Phẫu thuật thành công dị tật tim cho bé suy dinh dưỡng, nhiễm trùng

22/06/2013 10:00
V.P
(GDVN) - Bị tim bẩm sinh, từ khi sinh ra đến nay, cô bé có cái tên rất đẹp Nguyễn Thị Sương Mai - giọt sương buổi sớm - đã “đi” qua 3 bệnh viện từ địa phương, TƯ đến  quốc tế Vinmec để đấu tranh giành giật cuộc sống cho mình. Bé đã được ra viện sau hơn 3 tháng liên tục nằm viện, trong đó nhiều lúc tưởng như không còn hy vọng cứu sống.
Khi được đưa đến Bệnh viện quốc tế Vinmec, bé Sương Mai ở trong tình trạng suy dinh dưỡng, đã hơn 5 tháng nhưng chỉ nặng 4kg, nhiễm trùng lở loét đầu, và bị tim bẩm sinh. Chị Nguyễn Thị Bích Huệ (40 tuổi, ở xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) sinh con ở trạm xá xã. Bé nặng 3,7 kg. Ở tháng thứ 3, em bé được phát hiện bị tim bẩm sinh – thông liên thất sau một đợt sốt kéo dài, bị tăng áp lực phổi. Điều trị ở tuyến địa phương không đỡ, Mai được chuyển lên khoa Hồi sức ngoại của Bệnh viện Nhi đầu ngành, để điều trị bệnh phổi đang ở giai đoạn nặng nhất.

Liên tục những lần tính mạng em bé bị đe dọa, cơ thể tím tái, khả năng tự thở gần như về số 0. Thậm chí có lúc các bác sĩ đã làm công tác tư tưởng để gia đình chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Người thân của chị đã liên hệ với GS Nguyễn Thanh Liêm – GĐ Bệnh viện Vinmec và ông đã nhận lời phẫu thuật tim cho cháu bé sớm nhất.


Khám cho bé, các bác sĩ Bệnh viện Vinmec nhận thấy việc đầu tiên là ngăn chặn mọi khả năng khiến cháu tiếp tục bị nhiễm trùng do các vết tì đè - nguyên nhân gây ra tình trạng lở loét và hoại tử da đầu của cháu. Vì thế, dù bé rất yếu, không bế đi lại được, chân tay teo gần như hết cơ, các điều dưỡng vẫn cứ đều đặn 1,5 – 2h đồng hồ lăn trở cho cháu nhiều tư thế để cơ thể cô bé vận động.

Sau 5 ngày rửa, thay băng đều đặn, vết thương trên đầu bé do nằm lâu cũng đã khô miệng, không còn chảy nước. Việc nâng cao thể trạng cho bệnh nhân để bé thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Hơn 1 tháng cách ly với con, chị Huệ đã hoàn toàn mất sữa thế nên bé Mai phải ăn sữa công thức. Bé chỉ ăn 30ml sữa cũng phải bú trong 30 phút. Vì thế, để tăng lượng thức ăn hấp thụ, các điều dưỡng chia nhỏ bữa ăn và cho bé ăn nhiều lần qua đường sonde. Tần suất lúc đầu chỉ 15 – 30 phút/bữa, đến khi bé khỏe hơn, khoảng cách thời gian giữa các bữa dãn ra, chỉ còn 8 lần/ngày. Được chăm sóc đầy đủ, 10 ngày sau, bé đã lên được 0,7kg.

Mỗi ngày, khi cân cho bé, kim nhích lên, các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa Nhi ai cũng thấy nhẹ nhõm, vui mừng. Bởi khi đón bé, ai cũng dành cho cô bé tình cảm trìu mến. Dù là thể trạng rất yếu, nhưng trên gương mặt xanh xao, đôi mắt bé vẫn sáng bừng. Điều dưỡng Nguyễn Thị Lệ Quyên nhớ lại: “Cái miệng thì thường xuyên tóp tép. Dường như cô bé có một nghị lực sống rất mạnh mẽ”.
 
Đến lúc này, cô bé đã đủ sức khỏe cho ca phẫu thuật sửa chữa dị tật tim hở. Cháu cũng là trường hợp nhỏ nhất được mổ tim tại Bệnh viện Vinmec từ trước đến nay. Vì thế, ca mổ được để dành đến cuối cùng để các phẫu thuật viên có thể chăm chút từng đường dao rạch hay đường kim khâu.

Bé Sương Mai được các bác sĩ Vinmec chăm sóc tận tình, chu đáo.
Bé Sương Mai được các bác sĩ Vinmec chăm sóc tận tình, chu đáo.

Kỹ thuật cho ca mổ, đối với các bác sĩ Bệnh viện Vinmec không khó, nhưng ai cũng sốt ruột trông mong bé được đẩy ra khỏi phòng mổ. Dường như ai cũng đã dành cho cô bé một phần tâm huyết của mình, và mong chờ những nỗ lực ấy không vô ích với em bé. Cô bé cũng đã hồi phục rất nhanh, tự bú bình được, không còn phụ thuộc vào đường ăn sonde. Nước da hồng hào, bụ bẫm trở lại. Các bác sĩ cho biết, dị tật thông liên thất của cháu đã được sửa chữa hoàn toàn. Ngày 18.6, tức là sau 2 tuần sau phẫu thuật, bé đã được xuất viện.

Cả gia đình chị Huệ đã trải qua 3 tháng với những ngày tưởng như sự sống với con gái quá xa vời, những ngày cạn kiệt kinh tế vì lo cho con, bố mẹ nằm trọ chỉ 15.000đ/đêm để sáng ra trông mong một tin tức tốt lành về sức khỏe của con.

Ngày mà tính mạng của cháu đã quá mong manh, một bác sĩ ở khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi TƯ thông báo còn một máy thở cho cháu nên cháu mới có cơ hội được cứu sống trở lại. Và ngày Bệnh viện Vinmec tiến hành ca mổ, Bệnh viện Nhi TƯ cũng đã cử bác sĩ sang hỗ trợ phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu cho bé.

Giờ đây, được ôm con khỏe mạnh trong tay, chị Huệ trút được bao nỗi lo lắng bấy lâu. Trái tim của chị không còn trĩu nặng. Dường như cô con gái mà chị sinh vào một buổi sáng sớm và đặt tên là Sương Mai  đã được sinh ra lần thứ 2.

Những ngày đánh dấu mốc cho sự sống và cuộc sống của đứa con gái bé bỏng, chị Huệ chắc hẳn sẽ không bao giờ quên, và không bao giờ quên những người bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Vinmec đã đem lại cuộc sống với sức khỏe trọn vẹn cho bé trong cuộc sống lâu dài sau này.
V.P