Philippines xử tù người Trung Quốc, thể hiện lập trường cứng rắn

06/08/2014 09:31
Việt Dũng
(GDVN) - Học giả Trung Quốc coi hành động của Philippines là để thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, nhắc nhở ngư dân Trung Quốc tránh bị bắt thóp....
Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh minh họa)
Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh minh họa)

Ngày 5 tháng 8, tòa án khu vực Palawan Philippines tuyên bố, 12 ngư dân Trung Quốc bị bắt tháng 4 năm 2013 với tội danh "đánh bắt cá phi pháp" đã bị kết án, thuyền trưởng bị phán quyết 12 năm tù có thời hạn, 11 thuyền viên bị phán quyết từ 6 - 11 năm tù ở các mức khác nhau.

Theo hãng tin Reuters Anh, đây là lần đầu tiên có ngư dân Trung Quốc bị Philippines định tội kể từ khi quan hệ Trung Quốc-Philippines căng thẳng do "tranh chấp Biển Đông" (Trung Quốc nhảy vào gây ra tranh chấp) đến nay. Điều này có thể làm cho quan hệ Trung Quốc-Philippines càng thêm căng thẳng.

Theo bài viết, luật sư biện hộ cho ngư dân Trung Quốc cho rằng sẽ đưa ra kháng án, cho rằng, ngư dân Trung Quốc hoàn toàn "không cố ý" xâm nhập lãnh thổ Philippines (?).

Theo tờ "Thời báo Hoàn Cầu", có học giả Trung Quốc cho rằng, tòa án Philippines phán quyết lại ngư dân Trung Quốc hầu như là muốn dựa vào vụ này để thể hiện lập trường cứng rắn của họ trong vấn đề Biển Đông. Đối với vấn đề này, Trung Quốc cần tiến hành giao thiệp "dựa trên luật pháp" (?).

Theo bài báo, mỗi ngư dân Trung Quốc còn bị phạt tiền 100.000 USD, tàu cá cũng bị tịch thu. Ngoài tội "đánh bắt cá phi pháp", họ còn bị xét xử về hành vi đánh bắt loài vật được bảo vệ, theo luật pháp Philippines, tội danh này cao nhất có thể phạt tù 20 năm, điều này có nghĩa là thời hạn ngư dân Trung Quốc cuối cùng bị phạt có thể dài hơn.

Tàu cá Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu cá Trung Quốc (ảnh minh họa)

Hãng Reuters ngày 5 tháng 8 còn đưa tin từ cảng Princesa cho biết, ngư dân Trung Quốc đã ngồi nghe nhân viên Tòa án Philippines sử dụng tiếng Anh tuyên đọc phán quyết, sau đó được dịch sang tiếng Trung.

Bài báo cho biết, một luật sư của văn phòng luật sư Philippines biện hộ cho ngư dân Trung Quốc cho biết, ông sẽ đưa ra kháng án, cho rằng ngư dân Trung Quốc "vô tội", "không cố ý"  xâm nhập lãnh thổ Philippines, mà do bị ép buộc bởi "thời tiết xấu".

Ngư dân Trung Quốc từng cho biết, họ gặp thời tiết xấu trên đường từ Indonesia về Trung Quốc, buộc phải tránh né ở rạn san hô Tubbataha, hệ thống định vị toàn cầu trên thuyền của họ bị hư hỏng, khi đó họ không biết đó là lãnh thổ của Philippines. Nhưng quan tòa thụ lý vụ án cho rằng, lời giải thích của ngư dân Trung Quốc "rất không đáng tin cậy".

Mạng tin tức GMA ngày 5 tháng 8 cho rằng, Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ ủng hộ đối với phán quyết này. Khi được hỏi phải chăng lo ngại vụ án này ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jose ngày 5 tháng 8 cho hay, phán quyết được đưa ra dựa trên luật pháp của Philippines, "khu vực ngư dân Trung Quốc bị bắt là hải phận của Philippines, Philippines có chủ quyền đối với khu vực này".

Bài báo còn cho biết, ngư dân Trung Quốc còn bị tố cáo "giữ vài trăm con tê tê một cách phi pháp", cơ quan cảnh sát biển Philippines cho biết, trên tàu cá Trung Quốc phát hiện 40 hòm tê tê đông lạnh, nặng tới 10.000 kg.

"Tê tê là một loại động vật hoang dã được công ước quốc tế bảo vệ, nhưng ở Trung Quốc được cho là đồ ăn có công hiệu đặc biệt".

Tàu cá Trung Quốc bị cảnh sát biển Hàn Quốc bắt giữ (ảnh minh họa)
Tàu cá Trung Quốc bị cảnh sát biển Hàn Quốc bắt giữ (ảnh minh họa)

Ngày 8 tháng 4 năm 2013, Lực lượng bảo vệ bờ biển (Cảnh sát biển) Philippines tuyên bố, bắt giữ một tàu cá Trung Quốc khả nghi ở khu vực rạn san hô Tubbataha, phía tây nam nước này, bị tình nghi là cướp.

Do có nhiều loài phong phú, đa dạng, rạn san hô Tubbataha vào năm 1993 được đưa vào "danh sách di sản thế giới", tổng diện tích 968 km2, Philippines xác định khu vực này là vùng cấm hoạt động.

Tờ "Philippine Daily Inquirer" cho rằng, tàu cá Trung Quốc xâm phạm đã phá hoại 4.000 m2 khu vực rạn san hô Tubbataha. Ngoài ra, ngư dân Trung Quốc còn bị tố cáo "đút lót cho nhân viên chính phủ Philippines", đồng thời đối mặt với tố cáo hành chính là xâm phạm phi pháp, giữ động vật được bảo vệ, phá hoại san hô.

Hãng AFP ngày 5 cho rằng, luật chống săn bắt trộm được Philippines đưa ra năm 2009 xác định rạn san hô Tubbataha là khu bảo tồn, 12 ngư dân Trung Quốc là người nước ngoài lần đầu tiên bị phán quyết vi phạm luật này.

Bài báo cho rằng, trước khi tàu cá Trung Quốc xâm nhập, một tàu quét mìn của Mỹ cũng từng bị mắc cạn ở rạn san hô Tubbataha vào tháng 1 năm 2013, cuối cùng buộc phải dỡ bỏ và kéo đi, "Philippines đòi Mỹ bồi thường 1,3 triệu USD, nhưng không đưa ra khởi tố bất cứ ai".

Theo hãng AFP, trưởng công tố tỉnh Palawan Rodriguez đánh giá phán quyết của vụ án này, cho rằng: "Đây là đột phá quan trọng của trong trừng trị các hành động phá hoại môi trường của chúng tôi, hy vọng sẽ là sự khởi đầu của một loạt hành động".

Tàu cá Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu cá Trung Quốc (ảnh minh họa)

Hãng AFP bình luận: "Khu vực Palawan Philippines giam giữ mấy chục ngư dân Trung Quốc và Việt Nam - bị lên án đánh bắt phi pháp". Ngoài 12 ngư dân Trung Quốc bị phán quyết, tháng 5 năm 2014, Philippines còn bắt giữ 9 ngư dân Trung Quốc ở bãi Trăng Khuyết, quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Tháng 6 năm 2014, tòa án Philippines mở phiên tòa xét xử ngư dân Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Sứ quán Trung Quốc can thiệp làm cho họ không tìm được phiên dịch.

Viện trưởng Trang Quốc Thổ, Viện nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn Trung Quốc cho rằng, tòa án Philippines phán quyết lại ngư dân Trung Quốc đã phá vỡ "thỏa thuận ngầm" xử lý tranh chấp nghề cá giữa Trung Quốc-Philippines, sau khi Philippines bắt giữ tàu cá, ngư dân Trung Quốc trước đây, thường thu tiền phạt rồi thả tàu, thả người.

Tuy vụ án này không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, nhưng Philippines hầu như muốn dựa vào vụ án này bày tỏ lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông của họ.

Ông Thổ cho rằng, phía Philippines coi thường "nhân quyền" của ngư dân Trung Quốc, bất chấp đại cục quan hệ Trung Quốc-Philippines, sẽ phải tự nuốt "quả đắng" (?). Ngoài ra, theo ông Thổ, cũng cần nhắc nhở ngư dân Trung Quốc tiến hành đánh bắt cá phải "tuân theo quy định pháp luật", tránh bị "nắm đằng chuôi" (bắt thóp).

Việt Dũng