Phụ huynh, học sinh thấp thỏm chờ thông tin về môn thi thứ 3 vào lớp 10

11/12/2024 11:45
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cho tới nay, đã gần hết học kỳ 1 nhưng môn thi thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại thành phố vẫn chưa công bố, khiến phụ huynh học sinh thấp thỏm.

Năm nay là năm học đầu tiên, các học sinh lớp 9 lên 10 sẽ thi tuyển sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ tính ổn định, với 3 môn thi là Ngữ văn – Toán và Ngoại ngữ, trong đó phần lớn các em học sinh chọn môn Ngoại ngữ là tiếng Anh.

Tuy nhiên, sau khi bỏ đề xuất bốc thăm môn thi, thì dự thảo quy chế tuyển sinh trung học cơ sở - trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn thi thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được thay đổi theo từng năm, được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Thêm áp lực học tập

Việc đến tháng 3/2025 mới công bố môn thi thứ 3 khiến cho nhiều học sinh, phụ huynh thấp thỏm, lo lắng, do quá bị động, từ thời gian này trở đi, các em sẽ còn rất ít thời gian để ôn, vì kỳ thi này thường sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 hàng năm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (nhà ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, từ hè trước khi bước vào năm học lớp 9, chị đã cho con đi học thêm 3 môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh.

“Hàng năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh luôn có tỷ lệ chọi rất cao, tính cạnh tranh gay gắt, nên tôi phải đầu tư việc học cho con từ rất sớm mới mong có được một chỗ vào học ở trường công như mong muốn của con” – chị Minh Nguyệt nói.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo nói rằng, môn thi thứ 3 của kỳ thi này chỉ công bố trước ngày 31/3 hàng năm, do địa phương chọn thì chị Minh Nguyệt cảm thấy rất lo lắng.

gdvn_HSTHCSVanDon.jpg
Học sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4 trong giờ học (ảnh: V.D)

Theo chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, thời gian công bố môn thi thứ 3 như vậy là quá trễ, làm sao học sinh có thể lên kế hoạch ôn tập cho thật tốt.

“Chị Minh Nguyệt nêu mong muốn: “Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể chốt môn thi lớp 10 sớm hơn, có thể trong năm 2024 để học sinh có thể yên tâm học. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nên tạo điều kiện cho học sinh thi môn tiếng Anh”.

Một số học sinh lớp 9 khi được phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hỏi đều có cùng mong muốn, môn thi thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 của thành phố sẽ là môn tiếng Anh.

“Là lứa học sinh học và thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nên em luôn mong rằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố vẫn giữ tính ổn định như mọi năm, chứ nếu môn thứ 3 thay đổi theo dự thảo của Bộ sẽ tạo thành áp lực rất lớn cho học sinh” – Thu Nguyên, học sinh lớp 9 của Trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, Quận 1 bày tỏ.

Dưới góc độ của nhà quản lý trường học, cô Lê Thị Thùy – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4 nói rằng, ở thành phố thì tốt nhất môn thi thứ 3 tuyển sinh vào lớp 10 nên là môn tiếng Anh.

Cô Lê Thị Thùy lý giải: “Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thì việc đẩy mạnh môn này là thật sự cần thiết”.

Theo cô Lê Thị Thùy, việc lựa chọn môn thi thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên dựa vào định hướng phát triển của từng địa phương. Đối với một thành phố năng động, sáng tạo, hội nhập và phát triển nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh thì tiếng Anh luôn là một ngôn ngữ rất quan trọng.

Cũng theo cô Lê Thị Thùy, việc giảng dạy, đáp ứng các yêu cầu cần đạt khác với việc thi tuyển sinh vào lớp 10, mỗi học sinh sẽ có một khả năng riêng và khi lên bậc trung học phổ thông, học sinh sẽ lựa chọn các tổ hợp căn cứ vào định hướng phát triển nghề nghiệp sau này, nên khi thi tuyển sinh vào lớp 10 không cần thiết phải bắt học sinh phát triển năng lực như nhau ở tất cả các bộ môn.

gdvn_lop9.jpg
Học sinh mong được công bố môn thi thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sớm hơn so với dự kiến (ảnh minh họa: V.D)

Cuối cùng, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Vân Đồn Lê Thị Thùy nhấn mạnh: “Đầu tư cho con thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập là việc làm dài hơi, nên việc chỉ thông báo môn thi thứ 3 trước ngày 31/3 hàng năm sẽ ít nhiều gây áp lực, khó khăn cho cả phụ huynh và học sinh”.

Thành phố Hồ Chí Minh kiên định giữ môn tiếng Anh là môn thi thứ 3

Ngày 9/12, tại phiên thảo luận ở tổ trong kỳ họp thứ 20 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vẫn tiếp tục kiên trì, kiên định tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thi vào lớp 10 môn tiếng Anh cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành phố tự quyết định”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu giải thích, trong tất cả các môn học, chỉ có tiếng Anh là Chính phủ đã hai lần có đề án vào các năm 2008, 2018 với trọng tâm là đây không phải chỉ là môn học, mà còn là ngôn ngữ. Bộ Chính trị cũng vừa ban hành kết luận việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, nếu thành phố không có quyết định, quyết sách đúng thì việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường chắc chắn sẽ không được đầu tư.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, khi học sinh đã học xong lớp 9, tức là đã có nền kiến thức cơ bản ở tất cả các môn, nên phụ huynh không cần phải quá lo lắng, đặt nặng việc học tất cả các môn để chờ quy chế thi chính thức được ban hành, lựa chọn thi môn nào, sẽ gây áp lực cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân Huỳnh Thanh Phú nêu quan điểm: “Việc không ổn định môn thi tuyển sinh vào lớp 10 có thể tạo sự căng thẳng cho học sinh, gây khó khăn cho các em trong việc lập kế hoạch học tập dài hạn, nhất là đối với các em cần có nhiều thời gian chuẩn bị các môn thi mà mình học chưa giỏi".

Thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất, các địa phương cần có kế hoạch thông báo sớm môn thi thứ 3, nhằm hỗ trợ cho giáo viên và nhà trường điều chỉnh chương trình dạy học cho phù hợp.

Đồng thời cũng cần có các biện pháp hỗ trợ về mặt tâm lý và học tập cho học sinh, để các em có thể thích nghi hơn với sự thay đổi này.

Việt Dũng