Tình yêu mù quáng khiến vợ xin tha cho chồng từng thiêu sống cả nhà

15/01/2012 06:33
Vân Anh/Pháp luật & Thời đại
Chẳng hiểu yêu chồng đến mức nào nhưng sau sự việc chồng "tắm xăng" định thiêu sống mình và các con, người vợ này vẫn nức nở: "Xin tha tội cho chồng tôi".

Thảm cảnh từ quan hệ mẹ chồng, nàng dâu

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đìu hiu đến hoang lạnh, chị Nguyễn Thị Yến (SN 1981) là nạn nhân của vụ án cũng là vợ của bị cáo Phạm Phú Lên (34 tuổi, tổ 2, phường Thọ Quang, quận Sơn Hà, Đà Nẵng) đang vật vã với vết thương bỏng 64% toàn thân. Nhiều bộ phận trên cơ thể chị co rúm, mọi hoạt động đi lại, cử động rất vất vả nhưng chị không dám nằm lâu một chỗ vì khả năng co rút cơ rất lớn.

Tình yêu mù quáng khiến người vợ xin tha tội cho người chồng từng "thiêu sống" cả nhà (Ảnh minh họa)
Tình yêu mù quáng khiến người vợ xin tha tội cho người chồng từng "thiêu sống" cả nhà (Ảnh minh họa)


Người phụ nữ từng trẻ đẹp, là chỗ dựa của hai đứa con nay đã bị mất sức lao động hoàn toàn; ăn uống, thuốc men cứu chữa chỉ còn biết trông chờ vào tấm lòng hảo tâm của cộng đồng, người thân. Con gái chị, cô bé Phạm Diễm Quỳnh (11 tuổi) cũng bị bỏng 15% ở tay và chân sau thảm kịch do cha gây nên ngày 23/7/2011.

Chị Yến nghẹn ngào kể trong nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn: Năm 19 tuổi, chị từ vùng quê Duy Xuyên (Quảng Nam) ra Đà Nẵng giúp việc trông trẻ em tại một gia đình. Duyên số xui khiến, chị gặp và yêu anh Lên khi ấy làm thuê cho các tàu, rồi trở thành vợ chồng với 3 đứa con lần lượt ra đời. Thời gian đầu, từ bàn tay trắng lập nghiệp, anh chị lại phải thuê nhà để ở nên kinh tế rất khó khăn, thế nhưng, cả hai làm ăn chí thú và nuôi con cái ăn học tử tế.Gần 10 năm thấy hàng tháng phải trả khoản tiền nhà trọ khá lớn cũng tiếc, người vợ bàn với chồng xin được ở cùng với nhà chồng. Cuối năm 2010, 5 con người cùng dắt díu nhau về tá túc trong căn phòng nhỏ 14 m2 mà cha mẹ chồng nhường cho.

Sau đó, vợ chồng vay tiền người thân bên vợ được khoảng 75 triệu đồng, cộng với dành dụm để nâng cấp căn phòng của mình thành ngôi nhà 2 tầng cho rộng rãi hơn. Và mâu thuẫn có lẽ cũng bắt đầu khoảng thời gian này khi diện tích nhà quá nhỏ, không thể tách thửa làm sổ đỏ riêng. Tuy được bố mẹ chồng cho về ở, nhưng toàn bộ gia đình vẫn phải phụ thuộc vào “hỉ nộ ái ố” của bố mẹ. “Ông bà không ưa thì vẫn có thể đuổi chúng tôi đi bất cứ lúc nào.

Mà chuyện con dâu “hục hặc” với phía gia đình chồng thì đủ các kiểu, khổ sở lắm. Nói xuôi nói ngược gì rồi mình cũng không đúng cả. Kinh tế đang khó khăn, làm công nhân nên mỗi tháng nếu gắng lắm thì tôi mới lo đủ tiền chợ nên tôi hay bị người thân bên chồng trách móc”, chị Yến thuật lại.

Thấy vợ hay hục hặc với cha mẹ, anh chồng cũng chán rồi sinh cái tật rượu chè bê bết, tiền làm không đủ ăn nhậu. Trong lúc say xỉn, phía anh chị em, bố mẹ anh lại xỉa xói “vợ con mày ở nhờ mà không biết điều” nên anh hay quay sang nhiếc móc vợ con.

Người lớn lỗi lầm, con trẻ nhận họa

Chiều 23/7/2011, trong khi đang nhậu tại nhà cha mẹ, anh Lên nghe cha phàn nàn về việc con dâu không biết cách ăn ở với cha mẹ chồng. Đến khoảng 21h, khi về đến nhà, Lên lúc này cũng đã “quắc cần câu”, lại nhớ tới lời cha nên chửi bới vợ thậm tệ. Thấy chưa đủ yếu tố “gây sự” thêm, vợ lại cũng có phần “quá quen đô” không thèm nói lại nửa lời nên anh chồng đã tức lại càng tức, nhục mạ vợ vô cớ. Chửi một hồi chán chê, người chồng ra phía trước nhà cha mẹ, gọi hai đứa con là Phạm Thị Diễm Quỳnh (11 tuổi) và Phạm Thị Diễm Ngân (10 tuổi) đang chơi với với bà nội về phòng cùng ngủ với mẹ và em gái Phạm Thị Diễm Hằng (6 tuổi).

Cả nhà 5 người cùng lên trên nhà ngủ nhưng dường như chưa hả dạ, người chồng tiếp tục cãi vã với vợ. Một lúc sau, gã lẳng lặng đi xuống dưới, nhà lấy một vỏ lon bia đến chỗ dựng xe máy để chiết xăng vào lon. Tiếp đó, hắn cầm lon xăng đi vào phòng ngủ, chốt cửa lại, đổ xăng xuống nền nhà, vào nệm ngủ, sau đó dùng điếu thuốc lá đang hút trên tay vứt xuống.

Thấy ngọn lửa bùng cháy, người chồng lúc này mới hoảng hốt kéo hai đứa con lớn lúc này đang bốc cháy ra khỏi phòng. Riêng đứa con gái nhỏ nhất do nằm phía góc trong nên khi đưa được ra ngoài thì em đã bị bỏng quá nặng và trút hơi thở cuối cùng khi trên đường đi cấp cứu. Vẫn còn may mắn khi nhờ một người dân gần đó sẵn có bình chữa cháy đã đến dập lửa được nên mới hạn chế thương vong và đưa cả gia đình này vào bệnh viện.

Theo kết luận giám định pháp y về tử thi của Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng: Cháu Phạm Thị Diễm Hằng tử vong là do bỏng lửa nặng, ngạt, suy hô hấp cấp; cháu Phạm Thị Diễm Ngân bị thương tích tỷ lệ 8%; cháu Phạm Thị Diễm Quỳnh bị thương tích tỷ lệ 15%, còn chị Nguyễn Thị Yến bị thương tích tỷ lệ 64%. Ngày 28/7, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Phú Lên.

Trước khi phiên tòa được đưa ra xét xử công khai ngày 7/1, chị Yến nhiều lần được người thân đưa đến Viện kiểm sát để lấy ý kiến bổ sung cho bản án. Và cứ mỗi lần như vậy, chị lại khẩn khoản xin tha thứ, xin được chịu tội thay cho chồng mình.

Còn với công an hay bất cứ đoàn thể chính quyền nào đến điều tra vụ việc, thăm hỏi, chị đều một mực trình bày và khóc mướt nhờ vả: “Dù gì đi nữa, ông ấy cũng là chồng của tôi, là cha của con tôi, trong cơn nóng giận tức thời, lại có say xỉn nên mới có những hành động sai trái như rứa. Mất mát có nhiều thì nay cũng không thể cứu vãn được và con tôi cũng đã chết. Nhưng nay, ông ấy vướng thêm vào tù tội nữa thì còn gì đau khổ hơn nữa. Còn ai để cho cho các con ăn học. Nếu biết làm thế nào để cứu chồng thì hãy chỉ cách giùm tôi”.

Chị Yến cho biết, dù thân hình co rút, đi lại rất khó khăn, hơn nữa, chỉ mới trình độ lớp 4, không hiểu luật và biết cách trình bày nhưng “hễ còn làm gì để cứu vãn tình thế thì tôi cứ làm”. Nhiều đêm thức trắng, 3 mẹ con nằm ôm nhau khóc rồi đi gói ghém áo quần, chờ ngày chồng bị đưa ra xét xử “tôi sẽ xin tòa cho cả nhà, mấy mẹ con cùng được…vào tù theo”.

Người vợ mù quáng này cho rằng bản thân chồng mình lúc tỉnh táo thì rất hiền, yêu thương vợ và các con. Nếu có giận lắm thì cũng “đụng nồi đá nia”, nhiếc móc vợ, la con chứ không thể nghĩ được đến chuyện giết cả nhà thế này. Cũng có thể, từ cái ngày cơi nới, xây thêm “tầng 2” và trổ thêm một lối đi riêng đã “vướng” điều gì đó, khiến vợ chồng chị thường xuyên lục đục với nhau hơn trước, rồi lại “xử” thêm ra cớ sự tẩm xăng đốt người.

Bà mẹ chồng của nạn nhân cũng u mê không kém khi vụ án xảy ra đã không trách mình, trách việc đối nhân xử thế không hòa hợp mà lại đi đổ lỗi cho… phong thủy. Bà cho hay, ngày gác thêm mấy chiếc đòn tay để cơi nới, xây gác hai cho gia đình con trai, mọi người cũng biết “dựng nhà, sửa nhà, mở ngõ” là việc hệ trọng cả đời nên cần coi thầy kỹ lưỡng ngày giờ nhưng tự nhiên lại “quên béng” rồi cứ thế tiến hành làm. “Không biết có đụng chạm, gây bất lợi phong thủy hay gì không, mà trời xui đất khiến bắt thằng Lên làm cái việc tang thương, thất đức như vậy, đến nỗi con chết mà bố mẹ, chị em cũng không được gặp mặt nhau lần cuối”, bà lão mê tín này cất tiếng ai oán.

Người lớn lỗi lầm, con trẻ nhận họa. Trong gia đình này, giờ đây cháu bé 11 tuổi phải cáng đáng việc nhà. “Má ơi, nấu canh thì bỏ rau chi vô trước hè”, giọng bé Quỳnh vọng ra từ bếp hỏi mẹ cách nấu nướng. Xong đâu đấy, Quỳnh lại thỏ thẻ: “Con mang cơm cúng lên cho em Hằng thì cho nhiều trứng chiên nghe. Hắn thèm món ni á”.

Vân Anh/Pháp luật & Thời đại