Phụ huynh THCS Quỳnh Tân “tố” trường om hiện vật "Sóng và máy tính cho em"

22/08/2022 06:32
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Theo kế hoạch và chủ trương chung, sẽ để cho các em mượn học trong điều kiện dịch bệnh xảy ra, chứ không phải em nào cũng được mượn", thầy Sơn nói.

Gửi phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu (Nghệ An) bức xúc cho biết, đến nay nhà trường vẫn chưa trao tặng hiện vật là máy tính bảng của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” dù đã có danh sách từ trước.

Theo phụ huynh, vào tháng 5/2022, họ biết được thông tin về việc trường này được phân bổ một số lượng máy tính bảng để phát tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là số máy tính bảng để hỗ trợ cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của năm học 2021-2022 của chương trình này.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, tất cả các học sinh trong trường nằm trong danh sách vẫn chưa em nào được nhận.

Danh sách của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho thấy, Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân được nhận nguồn kinh phí hỗ trợ là 80 triệu đồng. Ảnh: CTV

Danh sách của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho thấy, Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân được nhận nguồn kinh phí hỗ trợ là 80 triệu đồng. Ảnh: CTV

Một số phụ huynh có con trong danh sách nói trên lên thắc mắc với Hiệu trưởng thì được trả lời rằng, nhà trường đang làm theo chủ trương của cấp trên.

“Thầy Hiệu trưởng nói, đây là chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, số máy nhận được nhà trường sẽ bảo quản, khi nào xảy ra tình huống phải học trực tuyến sẽ cho học sinh mượn, nhưng sau đó các em phải trả lại máy cho nhà trường.

Quá bất ngờ nên chúng tôi đã gọi điện hỏi Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về việc này. Sở cũng cho biết, số máy tính bảng đó là trao tặng cho học sinh sử dụng. Bây giờ Hiệu trưởng trả lời như vậy chúng tôi cũng không biết làm thế nào.

Về việc này chúng tôi còn được biết thêm, trong danh sách hỗ trợ được Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An tổng hợp và gửi cho các trường, con số kinh phí hỗ trợ cho Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân là 80 triệu đồng.

Nếu nhà trường thực hiện theo những chủ trương tốt đẹp của Chương trình "Sóng và máy tính cho em" thì có thể những học sinh còn theo học tại trường tới đây sẽ nhận được hiện vật của chương trình.

Nhưng với những em học lớp 9 vừa rồi, các em hiện đã ra trường thì số lượng máy đó nhà trường sẽ xử lý như thế nào. Những em như vậy có phải là đang chịu thiệt thòi và mất quyền lợi vì cách làm của nhà trường hay không”, một phụ huynh bức xúc cho biết.

Trao đổi với phóng viên về việc này, chị Trần Thị Loan – Hội phó Hội phụ huynh trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân xác nhận, có sự việc như phụ huynh phản ánh.

Chị Loan thông tin thêm: “Sau khi có quyết định được hỗ trợ từ cấp trên, Ban Giám hiệu có thông báo để giáo viên chủ nhiệm phối hợp với Hội phụ huynh chọn ra những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để trao tặng máy. Mỗi lớp được chọn ra từ 1 đến 2 cháu để nhà trường lập danh sách gửi lên trên.

Đại diện nhà trường cũng nói với Hội phụ huynh là lập danh sách để có số lượng thống kê và nhận máy tính bảng về.

Còn số máy tính bảng này là do nhà trường quản lý, trong trường hợp các em phải học trực tuyến thì những học sinh có trong danh sách mới được mượn, xong xuôi rồi phải trả lại cho nhà trường”.

Vị Hội phó phụ huynh Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân cho biết thêm, sau khi nhiều phụ huynh thắc mắc, chị cũng đã lên gặp cán bộ phụ trách trang thiết bị của nhà trường để hỏi.

Cán bộ nhà trường cho biết, trong đợt nhận hỗ trợ vừa rồi nhà trường đã nhận về 32 máy tính bảng và đang được bảo quản tại kho của trường.

Theo chị Loan, sau khi biết được Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân nhận về 32 chiếc máy tính bảng, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc về việc, trong danh sách của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An gửi về trường này chỉ ghi cột “nguồn kinh phí được hỗ trợ” là 80 triệu đồng, tại sao giờ lại trở thành hiện vật hết như vậy.

Để có thêm những thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ với thầy Lê Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân. Thầy Sơn xác nhận rằng, số máy tính bảng nhà trường đã nhận về nhưng vẫn chưa trao lại cho học sinh.

Lý giải nguyên nhân của việc này, thầy Sơn cho hay: “Về nội dung này, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo, máy tính bảng chỉ phục vụ cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh xảy ra, nhưng lúc nhà trường nhận máy về thì các em đã đi học tập trung hết.

Hơn nữa, lúc nhà trường nhận máy về là vào tháng 5/2022, thời điểm đó cũng gần với thời gian nghỉ hè nên nhà trường chưa kịp phát.

Thầy Sơn cũng nhấn mạnh: "Đây là chủ trương chung khi triển khai như vậy”.

Thầy Sơn cho biết, trường đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh lưu quán triệt việc nhận máy tính bảng về bảo quản tại trường, chỉ cho học sinh mượn học khi học trực tuyến chứ không phát tặng cho học sinh.

Về phương án xử lý với số máy tính bảng nói trên trong thời gian sắp tới, thầy Sơn cho biết, tạm thời nhà trường sẽ phải “nghiệm thu”. Sang đầu năm học 2022-2023 mới tính đến phương án giải quyết như thế nào.

“Nghiệm thu ở đây là về cấu hình, số lượng và tất tần tật những cái có liên quan đến số máy tính bảng đó”, thầy Sơn nói.

Trả lời về thắc mắc của phụ huynh, số tiền 80 triệu đồng hỗ trợ cho nhà trường là bằng hiện vật hay nhà trường nhận tiền mặt, thầy Sơn cho hay: “Khi trường nhận về đã là 32 chiếc máy tính bảng, và có hợp đồng cung ứng.

Nhà trường chỉ việc nhận, ký và thanh toán chứ không phải nhà trường trực tiếp đi mua”.

Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu (Nghệ An), Ảnh: CTV
Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu (Nghệ An), Ảnh: CTV

Đáng nói, khi phóng viên đề cập đến số học sinh trong trường được nhận máy tính bảng theo danh sách các lớp gửi về cho trường, thầy Sơn cho biết, hiện số lượng máy tính bảng nhà trường đã được nhận đang ít hơn so với danh sách học sinh do nhà trường gửi lên.

“Chương trình này cũng đang gây khó khăn cho phía nhà trường vì có em được nhận có em không.

Vì thế, sắp tới, nhà trường có kế hoạch cùng với chỉ đạo chung là sẽ nghiệm thu máy. Sau đó sẽ để cho các em học trong điều kiện dịch bệnh xảy ra, chứ không phải em nào cũng được mượn.

Nó là một thiết bị hỗ trợ học tập nên học sinh chỉ được sử dụng trong điều kiện cần thiết, còn nếu không phải học trực tuyến thì nhà trường có trách nhiệm bảo quản chặt chẽ số lượng máy tính bảng nói trên.

Trước đó, chúng tôi cũng phải làm nhiều thủ tục để nhập kho để bảo quản cho chặt chẽ chứ không thể “thả trôi” như vậy được”, thầy Sơn cho hay.

Trung Dũng