao động và nhân dân thuận tiện trong việc tìm hiểu, thực hiện.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đơn vị và doanh nghiệp trong các giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức giao dịch hồ sơ như thực hiện: Qua giao dịch điện tử, qua dịch vụ bưu chính.

Theo đó, việc trả kết quả giải quyết hồ sơ qua dịch vụ bưu chính được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hồ sơ giao - nhận được đảm bảo an toàn, giảm được số lượt đơn vị phải đến giao dịch tại cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Dũng cũng nhận định rõ, bên cạnh những thuận lợi và những kết quả đã đạt được, việc tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức:

Đời sống của nhân dân một số nơi trên địa bàn tỉnh còn khó khăn; nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của một số đơn vị sử dụng lao động, người lao động chưa đầy đủ; các doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng nợ đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp còn phổ biến.

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế so với dân số của tỉnh đạt cao nhưng nhóm đối tượng cùng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp (chỉ chiếm 10% trên tổng số đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế) đạt khoảng 52% trên tổng số đối tượng thuộc diện phải tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, từ khi chính sách khám chữa bệnh thông tuyến huyện có hiệu lực và với việc áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC thì tình hình bội chi quỹ Bảo hiểm y tế bắt đầu diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Trong chương trình làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát cùng các đại biểu của tỉnh đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận làm rõ những vướng mắc về: Trách nhiệm, vai trò tham mưu, đề xuất của các sở, ngành liên quan với Tỉnh uỷ, ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; công tác mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; việc xử lý tình trạng nợ đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như công tác thanh - kiểm tra các đơn vị nợ, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh của người lao động; tình hình bội chi quỹ Bảo hiểm y tế và các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao khả năng quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế

Đảm bảo sử dụng an toàn, hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan, song hiện nay nổi lên một số vấn đề cấp thiết như:

Công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, nhất là Bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế chưa đáp ứng đúng tiềm năng khai thác; tình trạng nợ đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội ngày một phát triển; sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc phối hợp tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế còn chưa được quan tâm đúng mức.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, Luật Bảo hiểm y tế quy định mức đóng Bảo hiểm y tế tối đa là 6% lương cơ sở, hiện chúng ta đang áp dụng mức đóng 4,5% lương cơ sở. Và một trong các bài toán đặt ra để gỡ vướng cho tình trạng bội chi quỹ Bảo hiểm y tế trong hai năm gần đây đang được các cơ quan quản lý cân nhắc là tăng mức đóng Bảo hiểm y tế. 

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện ngân sách Nhà nước đang hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho hơn 48 triệu người gồm các nhóm đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, nhóm đối tượng được bảo trợ, người có công với cách mạng, học sinh - sinh viên…

Vì vậy, nếu tăng mệnh giá thẻ Bảo hiểm y tế thì phải cân nhắc đến vấn đề tài chính hiện đang eo hẹp của ngân sách Nhà nước.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho rằng, phương án tối ưu nhất hiện nay chỉ có một con đường duy nhất là chúng ta phải nỗ lực tối đa trong công tác quản lý quỹ Bảo hiểm y tế, hạn chế bằng được tình trạng lạm dụng và trục lợi quỹ, đảm bảo sử dụng quỹ an toàn, hiệu quả trên tinh thần đặt lợi ích của người tham gia lên hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Minh cũng đề nghị Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện huy động việc xã hội hoá công tác hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế cho nhân dân; Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính và Bảo hiểm xã hội tỉnh tích cực trong công tác tham mưu với Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh tạo nguồn mua thẻ Bảo hiểm y tế cho nhân dân, chia sẻ giúp ngành y tế bớt khó khăn.

"Chi cho nhân dân là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thì ai cũng ủng hộ", bà nhấn mạnh. 

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc. ảnh: BAT.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc. ảnh: BAT.

Kết luận chương trình giám sát, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Trưởng đoàn Giám sát đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp tham gia của các sở, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua với những kết quả đang ghi nhận như trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia, đặc biệt với tỷ lệ trên 98% bao phủ về Bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, trước tình hình bội chi quỹ Bảo hiểm y tế cao trong hai năm gần đây của tỉnh Thừa Thiên - Huế,Thượng tướng Nguyễn Văn Thành yêu cầu, tỉnh cần chú ý đến việc phân tích và nhận định rõ nguyên nhân dẫn đến bội chi, trên cơ sở đó phải làm rõ được các nguyên nhân khách quan và chủ quan; song song đó cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt với vấn đề đảm bảo sử dụng an toàn, hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế, tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra.

Đặc biệt, phải đảm bảo huy động được sự chung tay vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế vì mục tiêu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế toàn dân.

Trong bối cảnh, Nghị quyết số 28-NQ/TW vừa ra đời với những định hướng cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội mạnh mẽ, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng ghi nhận và hoan nghênh sự vào cuộc chủ động, kịp thời của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong công tác chuẩn bị Đề án thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ.

Trúc Diệp