Tướng cướp khét tiếng vượt ngục chấn động giới giang hồ

31/10/2011 11:20
Theo Đời sống và pháp luật
Lịch sử Khám Chí Hòa cho đến ngày nay chỉ ghi nhận có hai trường hợp vượt trại thành công. Lần thứ nhất là những tù cộng sản và lần thứ 2 là Phước "tám ngón"
Phước “tám ngón” chẳng những là tên cướp khét tiếng nhất những năm đầu thập niên 90 mà còn là tên tử tù nổi tiếng nhất trong lịch sử trại giam Chí Hòa thời hiện đại. Trong gần 70 năm, với hàng triệu người đã từng bị giam giữ ở đây, lịch sử Khám Chí Hòa cho đến ngày nay chỉ ghi nhận có hai trường hợp vượt trại thành công. Lần thứ nhất là vào năm 1945, của những người tù cộng sản và lần thứ hai, sau đó 50 năm của một tên tử tội hình sự khét tiếng là Phước “tám ngón”.

Phước “tám ngón” là trường hợp vượt ngục duy nhất trong lịch sử hiện đại của Khám Chí Hòa. Vậy Phước “tám ngón” là ai?

Chân dung Phước "tám ngón"
Chân dung Phước "tám ngón"


Kỳ 1: Tên tướng cướp si tình đem súng làm sính lễ gây chấn động miền Đông Nam Bộ

Những năm đầu thập niên 90, miền Đông Nam Bộ nổi lên một băng cướp gây ra nhiều vụ cướp kinh hoàng làm nhiều người khiếp sợ. Tên cầm đầu tướng cướp mới 20 tuổi nhưng hắn sẵn sàng nhằm thẳng trán nạn nhân rồi lạnh lùng siết cò, một tên cướp mang súng ngắn đi hỏi vợ. Hắn chỉ có 8 ngón tay nên người ta gọi hắn là Phước “tám ngón”.

Kẻ bất trị ngay khi còn nhỏ

Phước “tám ngón” tên thật là Nguyễn Hữu Thành (SN 1972, Thuận An, tỉnh Sông Bé cũ- nay là tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, cái biệt danh Phước “tám ngón” nổi tiếng đến độ, mọi người chỉ gọi hắn bằng biệt danh mà chẳng ai nhớ tới cái tên khai sinh rất có ý nghĩa mà cha mẹ đã đặt cho hắn.

Người ta thường cho rằng, tính cách con người hình thành chủ yếu là do môi trường sống và do sự giáo dục. Tuy nhiên điều này không đúng với Phước “tám ngón”, trường hợp của Phước phải nói là  cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tuy được trời phú cho một gương mặt sáng sủa, thông minh. Được cha mẹ tạo điều kiện học hành. Nhưng ngay từ khi là một cậu bé, y đã ngỗ ngược, bất trị. Học chưa hết cấp một, đọc chưa thông viết chưa thạo, Phước bỏ ngang ở nhà tụ tập chơi bời lêu lổng, trộm cắp đánh nhau khiến hàng xóm láng giềng mệt mỏi, cha mẹ hắn rất phiền lòng.

Biệt danh “tám ngón” có từ khi hắn 15 tuổi, bị mẹ la rầy vì chơi bời hư hỏng, để dằn mặt bà già, hắn tự kê bàn tay trái của mình chặt luôn ngón trỏ và ngón cái (có người nói ngón trỏ và ngón út). Lần khác do có bất hòa với cha, hắn cùng người anh trai trói nghiến cha đẻ của mình lại rồi thả xuống giếng. Người cha bị hai thằng con thả xuống giếng vừa đau lòng, vừa giận lại vừa sợ đến nỗi ngất đi thì những đứa con mới chịu kéo ông lên. Sau đó 1 vài năm, quá buồn bã về những đứa con bất trị của mình, ông lâm trọng bệnh rồi mất.

Chẳng biết những chuyện này thực hư bao nhiêu phần, bởi xung quanh những nhân vật như Phước “tám ngón” người ta đều thêu dệt lên rất nhiều chuyện ly kỳ. Tuy nhiên, chuyện hắn tự chặt tay là có thực. Biệt danh “tám ngón” như một lời khẳng định độ bản chất ngông cuồng, hung hãn tạo nên tên tuổi của một tên cướp máu lạnh khét tiếng nhất thời bấy giờ. Với Phước, máu côn đồ dường như có sẵn trong huyết quản. Chưa thành niên, Phước đã bỏ nhà đi bụi, sống bằng cờ bạc, trộm cắp, cướp bóc. Năm 1988, 17 tuổi, Phước bị Tòa án nhân dân TP HCM tuyên phạt 36 tháng tù về tội trộm cắp. Bị đưa đi Vũng Tàu cải tạo. Nhưng hắn đã trốn trại, mua súng lập băng cướp do y cầm đầu. Với bản chất côn đồ, hung hãn, băng cướp có vũ trang của y đã hoành hành ở nhiều địa phương thuộc khu vực Thủ Đức, Đồng Nai. Đây cũng là thời kỳ mà tên tuổi của Phước “tám ngón” nổi lên trong giới giang hồ như một ông trùm máu lạnh, giết người không ghê tay.

Sính lễ là khẩu súng ngắn

Người ta nói rằng, mỗi tên tuổi một tên tướng cướp đều gắn liền với một người đàn bà đẹp. Như Bạch Hải Đường có người tình tên Lệ, tướng cướp người không mang họ (Toọng) gắn tên tuổi mình với người đàn bà tên Dương Thị Bé. Phước “tám ngón” cũng có một người đàn bà như vậy, người đó tên Lê Thị Thanh T (SN 1973, Phước Long, Thủ Đức). T. T là một cô gái xinh đẹp con nhà lành.

Khi Phước gặp rồi đem lòng yêu cô, thì T.T đã yêu và có đính ước với một chàng trai hiền lành, tử tế khác. Đối với một người thanh niên bình thường thì mối tình đó có thể là mối tình đơn phương suốt đời vì ván đã đóng thuyền. Tuy nhiên, với một kẻ trời không sợ, đất không sợ như Phước thì chuyện đó chỉ là … muỗi.

Khi Phước rủ T.T đi chơi nhưng cô gái này từ chối, hắn thủ thỉ tôi thì chẳng sao, chỉ sợ bọn đàn em của tôi, chúng nó mạnh động làm hại đến em và gia đình. Mềm mỏng như vậy nhưng cũng đủ làm cho người con gái đẹp kia khiếp vía. Khi hắn chở được người đẹp đi chơi là lúc cuộc hôn nhân mơ ước của cô gái trẻ bị sụp đổ. T.T đã bị hắn cho uống thuốc ngủ để rồi phải thất thân với hắn.

Sau đó, hắn tới nhà T.T ra mắt với một khẩu súng ngắn kề vào cổ nhạc gia để xin dâu. Dù không muốn nhưng trước sính lễ đặc biệt như vậy bố mẹ T.T cũng phải ưng thuận. Tuy cuộc sống giang hồ chọc trời khuấy nước nhưng với vợ mình Phước “tám ngón” cũng rất dịu dàng, ân cần, rất mực thương yêu. Hắn rất chung thủy, trong cả cuộc đời ngang dọc của mình, T.T là bóng hồng duy nhất của hắn. Có thể là với tình yêu chân thành đó của Phước đã làm động lòng cô gái trẻ. Sau này cô theo hắn bôn tẩu giang hồ và sinh cho y một cô con gái rất xinh.

Khi Phước là kẻ tử tù trốn trại, T.T cũng là người tiếp tế lương thực và tiền bạc cho hắn. Khi hắn phải trốn lên Tây Nguyên, T.T cũng theo lên đó chăm sóc cho chồng, chịu đựng cuộc sống chui lủi, khổ nhục, thiếu thốn không một lời oán trách.

Sau những ngày tháng đồng cam cộng khổ, lưu lạc tha hương với Phước, tình yêu đã nảy nở trong lòng cô gái trẻ, từ một người vợ hờ với cuộc hôn nhân cưỡng bức, T.T đã trở thành người vợ thực sự với Phước hết lòng hy sinh vì chồng. Về điểm này, Phước “tám ngón” có phần may mắn hơn Bạch Hải Đường, trên người Hải Đường có xăm một dòng chữ nổi tiếng là “thương người quân tử - hận kẻ bạc tình”, khi bị người đàn bà hắn rất mực thương yêu phản bội.

Trở thành tử tù trong Khám Chí Hòa

Năm 1990, khi đang bị phạt cải tạo ở Vũng Tàu, Phước bỏ trốn về TP. HCM. Hắn quy tụ đàn em, mua súng thành lập băng cướp. Đầu năm 1991, người dân ở khu vực thủy điện Trị An, Đồng Nai khiếp sợ trước một băng cướp hung hãn, dã man. Bọn cướp này có súng ngắn, lợi dụng đường rừng núi hoang vắng chúng thường xuất hiện vào lúc chập tối, xuất quỷ nhập thần chặn đón những người đi đường cướp xe và cướp tài sản của họ. Khi nạn nhân chống cự, chúng sẵn sàng xả đạn vào người họ không chút ghê tay. Liều lĩnh, manh động, khát máu là những từ người ta nói về băng cướp mà tên cầm đầu chỉ có 8 ngón tay này.

Lực lượng công an đã được huy động để trấn áp băng cướp đặc biệt nguy hiểm này. Phước tuy học hành không đến nơi đến chốn nhưng lại rất thông minh, sớm bước chân vào chốn giang hồ từ tấm bé nên hắn có cái đầu rất tỉnh táo và xảo quyệt khi biết có động, y lập tức ém quân, rút lui lặng lẽ, khiến cho lực lượng công an bị mất dấu vết.

Khi thiên la địa võng của công an đang giăng sẵn ở Trị An chờ Phước xuất hiện, trong lúc đó thì ở TP. HCM khu vực Thủ Đức lại liên tiếp xảy ra những vụ trộm cướp đặc biệt nghiêm trọng. Các nạn nhân của chúng khai báo, tên cầm đầu có bàn tay trái chỉ có 3 ngón. Lực lượng công an ăn không ngon ngủ không yên trước tội ác và sự liều lĩnh của băng tội phạm này. Ngày 17/4/1991 khi đang thực hiện một vụ cướp ở Thủ Đức, gặp phải sự chống cự quyết liệt của nạn nhân là N.H.T, Phước đã không ngần ngại nhắm thẳng vào trán anh này bóp cò. Qua đó thấy được mức độ tàn bạo và máu lạnh của y.

Sự lộng hành của băng cướp này đã đến mức độ đỉnh điểm. Bấy giờ, Bộ công an, công an TP. HCM khẩn cấp thành lập một chuyên án nhằm triệt phá băng cướp này để trấn an lòng dân. Công an 3 tỉnh Đồng Nai – Sông Bé – TP HCM đều được huy động phối hợp, hỗ trợ. 19/4, Phước bị công an tỉnh Sông Bé bắt giam. Sau đó được di lý giao cho công an TP.HCM. Vào ngày 24/6/1994, Phước đã được đưa ra xét xử tại TAND TP. HCM với các tội danh cướp tài sản, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép… Y bị tuyên án tử hình.

Hắn được đưa về trại giam Chí Hòa, ở khu biệt giam AB (khu dành cho tử tù) để chờ ngày thi hành án. Tuy ở trong khu biệt giam nhưng với bản chất ngoan cố, cái đầu mưu mô, xảo quyệt, Phước luôn nung nấu ý định vượt ngục, nhất định không chịu khoanh tay chờ chết.

(Còn tiếp)





Theo Đời sống và pháp luật