Phó Giáo sư Vũ Trọng Rỹ cảnh báo nguy cơ gia tăng mất an toàn trường học

24/10/2017 07:19
Vũ Phương
(GDVN) - Để xảy ra mất an toàn trường học một phần vì sự thiếu trách nhiệm của nhà trường trong việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất cho học sinh.

Nhiều tai nạn thương tâm 

Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra một số tai nạn đáng tiếc đối với học sinh tại không ít trường trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm là làm sao để đảm bảo an toàn trường học.

Sự việc mới xảy ra chiều (17/10) một nam sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) bị rơi từ tầng 2 xuống đất và phải nhập viện cấp cứu.

Thông tin mới nhất từ phía nhà trường và gia đình cho biết, nam sinh bị chấn thương khá nặng, bước đầu gãy chân và đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Bước đầu các bác sĩ chẩn đoán nam sinh bị gẫy chân. Còn nguyên nhân khiến học sinh này bị gã được cho là khi đang vui chơi tại lan can, do bám vào lan can và đu người quá đà nên không may bị rơi từ tầng hai xuống.

Học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm rơi từ tầng 2 xuống bị chấn thương nặng. Ảnh: Thanh
Học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm rơi từ tầng 2 xuống bị chấn thương nặng. Ảnh: Thanh

Cũng trong thời điểm này, một vụ tai nạn xảy ra vào chiều (17/10) tại Trường Tiểu học Thạnh Quới A (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Thời điểm trên, 90 học sinh của lớp 3 và 4 đang ngồi học thì trần của phòng học cùng bóng đèn và đường dây điện đổ ập xuống đầu.

Vụ việc khiến hàng chục học sinh hoảng loạn, nhiều em bị xây xát. Theo ban giám hiệu nhà trường, khi xảy ra sự việc có cơn gió mạnh thổi qua. Sau đó, trần la phông của 5 phòng học bị sập xuống.

Khoảng 20 học sinh bị trần nhà rơi xuống trúng người, trong đó có 9 em bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Một trường hợp học sinh bị thương nặng được chuyển qua bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Trần la phông sập khiến 9 học sinh Trường Tiểu học Thạnh Quới A bị thương nặng. Ảnh: Minh Anh
Trần la phông sập khiến 9 học sinh Trường Tiểu học Thạnh Quới A bị thương nặng. Ảnh: Minh Anh

Trước đó, một trường hợp học sinh lớp 4 tử vong vì điện giật tại trường khiến không ít người bàng hoàng. Sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Đại Bản 2 (thôn Lê Xá, xã Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) đã xảy ra vụ việc cháu bé 10 tuổi tử vong trong trường học.

Theo đó, vào khoảng 9h ngày 12/10, trong giờ ra chơi, cháu T. (10 tuổi, học sinh lớp 4D) đang chơi ngoài hành lang của lớp trên tầng 2 thì ngã lăn ra. Khi được người cấp cứu thì cháu bé đã tử vong.

Một vụ việc đáng tiếc hơn nữa xảy ra vào ngày 6/10, một số học sinh Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) đã mang cồn đến lớp đốt trong giờ nghỉ trưa.

Hậu quả của vụ đốt cồn trên khiến một em bị bỏng 24%, trong đó có tới 16% bị bỏng sâu và dự kiến nạn nhân sẽ phải trải qua 3 lần phẫu thuật, điều trị lâu dài.

Cũng vào thời điểm này, ngày 7/10, một nhóm học sinh nữ lớp 7 Trường Trung học cơ sở Trường Yên (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) đã có hành vi đánh hội đồng, lột áo ngay tại lớp học đối với một nữ học sinh khác.

Trang bị kiểu nửa vời

Hàng loạt những tai nạn, bạo lực học đường xảy ra ở trường học khiến không ít phụ huynh bàng hoàng và lo lắng trước những rủi ro có thể xảy ra với các con bất cứ lúc nào nếu nhà trường không có những giải pháp phòng ngừa và trang bị kỹ năng nhất định.   

Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ cho rằng, ngoài truyền đạt kiến thức, nhà trường phải chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ảnh: T.Trang
Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ cho rằng, ngoài truyền đạt kiến thức, nhà trường phải chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ảnh: T.Trang

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: “Trang bị cho các em học sinh những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn rất quan trọng khi tham gia học tập tại trường, ở nhà và khi đi học, đi về.

Các văn bản chỉ đạo về vấn đề an toàn nhà trường đã có cũng như lớp học kỹ năng sống, phổ biến về an toàn giao thông cũng được dạy rộng rãi tại nhiều trường. Tuy nhiên, các trường thực hiện, triển khai ra sao, có kết hợp lý thuyết và thực hành hay không, theo cách nào đó mới là vấn đề.

Cơ sở vật chất nhà trường phải đảm bảo an toàn cho các em như lan can cầu thang, lan can lớp học phải cao quá đầu, điện nước an toàn. Ngoài ra cũng phải đánh giá thường xuyên theo định kỳ cơ sở vật chất có tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm phải khắc phục ngay, ngoài ra còn cây xanh trong trường có nguy cơ đổ gãy hay không...

Đặc biệt, đối với học sinh ít tuổi ngoài giáo dục những kỹ năng sống, kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm thì phải rất chú trọng giám sát, theo dõi hoạt động vui chơi trong giờ ra chơi của các em.

Không ít trường còn tồn tại những yếu tố gây mất an toàn trong môi trường học đường như hở điện, lan can thấp, cơ sở vật chất kém, nguy cơ cháy nổ cao...Chính vì vậy mới xảy ra những vụ tai nạn, bạo lực học đường đáng tiếc như thời gian gần đây”.

Phó Giáo sư Vũ Trọng Rỹ cảnh báo nguy cơ gia tăng mất an toàn trường học ảnh 4

Nam sinh trường Đoàn Thị Điểm ngã từ tầng 2 xuống đất

Phó giáo sư Vụ Trọng Rỹ cũng cho biết: “Hiện không ít tổ chức phi chính phủ tài trợ cho một số trường tập huấn dành cho giáo viên và học sinh những kỹ năng cơ bản nhất để đối phó với những tình huống xấu xảy ra như hỏa hoạn, đuối nước, tai nạn…

Không chỉ tại trường mà khi đi học, tham gia giao thông, cũng như sinh hoạt ở nhà thì những kỹ năng sống cơ bản nhất cả nhà trường và cha mẹ phải trang bị cho các em”.  

Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để đảm bảo an toàn học đường để phụ huynh yên tâm làm việc, con em đến trường vừa học được kiến thức lại rèn luyện sức khỏe, an toàn.  

Về việc này, Phó Giáo sư Vũ Trọng Rỹ cho rằng: “Nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền để học sinh thực hiện nghiêm túc những quy định về an toàn trong trường học.  

Song song với việc giảng dạy cần lồng ghép thêm những giờ giáo dục học sinh nâng cao nhận thức về xây dựng trường học an toàn, rèn học sinh ý thức thực hiện tốt nội quy trường lớp, phòng chống các tai nạn thương tích.

Đặc biệt, khi tham gia giao thông phải tuân thủ Luật giao thông đường bộ, tăng cường vận động và phối hợp tổ chức cho học sinh học bơi để phòng chống đuối nước.

Về phía nhà trường cũng phải chú trọng đến việc trang bị đầy đủ các phương tiện y tế, phòng cháy chữa cháy, công tác an toàn thực phẩm. Giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm nhiều hơn đến học sinh của mình để phát hiện kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh”.

Ngoài các môn thể thao, nhà trường nên bố trí những buổi tập huấn những kỹ năng sống cơ bản nhất cho học sinh. Ảnh: Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điềm.
Ngoài các môn thể thao, nhà trường nên bố trí những buổi tập huấn những kỹ năng sống cơ bản nhất cho học sinh. Ảnh: Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điềm.

Không ít ý kiến thẳng thắn cho rằng, hiện nhiều trường bắt học sinh học kỹ năng mềm, kỹ năng sống, nhưng nội dung học thiếu tính thực thế, ít áp dụng được khi tình huống xấu xảy ra. Đó chính là cách giáo dục, trang bị nửa vời gây tốn kém cho phụ huynh mà thiếu hiệu quả. 

Trong khi đó, trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hữu Trác – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho rằng: “Để tránh những tai nạn, thương tích đáng tiếc xảy ra khi các em đến trường, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp.

Bên cạnh việc giảng dạy, các thầy cô cũng lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho các em, đặc biệt giáo dục cho các em các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích như đuối nước, cháy nổ, bạo lực học đường…

Nhà trường cũng yêu cầu các thầy cô giáo thường xuyên nhắc nhở học sinh vào giờ ra chơi không được đùa nghịch thái quá”.

Thầy Nguyễn Hữu Trác cũng nhấn mạnh: “Để đảm bảo an toàn, nhà trường thường xuyên kiểm tra đường dây diện, cây xanh, cơ sở vật chất hư hỏng sớm được phát hiện kịp thời sửa chữa, thay thế.

Nhà trường cũng kết hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc quản lý, theo dõi, hỗ trợ học sinh để hạn chế mức tối đa những vấn đề không mong muốn xảy ra. Đồng thời nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương, công an, các ban ngành,….làm tốt tuyên truyền, vận động, xử lý kịp thời các hành vi có thể gây nguy  hại đến học sinh”.

Vũ Phương