Bóp cổ vợ đến chết vì sợ vợ được Tòa chia nhiều tài sản hơn

06/03/2012 07:08
Cao Nguyên
(GDVN) - “Giết vợ xong đi ra giường ngủ tiếp rồi sáng hôm sau, lại rủ bạn đi nhậu nhẹt”.
Thôn Lúa, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương những ngày này đang vào vụ thu hoạch xu hào. Bên cạnh niềm vui được mùa, người dân thôn này phảng phất nỗi buồn và cũng khó kìm nén được nước mắt khi nhắc chuyện chị Lê Thị Cốm bị chồng bóp cổ chết. Nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự xuống tay lạnh lùng cùng thái độ nhẫn tâm, dửng dưng của Đặng Văn Thậm, chồng nạn nhân.
Sự việc diễn ra tối ngày 29/2 nhưng mãi đến gần trưa ngày 1/3, người dân tại thôn Lúa, xã Đoàn Thượng mới biết. Án mạng gây ra một cú sốc lớn đối với người nhà chị Cốm và bà con hàng xóm nhà. Kể lại chuyện trước đây khi hai người mới bén duyên nên vợ nên chồng, ông Lê Thiện Nhẫn (bố đẻ chị Cốm) tâm sự: "Hai nhà cách nhau chỉ khoảng độ 300m, trước nhìn nó cũng hiền lành chứ có đến nỗi gì đâu, nếu biết như thế này thì ai dám gả con gái cho nó.  Năm nay đã bước sang tuổi 75, trải qua bao nhiêu chuyện vui buồn nhưng chuyện xảy ra vào ngày 1/3 là một trong những chuyện buồn nhất. Và có lẽ đây là nỗi buồn, mất mát lớn nhất đối với “kẻ” già như tôi". 
Nỗi buồn của gia đình chị Cốm khi hay hung tin.
Nỗi buồn của gia đình chị Cốm khi hay hung tin.
Cũng theo ông Nhẫn, lấy nhau được một thời gian và có hai đứa con là Đặng Thị Nga (SN1989) và Đặng Tiến Tải (SN1994), cuộc sống của chị Cốm và chồng rất êm đẹp, hạnh phúc. Kinh tế của gia đình cũng không mấy khó khăn, nhờ chịu thương chịu khó, cần cù tích góp mà hai vợ chồng đã mua được một mảnh vườn, ngoài việc để ở thì nhằm nhường lại cho con cái sau này. 
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong việc đất đai của gia đình bên nội, vợ chồng Thậm phải nhường mảnh đất đó lại cho người anh trai, về ở cùng với bố mẹ chồng Thậm. Sau khi sinh cháu Tải được vài năm thì hai vợ chồng xảy ra nhiều xích mích. Có lẽ nguyên nhân sâu xa cũng từ chuyện tiền nong đến chuyện đất đai.

"15 năm nay mặc dù là con rể nhưng gặp ngoài đường, Thậm không hề chào tôi một tiếng. Nhiều lúc, nó cứ tránh hay làm ngơ. Cũng thời gian đó, Thậm không hề đến nhà bố vợ, dù có việc gia đình hay ngày Tết.

Mặc dù, biết con bị hành hạ, chịu khổ như vậy nhưng chúng tôi không dám ngăn can, chỉ biết cầm nước mắt, động viên để làm sao chúng nó đoàn tụ nuôi con. Nhiều lúc tôi nghĩ “kéo” nó về để ở cùng cho đỡ khổ nhưng vì con gái đã gả chồng rồi nên chúng tôi cũng không dám. 
Giờ đây sự việc đã xảy ra như vậy rồi. Dẫu là bố vợ nhưng tôi mong sao pháp luật cần nghiêm minh, xử đúng người đúng tội để còn răn đe cho người đời.

Kể về người anh rể, chị Đặng Thị Quá (SN 1978) cho rằng: Thậm là một người máu lạnh. Sát hại vợ mình xong, sáng hôm sau, Thậm vẫn đi chợ, nấu cơm rồi rủ bạn đi nhậu.

Sau khi nhậu nhẹt no say, Thậm kể lại toàn bộ hành vi giết người cho người bạn tên là G (người đi nhậu cùng Thậm). Khi nghe Thậm kể xong, G đã về báo lại cho mọi người biết. Trước khi G về, Thậm còn thông báo việc y gửi chiếc xe máy chỗ nhà anh trai rồi ra cơ quan chức năng để đầu thú.
"Khoảng hơn 10h ngày 1/3, nhận được tin chị Cốm bị giết, tôi chạy đến nhà thì thấy mọi người đứng ngoài cổng rất đông, trong nhà không có một ai. Khi tôi vào trong giường thì thấy chị Cốm đang nằm bất động. Sờ vào người tôi thấy rất lạnh, biết là chị mình đã chết. Không nghĩ là chị bị chết do cảm nên tôi đã nghi ngờ khi nhìn thấy có những vết bầm tím ở ngón tay chị", chị Quá nói.
Chiếc giường. nơi Đặng Văn Thậm ra tay sát hại vợ mình.
Chiếc giường. nơi Đặng Văn Thậm ra tay sát hại vợ mình.
Cũng theo chị Quá thì trước đây vợ chồng chị Cốm đã ra tòa 3 lần và gần đây nhất là vào ngày 29/2 (trước một ngày chị Cốm bị sát hại). "Mỗi lần, chị Cốm bị đánh hay bị đuổi ra khỏi nhà, thường chị ấy về tâm sự cùng tôi. Có những lần bị anh Thậm đánh sưng mặt, không dám đi ra ngoài, chị ý về nhà mẹ đẻ nằm suốt. Chuyện bị đánh thâm mặt, thâm mũi là chuyện thường xuyên và bình thường. Trước khi qua đời, chị Cốm có tâm sự với tôi là nếu như đứa con trai (cháu Tải - PV) ở nhà thì mọi thủ tục ly hôn đã giải quyết xong. Và chắc chắn sẽ không có chuyện như hôm nay", chị Quá buồn bã kể lại.
Anh Nguyễn Văn Chấn, một người hàng xóm của chị Cốm cũng tâm sự: Chị Cốm là một người hiền lành, khoẻ mạnh và rất thẳng tính. Nếu ai không đúng, chị thường nói thẳng. Mặc dù tính hơi nóng nhưng chị rất tốt với những người xung quanh, bà con lối xóm. Sống gần chị được hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ xảy ra cãi nhau, chưa bao giờ nghe tiếng chị chửi mắng chồng. Nhưng theo anh Chấn, nhiều lúc vợ chồng chị Cốm có mâu thuẫn, nguyên nhân có thể là từ người con trai về việc tiền nong…

"Việc anh Thậm giết vợ cũng mâu thuẫn từ việc chia tài sải giữa hai người. Sau những lần lên tòa, có nhiều người tư vấn và nói nếu chia tài sản thì tòa sẽ ưu tiên cho phụ nữ, nếu các con ở với ai thì người đó sẽ được hưởng tài sản. Chính vì sợ mất của nên anh Thậm đã xuống tay sát hại vợ", anh Chấn nghi ngờ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Chiên, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Lúa, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc cho biết: "Việc làm đơn ly hôn của vợ chồng Thậm, chúng tôi cũng nắm rất rõ. Chính anh Thậm là người trực tiếp làm đơn và lá đơn đã được chị Cốm đặt bút ký. Một lần tâm sự với chị Cốm, chị Cốm bảo do nóng giận nên mới ký thôi, còn những lần hoà giải thì chị Cốm vẫn níu kéo vì đứa con đang còn nhỏ, tuổi ăn tuổi lớn. Chị không muốn nó là đứa không có bố mẹ bên cạnh.
Bà Hoàng Thị Liên, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Lúa, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc cho rằng, vợ chồng anh Thậm - chị Cốm không còn hoà thuận với nhau từ lâu.
Bà Hoàng Thị Liên, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Lúa, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc cho rằng, vợ chồng anh Thậm - chị Cốm không còn hoà thuận với nhau từ lâu.
Tuy nhiên, trong thời gian này, đang trong giai đoạn hoà giải, cũng là thời gian để hai người suy nghĩ để xây lại hạnh phúc gia đình. Sau 30 ngày hoà giải mà cả hai không có ý kiến thì chúng thì chúng tôi sẽ gửi đơn lên cấp trên để giải quyết nhưng lại xảy ra sự việc đáng tiếc này".


Điểm nóng
Vượt ngục chấn động ở Việt Nam
Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng
Ảnh cười: Chỉ có ở Việt Nam "Dị chuyện" chỉ có ở Việt Nam

Cao Nguyên