Phó Chủ tịch nước: Công tác xác hội được coi là một nghề tại Việt Nam

28/11/2013 14:41
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - “Công tác xã hội (CTXH) đã được công nhận là một nghề tại Việt Nam. Đây là nghề trực tiếp tham gia giải quyết các hệ lụy, vấn đề xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người, giảm bất bình đẳng và mâu thuẫn trong xã hội...”, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
20% dân số cần trợ giúp

Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan cho biết, hiện Việt Nam đang tập trung giải quyết nhiều vấn đề xã hội như sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng về mức sống và cơ hội phát triển.

Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, Việt Nam có số người cần được trợ giúp các dịch vụ CTXH chiếm tới 20% dân số, gồm người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, các đối tượng nhiễm HIV, người nghiện ma túy...

Tất cả những vấn đề xã hội nảy sinh phức tạp trên, Phó Chủ tịch Nước cho rằng không thể giải quyết bằng hệ thống luật pháp, mệnh lệnh hành chính, tuyên truyền vận động, mà đòi hỏi phải có sự can thiệp mang tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên gia được đào tạo về CTXH.


Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, việc phát triển nghề CTXH là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Nghề giải quyết phần lớn những vướng mắc trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới hình thành một hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Khi nghề CTXH được phát triển ở mức chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ hiệu quả các vấn đề nghèo đói, mất công bằng và bình đẳng xã hội...

Bộ LĐTBXH cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề với công chức CTXH, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, tạo môi trường pháp lý thúc đẩy phát triển nghề CTXH.

Gấp rút hoàn thiện mô hình

Đánh giá những nỗ lực sau gần 4 năm thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH (Đề án 32), Phó Chủ tịch nước cho rằng, đây là những kết quả khả quan với sự nỗ lực vào cuộc từ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức nghề nghiệp...

Hầu hết các tỉnh, thành đều đã phê duyệt đề án của địa phương, bố trí ngân sách triển khai thực hiện, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức làm CTXH ở các xã phường, trung tâm bảo trợ xã hội.

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), cả nước đã hình thành trên 30 trung tâm dịch vụ xã hội và trung tâm tư vấn CTXH tại các huyện, điểm tư vấn ở cộng đồng, trường học, bệnh viện; hơn 30 trường cao đẳng, đại học có khoa đào tạo nhân viên CTXH...

Năm 2014, Bộ LĐTBXH tiếp tục hướng dẫn việc xây dựng thí điểm các mô hình cung cấp dịch vụ CTXH tại các tỉnh, thành cũng như hỗ trợ địa phương, cơ sở đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ nhân viên, cộng tác viên hoạt động CTXH.

Bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý, Bộ LĐTBXH đang khảo sát một số tỉnh, thành phố về các nguyên tắc căn bản của đạo đức nghề nghiệp CTXH. Từ đó đề xuất xây dựng tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội./.

Hồng Anh (Tổng hợp)