Phòng Giáo dục và Đào tạo than khó, đâu là giải pháp?

10/03/2023 06:33
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi nhân sự ở Phòng phải năng động, linh hoạt, thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau, nếu không, bao giờ cũng cứ thấy “mỏng”, thấy thiếu, thấy khó.

Thời gian gần đây Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài viết về những khó khăn ở một số Phòng Giáo dục và Đào tạo như:

“1 năm ban hành 1.248 văn bản hướng dẫn dạy - học, Phòng GD "than" nhân sự mỏng”, “Phòng GD nhân sự mỏng, có khi lãnh đạo tự soạn văn bản tự ký, nơi tuyển không đủ”, “Biệt phái giáo viên lên Phòng Giáo dục làm việc không dễ vì thiếu danh phận”…

Những bài viết về Phòng Giáo dục và Đào tạo nói trên đã thu hút rất nhiều bạn đọc, trong đó lượng không nhỏ là giáo viên trên cả nước.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Thực tế hiện nay, tất cả các địa phương cấp huyện(quận), thị xã, thành phố trực thuộc thuộc tỉnh đều có Phòng Giáo dục và Đào tạo, quản lý chuyên môn bậc học trung học cơ sở, tiểu học, mầm non.

Không thể xóa bỏ Phòng Giáo dục và Đào tạo, vấn đề đặt ra là làm thế nào để Phòng Giáo dục và Đào tạo hoạt động có hiệu quả, có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục địa phương?

Phòng Giáo dục và Đào tạo than khó, đâu là giải pháp?

Người viết đã trao đổi với thầy Nguyễn Văn Vinh, một cựu chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo, nay đang là hiệu trưởng một trường trung học cơ sở phía nam, thầy Nguyễn Văn Vinh chia sẻ:

“Để một tổ chức nói chung và phòng Giáo dục và Đào tạo nói riêng hoạt động một cách hiệu quả cần phải có sự phối kết hợp của rất nhiều yếu tố và nhân tố.

Hiện nay nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn đang vận dụng nhiều cách khác nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng và của Ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, ngoài những việc hiện nay các Phòng vẫn đang thực hiện, cần đặt trọng tâm vào 4 yếu tố sau:

Một là số lượng người làm việc: biên chế của một số phòng giáo dục rất “mỏng” so với công việc phải đảm nhận.

Hơn thế nữa giáo dục là một ngành đặc thù, đặc biệt và là duy nhất vì sản phẩm đầu ra của ngành là con người, là cả một thế hệ mới.

Vì vậy việc bổ sung nhân sự đầy đủ là yếu tố cơ bản để Phòng Giáo dục và Đào tạo hoạt động hiệu quả.

Hai là chất lượng nhân sự tại Phòng Giáo dục và Đào tạo: Số lượng đủ ở các Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ là yếu tố cơ bản và cũng chỉ dừng lại ở mức độ “số lượng”.

Vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động, chúng ta cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của từng vị trí nhân sự của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Phòng Giáo dục và Đào tạo phải tuyển chọn những người thật sự có năng lực và tâm huyết, phải dám nghĩ dám làm và sáng tạo chứ không phải là những cán bộ chỉ biết chờ để thực hiện văn bản chỉ đạo của cấp trên, hay tệ hơn là “không biết việc để làm” mà lại ngại khó, ngại khổ, sợ sai, chờ chỉ đạo.

Trong giai đoạn hiện nay, nhân sự ở Phòng Giáo dục và Đào tạo phải sử dụng thành thạo máy vi tính, các phần mềm quản lý, biết sử dụng ngoại ngữ.

Mỗi nhân sự ở Phòng phải thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau, nếu không dù bao nhiêu cũng cứ thấy “mỏng”, thấy thiếu.

Ba là, việc triển khai văn bản chỉ đạo đến cơ sở:

Thực trạng hiện nay là các Phòng Giáo dục và Đào tạo phải triển khai rất nhiều các văn bản mỗi ngày, văn bản chồng chéo văn bản, các văn bản trên đều phải triển khai chỉ đạo cơ sở, nên mới có chuyện mỗi năm phát hành gần 1.300 văn bản.

Phòng Giáo dục và Đào tạo muốn "nhẹ việc" cần thống nhất chỉ triển khai văn bản chỉ đạo chuyên môn, còn các loại văn bản trùng lặp nội dung như chống bão... cơ sở thực hiện theo chỉ đạo địa phương.

Bốn là sự giám sát, thi đua - khen thưởng cần kịp thời, minh bạch.

Thực trạng hiện nay ở một số địa phương là văn bản phát hành nhiều nhưng chưa có sự giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo đó ở các cơ sở giáo dục một các đúng mực.

Dẫn đến không có tính răn đe và cũng không có tính động viên, khó nhân rộng được điển hình tiên tiến.

Vì vậy những đơn vị làm tốt cũng như các đơn vị làm bình bình. Đáng nói, có những đơn vị làm tốt, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ các hoạt động giáo dục của nhà trường thì cuối năm sẽ bị cán bộ viên chức và người lao động có cái nhìn “không vui” với lãnh đạo trường vì tiền tăng thu nhập cuối năm còn lại ít. (đây là khoản tiền hoạt động được giao và tiết kiệm lại được sau mỗi năm sẽ chia cho người lao động).

Tuy nhiên một số trường ngại khó, ít hoạt động thì số kinh phí cuối năm còn lại tương đối nhiều vậy là “ai cũng vui”.

Lúc này đối với các đơn vị như vậy thì thủ trưởng đơn vị “cả năm ngồi mát, cuối năm ăn bát vàng”, nghĩa là cuối năm tăng thu nhập cao vừa được tiền, vừa được tiếng “liêm khiết”, vừa được phiếu tín nhiệm cao.

Ngược lại, những đơn vị hoạt động nhiều, học sinh được hưởng lợi thật sự, tiền tăng thu nhập có thể sẽ ít hơn, giáo viên không vui, hiệu trưởng còn mang tiếng “ăn” nhiều.

Vì vậy Phòng Giáo dục cần giám sát, thi đua - khen thưởng kịp thời, minh bạch cũng là giải pháp để các trường hoạt động vì giáo dục, vì học sinh.

Năm là chế độ đãi ngộ, làm việc ở Phòng Giáo dục có nghĩa là không còn trực tiếp đứng lớp, mất phụ cấp ưu đãi, thu nhập giảm hẳn so với làm ở trường.

Vì vậy, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với giáo viên khi chuyển lên làm việc ở Phòng Giáo dục, ít nhất là bằng với chế độ khi họ công tác tại trường.

Sáu là, thực hiện chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục nhanh chóng, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý.

Khi các cơ sở giáo dục đã số hóa, Phòng Giáo dục sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ cần kích chuột là nắm bắt toàn bộ số liệu, giảm báo cáo cho cơ sở.

Bảy là, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Kế hoạch giáo dục của trường, của Phòng Giáo dục, đã duyệt, đã ban hành từ đầu năm, các trường cứ thực hiện, Phòng Giáo dục không nên can thiệp, chỉ đạo, giảm ban hành văn bản.

Tám là, phải trẻ hóa nhân lực ở Phòng Giáo dục.

Thực tế hiện nay ở một số Phòng Giáo dục không ít nhân sự ngồi “chờ hưu”, hoặc là nơi "tráng men" nhân sự. Đặc biệt, tuyệt đối không đưa hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bị kỷ luật lên Phòng Giáo dục làm việc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến