Phạt học sinh bằng hình thức không giống ai thì chẳng “kinh dị” thì gọi là gì?

10/01/2019 06:48
Phan Tuyết
(GDVN) - Phải chăng chính lãnh đạo phòng giáo dục nơi này đang muốn ém nhẹm sự việc và trực tiếp tiếp tay cho những hành động bạo hành học sinh trong nhà trường?

Vừa qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin đến bạn đọc về những hình thức trách phạt học sinh phản giáo dục tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) khiến dư luận bức xúc.

Để xử lý vấn đề, ngày 15/12, Cục Nhà giáo và Cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đề nghị xác minh, báo cáo sự việc có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo khi xử phạt học sinh vi phạm khuyết điểm tại tỉnh Kiên Giang.

Vụ việc phức tạp và báo chí phải vào cuộc, nguyên nhân vì địa phương không xem xét vấn đề để xử lý ngay khi mới phát hiện.

Phạt học sinh bằng hình thức không giống ai thì chẳng “kinh dị” thì gọi là gì? ảnh 1Trường Nguyễn Trường Tộ có bao che cho giáo viên?

Vụ việc trách phạt học sinh bằng các hình thức “kinh dị” của cô giáo Mai tại ngôi trường này do chính những giáo viên công tác tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ phát hiện nên bức xúc báo cáo với lãnh đạo nhà trường.

Điều này cho thấy ngay chính giáo viên cũng không thể “cảm thông” với hành vi trách phạt học sinh một cách lạ kỳ của đồng nghiệp.

Cuộc họp diễn ra tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) ngày 22/12 có đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang; Trưởng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Rạch Giá; Đại diện Liên đoàn lao động; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Rạch Giá…cùng với sự góp mặt của một số chi hội phụ huynh các lớp, đại diện gia đình học sinh bị bạo hành, các em học sinh bị bạo hành và các thầy (cô) giáo có (liên quan) để làm rõ sự việc.

Trong cuộc họp, sau khi cô Mai trình bày sự việc (chỉ xoay quanh việc phạt học sinh hít đất mà tảng lờ những hình thức phạt khác đã được báo chí nêu) thì đồng nghiệp của cô Mai là cô L.N.X.T. giáo viên chủ nhiệm lớp 7/9 đã phát biểu thêm. Nội dung phát biểu của cô T. là:

Tôi không chứng kiến cô M. phạt học sinh nhưng cả lớp 40 em đều đồng loạt lên tiếng ngoài hình phạt bắt học sinh nằm dưới đất, cô M. còn phạt học sinh thụt dầu, một tay giơ cao lên trời một tay phải ghi bài.

Em nào trả lời được câu hỏi mới được bỏ tay xuống nếu không phải giơ hết tiết. Kinh khủng hơn còn có thêm hình phạt nếu không trả bài được hoặc nói chuyện sẽ bắt học sinh há họng hết tiết học”.

Cô L. vừa là Trưởng ban thanh tra nhân dân, vừa là giáo viên dạy Văn 3 lớp cô Mai dạy (7/8, 7/9, 7/10) cho biết, học sinh 3 lớp này đều tố bị cô giáo dạy Sử dùng những hình phạt (nằm dưới đất, quỳ trên ghế, giơ một tay lên cao một tay chép bài, thụt dầu, há miệng nguyên tiết).

Ngoài ra, cô Mai còn “sáng tạo” thêm hình phạt khác đó là: phạt học sinh vi phạm bằng cách phải ngồi dưới đường đi (dãy giữa lớp học) quay lưng lại bục giảng vừa soạn bài vừa học thuộc.

Vấn nạn bạo hành học sinh cần phải giải quyết triệt để (Ảnh minh hoạ: Anninhthudo.vn).
Vấn nạn bạo hành học sinh cần phải giải quyết triệt để (Ảnh minh hoạ: Anninhthudo.vn).

Những lời phát biểu trên của hai đồng nghiệp (một là giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh bị bạo hành, một là Trưởng ban thanh tra đã đi xác minh sự việc) lẽ nào là vu khống, là dựng chuyện?

Nếu cô Mai bị oan ức khi chính mình không phạt học sinh thì tại sao không có sự phản ứng ngay sau khi hai cô giáo phát biểu?

Một bài viết trên Báo TTXVN nêu: “Đến thời điểm này, ngành Giáo dục Kiên Giang và các cơ quan chức năng ở địa phương chưa nhận được ý kiến trực tiếp hay đơn thư của phụ huynh, học sinh phản ứng về hành vi xử phạt học sinh của cô Mai.

Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá chỉ đạo thực hiện việc kiểm điểm, xử lý vấn đề báo nêu đúng quy định, quy trình”.

Không nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh về hành vi xử phạt của cô Mai không có nghĩa là sự việc không có.

Nhà trường mà trực tiếp là cô giáo chủ nhiệm, cô Trưởng ban thanh tra vẫn còn băng ghi âm ghi lại những lời phản ánh của học sinh (chính nạn nhân lên tiếng) khi bị cô Mai xử phạt không thể là bằng chứng hay sao?

Việc nhà trường thực hiện quy trình về lấy ý kiến thăm dò giáo viên có bị thi hành kỷ luật hay không và kết quả cho thấy có đến 64 phiếu không đồng ý kỷ luật cô Mai chiếm (79,02%).

Tuy nhiên, động thái này của nhà trường lại dấy lên nhiều câu hỏi nghi hoặc của nội bộ nhà trường bởi một số giáo viên cho biết họ chưa được thông qua kết luận vụ việc mà nay lại lấy phiếu xác định ý kiến thi hành kỉ luật đối với cô Mai khiến họ không biết phải làm sao?

Phạt học sinh bằng hình thức không giống ai thì chẳng “kinh dị” thì gọi là gì? ảnh 3Có một kiểu "tra tấn" kinh dị trong trường học

Có mặt trong cuộc họp ngày 22/12 tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) ngày 22/12, đã trực tiếp được nghe phản ánh toàn bộ việc cô Mai dùng nhiều hình phạt lạ để phạt học sinh.

Nhưng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá vẫn khẳng định (trong bài viết trả lời Báo TTXVN) thông tin Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh việc cô Mai “tra tấn” kinh dị học sinh trong trường học ở thành phố Rạch Giá là không chính xác.

Phải chăng chính lãnh đạo phòng giáo dục nơi này đang muốn ém nhẹm sự việc và trực tiếp tiếp tay cho những hành động bạo hành học sinh trong nhà trường?

Những hình thức như: phạt quỳ gối, phạt thụt giầu, phạt một tay giơ lên trời còn một tay viết bài, phạt há miệng suốt tiết học, ngồi giữa lớp học quay lưng lên bảng chép bài…mặc dù đây không phải là các hình thức phạt gây nên sự tổn thương về cơ thể của trẻ nhưng chắc chắn rằng các hình thức phạt này không thể nào mang lại hiệu quả tích cực trong giáo dục.

Nó có thể chỉ đem lại tác dụng tiêu cực trong tâm lý đứa trẻ để rồi từ đó trẻ có thể tự ti, xấu hổ, ghét đi học, khó chịu với giáo viên và ngày càng bướng bỉnh, “khó dạy” hơn.

Và mặc dù cô Mai áp dụng các hình thức phạt nói trên cho nhiều học sinh, nhiều lớp học do cô phụ trách giảng dạy trong thời gian khá dài nhưng hầu như không có phản ứng gì của gia đình học sinh.

Bởi do nhiều nguyên nhân, phần đông các em không về nói với gia đình vì cho rằng chính các em cũng có lỗi như không soạn bài, không học bài, chưa chú ý trong giờ học…mà chỉ phản ứng với cô giáo chủ nhiệm ở lớp.

Vì không biết, không hay hoặc thấy con không bị thương tích trên cơ thể nên gia đình các em cũng chẳng làm lớn chuyện. Và như thế không có nghĩa là việc trách phạt học sinh của cô giáo Mai là đúng.

Phạt học sinh bằng hình thức không giống ai thì chẳng “kinh dị” thì gọi là gì? ảnh 4Học trò bị phạt hít đất, mỗi bên nói một kiểu, Hiệu trưởng có ý bênh giáo viên

Giáo dục hiện đại dứt khoát không cho phép nhà giáo dùng các hình phạt mang tính bạo lực cả về tinh thần, lẫn thể chất như những trường hợp đã xảy ra khiến dư luận phẫn nộ trong thời gian qua.

Do đó, trong khuôn khổ bài viết này, mong rằng chính từ các vụ việc đã được báo chí phản ảnh sẽ giúp nhà giáo có được sự kiềm chế tốt hơn trong tâm lý khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục nếu gặp phải các đối tượng học trò “cá biệt”.

Trong nghiệp vụ sư phạm, hẳn giáo viên phải thông tỏ tất cả các quy chuẩn quy định về đạo đức nhà giáo.

Ngày 16/4/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT Quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó để giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo có các quy định rất cụ thể rõ ràng và quy định: Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học’’ là vấn đề nhà giáo phải quán triệt sâu sắc.

Nhưng thực tế, trong quá trình giảng dạy có nhiều giáo viên đã nghĩ rất đơn thuần "yêu cho roi, cho vọt" nên đã có cách hành xử trái với quy chuẩn, đạo đức của người đứng lớp. 

Với truyền thống tôn sư, trọng đạo nên đại đa số cha mẹ học sinh coi việc trách phạt con em họ là sự dạy bảo bình thường, do đó thường ít khi có phản ứng, chỉ khi có các trường hợp đặc biệt thì mới lên tiếng và trở thành dư luận nhất là những vụ việc có sự tham gia phản ánh của báo chí.

Phan Tuyết