Phạm Văn Mách kể chuyện mưu sinh với 10 ngàn đồng trong túi

11/10/2011 11:18
Hà My
(GDVN) - 35 tuổi, dù đã là ngôi sao làng thể hình, một ông chủ CLB thể hình có tiếng và rất nhiều tài lẻ nhưng Phạm Văn Mách vẫn một mình lẻ bóng đi về.
Anh bảo: “Gia đình tôi cũng nhiều lần bức xúc, giục giã dữ lắm chuyện tôi vẫn chưa lấy vợ, nhưng biết làm sao khi tôi còn nhiều việc phải lo toan. Có lẽ mai mốt chuyện nhà cửa ổn thỏa hẳn mới tính ‘rước nàng về dinh’ được”.
Phạm Văn Mách là một trong những VĐV thể hình thành công nhất Việt Nam.
Phạm Văn Mách là một trong những VĐV thể hình thành công nhất Việt Nam.
Phạm Văn Mách sinh ra trong gia đình khá giả ở Long Xuyên, An Giang. Nhà có 8 chị em, chỉ có Mách là con trai duy nhất trong nhà, vì thế hồi nhỏ ‘cậu ấm’ Mách luôn được chiều chuộng. Nhưng khi anh chưa kịp lớn thì kinh tế gia đình xuống dốc. Đến mức, anh buộc phải tự quyết định con đường mình đi. Năm 1997, chỉ với 10 ngàn đồng trong túi, Phạm Văn Mách lặn lội từ Long Xuyên (An Giang) lên Sài Gòn. Ban đầu anh kiếm việc làm huấn luyện viên cho môt trung tâm thể hình tại quận Gò Vấp, với mức lương vài trăm ngàn một tháng. Mục tiêu của anh là để có tiền luyện thi vào Đại học Kiến trúc.> Bất ngờ với ‘đôi đũa lệch’ Phạm Văn Mách - Văn Mai Hương. Nhưng, luyện thi vào Kiến trúc là thứ luyện thi rất tốn tiền, chi phí cao. Anh không dám nghĩ, nếu mình đậu đại học, mình sẽ kiếm tiền đâu để ăn học. Mọi cánh cửa tương lai hoàn toàn mờ mịt. Mách đã làm đủ thứ, từ bỏ mối hàng, lập nhóm nhảy đi biểu diễn tại các tụ điểm. Rồi cũng lập nhóm hát. Mách có thể hát từ những bài hát kinh điển cho đến những ca khúc mới hoặc những bản tiếng Anh đầy phiêu lãng. Khi ấy, chàng trai bé nhỏ đã là một một gương mặt quen thuộc tại một số quán bar. Nhưng cái nghèo vẫn bao lấy cuộc đời chàng trai trẻ. Và, thể hình, bộ môn anh tập ban đầu chỉ để giữ sức khỏe, đã là cái phao cuối cùng, tạo nên bước ngoặt lớn mà chính anh không ngờ tới. Chức vô địch quốc gia đầu tiên năm 18 tuổi trở thành bước ngoặt lớn nhất trong đời VĐV người An Giang, sau đó là HCV châu Á, Đông Nam Á và vô địch thế giới. Hiếm có khi nào anh ra sàn đấu mà trở về tay trắng. Biệt danh “kiến càng” mà người hâm mộ dành tặng cho anh cũng có từ đây. Chú “kiến càng” miền Tây thực sự đặt một dấu son quan trọng cho thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Tính đến thời điểm này, trong số các thành viên đang thi đấu của đội tuyển thể hình QG, Phạm Văn Mách đang là VĐV sở hữu bộ huy chương phong phú nhất khi anh đã sưu tập đủ các huy chương cấp thế giới, châu lục, khu vực và Mách cũng từng đoạt HCB Asiad. Nếu so với đàn anh Lý Đức (tượng đài một thời của thể hình Việt Nam, nay đã giải nghệ) thì Mách chỉ kém đúng 1 HCV ở đấu trường châu lục.
Lực sĩ Lý Đức là tấm gương cho Phạm Văn Mách học tập.
Lực sĩ Lý Đức là tấm gương cho Phạm Văn Mách học tập.
Giàu thành tích nhưng Phạm Văn Mách vẫn giữ được sự khiêm tốn và luôn ghi nhớ công ơn của HLV Huỳnh Anh và các đàn anh đi trước như Lý Đức, Giáp Trí Dũng, Cao Quốc Phú… bởi như Mách nói, nếu không có họ thì có thể anh vẫn còn là một anh chàng nhà quê. Anh đặc biệt khâm phục nghị lực và tài năng của Lý Đức nên mong mỏi tới đây nếu có cơ hội sẽ san bằng hoặc phá vỡ kỷ lục của người đàn anh. Thật tiếc là SEA Games 26, tổ chức ở Indonesia vào tháng 11 tới không có môn thể hình, nhưng trong tháng 11, anh và một số lực sĩ khác sẽ đại diện Việt Nam tham dự giải VĐTG ở Malaysia. Dù tuổi ngày càng lớn nhưng Phạm Văn Mách vẫn quyết tâm giữ vững phong độ và thi đấu thêm khoảng 3-4 năm nữa, sau mới giải nghệ để chuyển hẳn sang công tác huấn luyện.> Phạm Văn Mách khoe cơ bắp trước Văn Mai Hương. Hiện nay, ngoài giờ tập trong đội tuyển quốc gia, chàng lực sĩ gốc Long Xuyên này đang điều hành một phòng tập tư nhân. Bằng số vốn tích lũy được sau hơn 10 năm đến với thể hình, Phạm Văn Mách đã có được một phòng tập cho riêng mình tại đường Huyền Trân Công Chúa (TP.HCM) với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Công việc kinh doanh cũng khá vất vả, vốn liếng dồn đầu tư cả cho cơ sở vật chất của CLB nên bấy lâu nay chàng lực sĩ này vẫn phải ở nhà thuê. Rồi còn phải chăm lo cho gia đình ở quê nên mãi gần đây anh mới mua được một căn nhà trả góp rộng 70m vuông ở Nhà Bè.
Có một Phạm Văn Mách rất khác, ăn mặc chải chuốt và cầm mic hát rất “phiêu” bên cạnh ca sĩ tuổi teen Văn Mai Hương.
Có một Phạm Văn Mách rất khác, ăn mặc chải chuốt và cầm mic hát rất “phiêu” bên cạnh ca sĩ tuổi teen Văn Mai Hương.
Là con trai duy nhất trong gia đình có 8 chị em, lực sĩ phạm Văn Mách đã nhiều lần bị bố mẹ giục lấy vợ nhưng lần nào cũng nhận được sự từ chối khéo léo từ cậu con vậy trai hiếu thảo và nghị lực này. Không phải vì Mách chưa từng yêu. Anh cũng từng có bạn gái, và đôi khi vẫn mơ đến một gia đình nhỏ nhưng nghĩ cảnh phải đi thuê nhà trọ, anh lại ngần ngại. Cho đến giờ, công việc kinh doanh đã đi vào quỹ đạo. “Chờ nhà cửa xong xuôi, có lẽ tôi cũng phải lấy vợ thôi”, Phạm Văn Mách thổ lộ.
Một ngày ăn 0,8kg thịt

Hơn 10 năm nay, nhà vô địch thế giới Phạm Văn Mách vẫn phải tự lên thực đơn, tự đi chợ và nấu ăn cho mình. Chuyện ăn uống của một lực sĩ không hề đơn giản. Anh nhẩm tính, để duy trì được các nét cơ săn chắc, nở nang ở hạng 55kg, một ngày anh ăn tổng cộng 7 bữa. Trong đó có 4 bữa chính.

Trung bình mỗi bữa khoảng 2 lạng thịt. Khi thì là thịt bò, lúc là thịt lợn hoặc có khi là hải sản, tôm cua cá chứ không phải chỉ mấy khoản ức gà, lòng trắng trứng, như nhiều người vẫn nói.  Ngoài ra còn vô số các loại thức ăn khác, cùng hoa quả nhưng đều được tính toán rất kỹ. Ba bữa phụ còn lại là sử dụng các loại thực phẩm dinh dưỡng.

Trước đây, do còn khó khăn nên chế độ ăn của Mách cũng là cả vấn đề vì chế độ tiền ăn ở đội tuyển QG không đủ để chi trả, đa số anh phải tự móc tiền túi ra chi thêm để đảm bảo phong độ cho mình. Giờ thì kinh tế có phần khá hơn nên chuyện ăn uống hàng ngày cũng không phải tính toán như trước nữa.
Hà My