Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90

23/11/2015 09:18
THỤY MIÊN
(GDVN) - Thực hiện được mục tiêu 90-90-90 không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia.

LTS: Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì đây sẽ là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2015 (từ ngày 10/11 đến ngày 10/12) và ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Thưa Cục trưởng, vì sao Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 lại tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Trong năm 2014, Việt Nam đã cam kết, hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 Liên Hợp Quốc đề ra là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.

Đây là những mục tiêu hết sức quan trọng, vì nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình thì công tác giám sát và xét nghiệm được làm tốt. Chúng ta có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta làm tốt công tác điều trị sớm, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định tức là tải lượng virus HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân.

Như vậy, nếu chúng ta đạt được 3 mục tiêu 90 - 90 - 90 thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên Hợp Quốc đề ra.

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đề ra. Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì Việt Nam đã đạt được khoảng 78%.

Tuy nhiên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV thì chúng ta mới chỉ đạt khoảng 45%. Đối với mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định thì chúng ta chưa có điều kiện tổ chức xét nghiệm được tải lượng virus một cách thường quy trong thời gian qua nên chưa có số liệu chính xác.

Điều này đòi hỏi cần sự cam kết, nỗ lực và mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới.

Xin Cục trưởng cho biết, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay có khác biệt gì so với năm trước?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Có mấy điểm khác biệt so với năm trước. Thứ nhất, năm nay tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Đây là chủ đề mới mà chúng ta lựa chọn để thực hiện cam kết của chính phủ với Liên Hợp Quốc. Từ chủ đề này, các hoạt động cũng sẽ tập trung vào các hoạt động tương ứng theo chủ đề.

Thứ hai, các hoạt động tại trung ương cũng có nhiều hoạt động đặc biệt như lần đầu tiên ba đơn vị là Bộ Y tế sẽ phối hợp với Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản HCM và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ mít tinh, diễu hành cấp quốc gia, tổ chức các hoạt động gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Hội nghị khoa học quốc gia về HIV...

Điểm khác biệt thứ ba là, tại các địa phương, song song với các hoạt động truyền thông, tổ chức các sự kiện nhằm thu hút sự quan tâm của lãnh đạo và người dân thì sẽ năm nay tháng hành động cũng là dịp để tăng cường cung cấp các dịch vụ như can thiệp giảm hại, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị chăm sóc hỗ cho người nhiễm HIV để hướng tới các mục tiêu 90-90-90 như chủ đề tháng hành động đề ra.

Xin ông cho biết, các hoạt động sẽ được triển khai trong “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015”?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Trong Tháng hành động này, nhiều hoạt động sẽ được triển khai từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên, nổi bật nhất tại trung ương là chuỗi sự kiện về hội nghị triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 và công bố sự kiện 100 nghìn bệnh nhân được điều trị ARV.

Ngoài việc triển khai Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, hội nghị còn được cập nhật tình hình dịch HIV/AIDS và đáp ứng của Việt Nam với phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới, chia sẻ kinh nghiệm và khuyến cáo của UNAIDS nhằm kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam, đặc biệt là việc công bố sự kiện 100 nghìn bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus tại Việt Nam.

Những hoạt động ý nghĩa khác là mít tinh và diễu hành quần chúng cấp quốc gia để hưởng ứng tháng hành động và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS sẽ được tổ chức vào ngày 29/11, tại thành phố Bắc Ninh với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan và hơn 3.000 học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, nhân dân tại Bắc Ninh. Năm nay, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức cùng với sự tham gia hỗ trợ của địa phương.

Ngoài phần mít tinh, sẽ có các sự kiện bên lề như ca nhạc, nhảy flashmode, triển lãm tranh của các câu lạc bộ, nhóm tự lực và diễu hành bằng xe đạp của 300 thanh niên tỉnh Bắc Ninh.

Ngành y tế cũng sẽ tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về HIV/AIDS lần thứ VI với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS” với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Bộ Y tế dự kiến mời khoảng 150 các nhà khoa học và báo cáo viên quốc tế tham dự, trong đó có Giáo sư Francoise Barré-Sinoussi hiện đang công tác tại Viện Pasteur Paris là một trong những nhà khoa học đã được Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển trao Giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 2008 về việc tìm ra HIV.

Ngoài ra, một sự kiện từ thiện “Vòng tay nhân ái” được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô vào đêm 3/12 nhằm gây Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Hiện Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Cổng nhân đạo quốc gia của Hội chữ thập đỏ Việt Nam đang mở tổng đài 1400 để huy động người dùng điện thoại nhắn tin ủng hộ cho những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Một trong những khẩu hiệu của tháng hành động năm nay là “Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV”, vậy chúng ta sẽ làm gì để thực hiện khẩu hiệu này thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Như chúng ta đã biết, điều trị bằng thuốc kháng virus ARV giúp người nhiễm HIV tăng khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng thời, điều trị ARV kịp thời cho người nhiễm còn là một trong các biện pháp dự phòng làm giảm khả năng lây lan HIV ra cộng đồng. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt có tuổi thọ tương đương những người không nhiễm HIV.

Do vậy, hiện nay chúng ta đang có chủ trương mở rộng và điều trị sớm.

Trước tiên, chúng ta nâng ngưỡng bắt đầu điều trị ARV cho người nhiễm HIV tương đương các nước tiên tiến theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tức là nâng lên ngưỡng 500 tế bào CD4/mm3 máu và điều trị ngay ARV khi phát hiện nhiễm HIV không phụ thuộc CD4 cho các đối tượng nhiễm HIV nguy cơ cao, phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV, người nhiễm HIV ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người nhiễm có CD4 ≤ 500 TB/mm3.

Song song với việc mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bằng cách phân cấp và lồng ghép vào hệ thống khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, tổ chức điều trị ARV trong trại giam, trung tâm 06.

Hiện điều trị ARV đang được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành tại 312 cơ sở điều trị, 562 trạm y tế triển khai cấp phát thuốc ARV. Số bệnh nhân đang được điều trị là 102.537 người, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010.

Trong thời gian tới, khi nguồn lực tài trợ quốc tế giảm thì chúng ta xác định bảo hiểm y tế đang là giải pháp đảm bảo bền vững trong điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Do vậy, chúng ta cần tăng cường truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững.

“Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”, xin Cục trưởng cho biết chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua những thách thức gì? Giải pháp để vượt qua những thách thức để có thể kiểm soát dịch bệnh?
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: HIV/AIDS hiện vẫn đang là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trọng những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật. Số lũy tích HIV dương tính tiếp tục tăng cao. Hiện có trên 200.000 người nhiễm HIV đang cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời.

Trong khi đó, mỗi năm vẫn phát hiện khoảng 12.000 người nhiễm mới HIV và có khoảng trên 2.000  trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế xã hội.

Nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Mức độ bao phủ chương trình vẫn còn hạn chế, kể cả dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị, chưa đạt được mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS.

Nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ của quốc tế, đang cắt giảm nhanh khi các nguồn tài chính trong nước (NSNN, BHYT) chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính.

Trong khi nguồn lực cắt giảm thì các mục tiêu, chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS tiếp tục tăng cao (mục tiêu 90-90-90, điều trị Methadone cho 80.000 bệnh nhân…).
Ngoài ra, nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS được chi trả do các dự án trong giai đoạn vừa qua từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm, hoặc không chi trả lương và trợ cấp cho người thực hiện cung cấp các dịch vụ, do đó xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân lực.Nhân lực thay thế thì chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.

Để thực hiện thành công Mục tiêu 90-90-90 và tiến tới kết thúc dịch AIDS, chúng ta cần quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán về chăm sóc, điều trị.

Về hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại cần ưu tiên tập trung vào các địa bàn có tình hình dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao; triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng đích như truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng phân phát BKT, BCS, điều trị Methadone.

Về xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cần tập trung cho mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, bao gồm người có hành vi nguy cơ tự xét nghiệm. Đồng thời, mở rộng và phân cấp mạng lưới phòng xét nghiệm khẳng định (PXNKĐ) HIV tại tuyến huyện bằng 3 test nhanh.

Về điều trị ARV cần tổ chức thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới... Đồng thời, tiếp tục truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững.

Để cung cấp đầy đủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế cần tăng cường năng lực và phát triển hệ thống như  kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để tiếp cận được với bảo hiểm y tế, nâng cao năng lực cán bộ y tế trong hệ thống y tế công, tư về chăm sóc và điều trị, thiết lập hệ thống cung ứng thuốc ARV, MMT và các sinh phẩm xét nghiệm liên  tục, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý.

Đặc biệt, để triển khai được những trọng tâm trên thì vấn đề bảo đảm tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ chính phủ, trung ương và địa phương trong bối cảnh nguồn lực viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh như hiện nay là hết sức quan trọng.

THỤY MIÊN