Phóng viên giáo dục – Vì đến mà yêu!

21/06/2021 06:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi nhớ nhất là chuyến đi tới một số trường học ở miền Trung vào tháng 9/2017 khi Quảng Bình, Hà Tĩnh vừa trải qua cơn siêu bão.

Cách đây tròn 6 năm khi được nhận vào Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) để học việc, dù đã được đào tạo bài bản, nhiệt huyết nghề báo được hun đúc trong giảng đường đại học nhưng khi đó mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ, từ việc tìm nhân vật, thầy cô, chuyên gia để phỏng vấn, thu thập thông tin và viết bài. Tất cả đều là những trải nghiệm quý giá.

Thời điểm tôi vào làm, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đi vào phân khúc sâu, thị trường ngách về giáo dục chứ không còn đa mảng như trước.

Mới ra trường, để viết sâu, đi vào các vấn đề chi tiết của sự kiện về giáo dục là điều không dễ dàng, vì vậy, tòa soạn tạo điều kiện cho tôi được học nghề bằng cách đọc morat bài của các chuyên gia gửi tới Báo, cùng với đó là tham gia các sự kiện giáo dục quy mô nhỏ.

Đội ngũ chuyên gia của Báo là cô giáo tiểu học với 30 năm giảng dạy hay các thầy giáo trung học với hơn chục năm trong nghề, là các cựu lãnh đạo vụ, cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng trường đại học. Họ dù đã ở độ tuổi 70, 80 nhưng luôn đau đáu với giáo dục. Các thầy cô vẫn dành tâm huyết mỗi ngày nghiên cứu về giáo dục….Thậm chí đó là những Việt kiều gửi thông tin về chính sách giáo dục ở nước họ đang sinh sống về báo để đóng góp thêm tiếng nói phát triển nền giáo dục nước nhà.

Phóng viên Thùy Linh công tác tại Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tròn 6 năm, kể từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay.

Phóng viên Thùy Linh công tác tại Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tròn 6 năm, kể từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay.

Ngày ngày đọc bài, chỗ nào chưa hiểu thì lên Google tìm kiếm, hỏi đồng nghiệp hoặc trao đổi trực tiếp với tác giả, như cái cây được vun đắp mỗi ngày giúp kiến thức về lĩnh vực giáo dục từ phổ thông đến đại học của tôi ngày càng rõ, rộng và sâu hơn.

Sau 1 năm, tôi nhận thấy nếu kiến thức không được viết ra gắn với những sự kiện thời sự, vấn đề cụ thể thì sẽ chỉ là lý thuyết. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2016, tôi đề xuất với tòa soạn cho tham gia đưa tin, viết bài.

Từ đó được tiếp xúc nhiều, được hiểu về nghề báo, tôi nhận thấy rằng nghề đã mang lại cho tôi nhiều đặc ân, được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và có những hành trình trải nghiệm không thể nào quên.

Tôi nhớ nhất là chuyến đi tới một số trường học ở miền Trung vào tháng 9/2017 khi Quảng Bình, Hà Tĩnh vừa trải qua cơn siêu bão. Trước khi đi, tôi đắn đo vì bản thân rất say xe. Nhưng sau cùng tôi quyết định đi vì muốn trải nghiệm và khám phá vùng đất nổi tiếng gian khó nhưng học trò hiếu học.

Cả chặng đường trong tình trạng lâng lâng vì say xe, đến Thanh Hóa đoàn dừng xe để ăn tối, thời điểm đó tôi vật vã đến mức các anh chị trong đoàn bảo rằng: “Hay giờ bắt xe cho em quay về Hà Nội”. Đứng giữa sự lựa chọn về Hà Nội hay tiếp tục đi. Tôi chọn đi tiếp.

Là người con của miền quê Vĩnh Phúc, nơi ít khi có bão lũ nên tôi chia sẻ với khó khăn của bà con miền Trung. Dù cơn bão đã đi qua 5 ngày nhưng tôi cũng hình dung ra được sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão. Những điều đọng lại trong tôi đến giờ chính là những ký ức đẹp đẽ về hình ảnh của học sinh và thầy cô giáo nơi khúc ruột miền Trung thân yêu.

Đến Quảng Bình đúng 1h sáng, 6h dậy để chuẩn bị cùng đoàn đến thăm các trường chịu ảnh hưởng nhất của bão là Trường Mầm non Quảng Phú, Trường Tiểu học số 2 Quảng Phú và Trường Trung học phổ thông Quang Trung.

Chứng kiến cảnh mái nhà lớp học bị tốc mái, cửa kính bị vỡ, cây xanh đổ, phòng học bị sập hoàn toàn, bàn ghế hư hại hết, cả sân trường chìm trong cảnh cây gãy đổ, ngói đỏ vỡ tan tành, thầy cô và phụ huynh người cái chổi, người cái xô cào đất cùng nhau dọn dẹp. Dù nhà cửa cũng bị bão làm cho tan hoang nhưng mọi người đều gác việc nhà, cùng nhau sửa chữa lại trường để học trò được tới lớp theo kịp chương trình học.

Di chuyển đến khu nội trú của giáo viên, bước vào căn phòng là cảnh mái chưa kịp lợp ngói, vôi vữa còn ngổn ngang dù đã qua 5 ngày khắc phục.

Được biết khi bão về, toàn bộ giáo viên nội trú được thông báo lên phòng học kiên cố nhất của trường để trú bão. Bão qua, mưa tạnh, trở về căn phòng mọi thứ đã tan hoang. Ti vi, máy tính, tài liệu, giáo án…đều bị hư hỏng. Lúc đó căn phòng chỉ còn lại 4 bức tường và một đống đổ nát.

Trước cảnh tượng đó, việc làm đầu tiên của giáo viên là chạy tới mang sách vở, bài kiểm tra của học trò ra phơi bởi thầy cô hiểu rằng, mọi thứ đổ nát có thể dọn dẹp sau nhưng bài kiểm tra của học trò nếu không phơi mau thì sẽ bị nhòe và nát hết.

Trong khu nội trú của giáo viên có các em nhỏ, có em chỉ 3-4 tuổi, sau cơn bão mọi thứ tích trữ dường như đã hết, thời điểm đó chứng kiến cảnh mỗi em nhỏ miệng đang nhai, tay đang cầm 1-2 miếng khoai dẻo – thứ đặc sản của Quảng Bình nhưng thú thật đang ở độ tuổi thanh niên mà tôi nhai không nổi. Chứng kiến và trải nghiệm những điều này, tôi thấy thương các em nhỏ, thương thầy cô, cảm phục con người miền Trung biết bao.

Phóng viên Thùy Linh trong một lần tác nghiệp ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phóng viên Thùy Linh trong một lần tác nghiệp ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau bão là cái nắng miền Trung như thiêu như đốt. Xong việc ở Quảng Bình, đoàn chúng tôi đến trường Tiểu học Kỳ Thịnh 2, Trung học phổ thông Kỳ Anh (Thị xã Kỳ Anh) và Mầm non Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh) của Hà Tĩnh.

Do ảnh hưởng của bão nên hệ thống điện trên địa bàn chưa khắc phục xong, trường mầm non không có điện, mỗi lớp học 1 giáo viên dạy, 1 giáo viên đứng quạt cho học trò.

Những hình ảnh thầy – trò, người dân nơi đây khiến tôi đi từ cảm phục đến khâm phục sự cố gắng, vượt lên hoàn cảnh của con người miền Trung và rồi những chuyến đi như vậy giúp tôi mở mang thêm hiểu biết, thêm yêu, hiểu nghề giáo, về lĩnh vực giáo dục và gây dựng cho mình những mối quan hệ thân thiết với thầy cô, chuyên gia.

Sự cố gắng ấy cứ tích lũy dần, năm 2017, tôi được tòa soạn phân công theo dõi và đưa tin, phản ánh các hoạt động của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Là một phóng viên trẻ tại một tòa soạn hàng đầu về thông tin giáo dục và được giao nhiệm vụ này thì hết sức cao cả, niềm vinh dự lớn nhưng cũng không ít áp lực bởi đòi hỏi từng bài viết phải có độ chuyên sâu, chứ không chỉ đưa tin đơn thuần.

Khi được phân công tôi cảm thấy hơi lo lắng. Nhưng sau những lần được định hướng từ lãnh đạo, bản thân tự học hỏi, dần dần trưởng thành hơn và có tôi của ngày hôm nay tự tin trao đổi khi gặp gỡ chuyên gia kỳ cựu trong ngành giáo dục hay Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Bộ, Sở, hiệu trưởng trường đại học, phổ thông và thầy cô ở những bộ môn khác nhau trên cả nước để có nhiều bài viết đóng góp trong xây dựng chính sách, giám sát thực thi chính sách, phản ánh hơi thở đời sống của lĩnh vực giáo dục, đưa những giải pháp, sáng kiến hay, gương tốt, cách làm tiêu biểu của thầy trò đến với độc giả.

Đồng thời, tôi luôn cố gắng để trở thành cầu nối giữa Báo với Bộ; Bộ với Hiệp hội góp phần phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan được nhịp nhàng, nhanh hơn, giải quyết được những các vấn đề còn các ý kiến khác nhau.

Đặc biệt, tôi truyền tải nhiều bài viết, góc nhìn để đưa những chủ trương của Hiệp hội đến gần hơn với độc giả tạo dư luận tốt, hiệu ứng tốt góp phần xây dựng vị thế của Hiệp hội.

Một số chủ trương của Hiệp hội mà tôi được vinh dự tham gia có dấu ấn đó là vấn đề về tự chủ đại học, tuyển sinh đại học – cao đẳng, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xây dựng tham gia đóng góp ý kiến về xây dựng Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục đại học 2018 đặc biệt là vấn đề Hội đồng trường, vấn đề dạy học từ xa thời COVID-19 và gần đây là kiến nghị chuyển quản lý nhà nước bậc cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với những nỗ lực của bản thân cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện của Tòa soạn, năm 2020 tại Đại hội lần thứ II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tôi vinh dự được tặng Bằng khen đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao và có nhiều đóng góp trong xây dựng Hiệp hội vững mạnh.

Với nhiều người “vì yêu mà đến” nhưng bản thân tôi là “vì đến mà yêu” nghề phóng viên theo mảng giáo dục.

Nghề báo là công việc của những người “không bao giờ biết mệt”, do tính chất công việc nên ít được nghỉ ngơi mà phải luôn sẵn sàng để kịp thời đưa thông tin chính xác đến độc giả nên để “trụ” được với nghề, ngoài lòng đam mê, những nhà báo nữ như chúng tôi phải giải quyết tốt áp lực giữa công việc và gia đình. Nhưng tất cả cái mà nhà báo nhận được đó là tình yêu đến từ độc giả, những tin tưởng của thầy cô gửi gắm cho mình trong những trang viết.

Thùy Linh