Phát hiện, khởi tố, điều tra 1.165 vụ án kinh tế và tham nhũng

22/09/2016 08:34
Ngọc Quang
(GDVN) - “Hành vi của các loại tội phạm này ngày càng tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, giao thông".

Thứ trưởng Bộ Công an – ông Nguyễn Văn Thành cho biết thông tin này trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/9 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng.

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2016, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm đã được kiềm chế, giảm đáng kể, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên số đối tượng phản động lưu vong chống đối trong nước liên kết với nước ngoài tăng; Tình trạng bỏ lọt bí mật trên mạng internet xảy ra nghiêm trọng, an ninh, an toàn mạng tiếp tục bị  đe dọa.

Tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm đâm thuê, truy sát nhau, siết nợ, tổ chức đánh bạc, cá độ có dấu hiệu phức tạp; số vụ giết người tăng cao; tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp.

Kết quả thống kê, theo dõi cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật chưa giảm, diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu là trong các lĩnh vực: An toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, thuế, môi trường, xây dựng, bảo hiểm, an toàn thực phẩm, thuế, hải quan, xây dựng đất đai, xuất nhập khẩu, tài nguyên khoáng sản…

Từ ngày 1/10/2015 đến 31/7/2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố, điều tra 1.165 vụ án kinh tế và tham nhũng, 1.794 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, ít hơn cả số vụ và số bị can so với cùng kỳ năm 2015.

“Qua điều tra, hành vi của các loại tội phạm này ngày càng tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, giao thông cơ bản, chính sách xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho biết.

Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị bắt vì gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. ảnh: Hà Lê.
Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị bắt vì gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. ảnh: Hà Lê.

Tội phạm trẻ hóa dưới 30 tuổi tăng quá nhanh

Trước một số ý kiến băn khoăn về đánh giá vi phạm pháp luật phổ biến, đa dạng, Bộ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Tô Lâm cho rằng nhận định như báo cáo là đúng tình hình thực tế.

Tướng Lâm nêu thí dụ từ các hành vi vi phạm Luật Giao thông đang diễn ra tràn lan, phổ biến: “Đèn đỏ vẫn vượt mà có người còn hoan nghênh hành vi đó. Cảnh sát giao thông trong 6 tháng đầu năm xử phạt hơn 2 triệu trường hợp bị xử lý với số tiền phát gận 2.000 tỷ đồng.

Công an không muốn tăng số phạt nhưng so với mức độ hiện thực vi phạm chưa ăn thua! Cái đó ai cũng nhìn thấy… Đèn đỏ, không có cảnh sát là vượt. Nhân dân vượt. Cán bộ vượt”.

Về diễn biến tình hình tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh thông tin rất đáng lưu ý là tội phạm ngày càng trẻ hoá, đối tượng từ 18-30 tuổi chiếm đến 78%, trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên. 

“Thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm rất nhanh. Có những vùng thôn quê yên ả vừa qua tội phạm băng nhóm tập trung đến cả trăm người rồi sử dụng hung khí.

Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng phần lớn đối tượng này đều có hoành cảnh khó khăn, gia đình thiếu gương mẫu, bạo lực gia đình...”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Phát hiện, khởi tố, điều tra 1.165 vụ án kinh tế và tham nhũng ảnh 2

Lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người thân, làm giảm niềm tin của dân với Đảng

Cũng theo Bộ trưởng Công an, diễn biến tội phạm doanh nghiệp đang ở mức độ đáng báo động.

Loại tội phạm hình sự cộm cán, có số, có mũ lại nắm điều hành doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như khai thác mỏ, san lấp mặt bằng, khai thác vận chuyển cát, đá sỏi...

Có doanh nghiệp lập ra nhưng dưới trướng tụ tập đàn em đi đe doạ giành giật thị trường, bắn giết nhau.

Hay trong lúc đời sống khó khăn thì đang phát triển “tín dụng đen” cho vay nặng lãi nhưng rồi cho “tay chân” đi đòi nợ cướp đất, cướp nhà. Các tội liên quan gian lận thương mại, trốn thuế... chính là các doanh nghiệp vi phạm.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, nguyên nhân tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp là do công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót.

Công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao ý thức trách nhiệm khi thi hành công vụ, nhiệm vụ, thậm chí tiêu cực vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực có nơi chưa được xem xét, xử lý nghiêm, kịp thời.

Sự xuống cấp đạo đức nhất là trong thanh thiếu niên đang báo động; số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều là nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm; trình độ năng lực một bộ phận cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu nhất là trong lĩnh vực phòng ngừa chống tội phạm công nghệ cao, yếu tố nước ngoài…

Bộ trưởng Bộ Công an còn bày tỏ băn khoăn về những khoảng trống trong luật pháp.

“Hành vi trộm cắp, cướp giật xét về phong tục tập quán là không chấp nhận được, dù là cướp cái gì, vì gây mất an toàn xã hội. Quy định từ 2 triệu trở lên mới bị xử lý thì rất khó, dẫn đến có loại ăn cắp cứ 1,8 hay 1,9 triệu là không bị xử lý. Rồi việc giám định cũng phức tạp, cái xe đạp người này nói 2,1 triệu nhưng người kia nói 1,9 triệu”, ông Tô Lâm nêu thực trạng.

Theo ông Lâm, nếu công an không giải quyết thì dân tự xử, dẫn đến chuyện cả làng đánh chết đối tượng trộm chó vì bức xúc.

“Hôm nay cướp giật một bánh mì, ngày mai ăn cướp hai bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng hành vi ăn cướp là không chấp nhận được”, Tướng Lâm nói. 

Ngọc Quang