PTT Vũ Đức Đam nói về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

29/12/2013 06:40
Xuân Trung
(GDVN) - “Muốn làm gì phải biết nói, phải đọc Công ước luật biển, vấn đề chủ quyền biển đảo để hiểu đúng vấn đề, hành xử cho đúng. Ứng xử đúng thì quyền lợi được đảm bảo”

Buổi đối thoại trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với các bạn trẻ chiều qua (28/12) diễn ra trong không khí gần gũi, cởi mở.

Bản thiết kế của Phó Thủ tướng

Chia sẻ với các bạn trẻ là học sinh, sinh viên Việt Nam trên mọi miền đất nước về khát vọng của con người Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không thể nói dân tộc Việt Nam anh hùng, con người Việt Nam thông minh mà đất nước lại nghèo được, do đó các bạn trẻ phải học tập tốt, xây dựng đất nước của mình thành nước giàu mạnh như các nước phát triển.

Bạn Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội sinh viên tỉnh Bắc Ninh đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng rằng, ước mơ, hoài bão thuở thanh niên của Phó Thủ tướng như thế nào? 

Để trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngẫm về quá khứ. Trước kia khi thi đại học xong Phó Thủ tướng được triệu tập đi học nước ngoài, lúc đó trong người chỉ đúng 2 bộ quần áo. Sống trong nước thiếu thốn đủ bề, sang nước ngoài học tập với điều kiện đầy đủ, trong 3 tháng đầu Phó Thủ tướng nói vui là tăng được 20kg, từ tháng thứ 3 trở đi bắt đầu khát khao và tự hỏi bao giờ cho bố mẹ mình ở quê mới được như thế này. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại trực tiếp với thanh niên Việt Nam với không khí gần gũi và cởi mở. Ảnh Xuân Trung
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại trực tiếp với thanh niên Việt Nam với không khí gần gũi và cởi mở. Ảnh Xuân Trung

Phó Thủ tướng chia sẻ, thời đi học tại nước ngoài, khi về nước ông mang rất nhiều sách, nhưng trong đó có một thứ rất quý là bản thiết kế nhà vệ sinh tự hoại. Đối với nước ngoài đó là điều bình thường, nhưng ở nước ta thời đó vệ sinh tự hoại là điều xa xỉ.

“Lúc đầu tôi về làm kỹ thuật, giao cho quản lý khoa học, sau đó làm đối ngoại... Tổ chức phân công đi đâu thì làm đấy và làm việc gì cũng hết sức. Không thể nói dân tộc mình anh hùng, con người mình thông minh mà nước vẫn nghèo. Chúng ta là người trong cuộc, tôi làm tốt công việc của mình, các bạn là sinh viên hãy làm tốt công việc của sinh viên” Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Cho tới bây giờ khi nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng, thế giới đánh giá Việt Nam là “con rồng nhỏ” của Châu Á. Những năm qua, đặc biệt là năm 2013 nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhiều câu hỏi bày tỏ Phó Thủ tướng chia sẻ điều khó khăn đó ảnh hưởng tới sinh viên Việt Nam như thế nào?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay nhiều nước đang vật lộn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế phát triển như Châu Âu cũng đang khó khăn, Việt Nam nằm trong những khó khăn chung đó. 

“Chúng ta từ nền kinh tế tập trung, đã dần chuyển sang cơ chế thị trường, còn 1 số vấn đề cần làm riết ráo hơn nữa. Mình phải tái cơ cấu nền kinh tế, trước đây phần lớn là doanh nghiệp nhà nước, hiện nay chỉ giữ những doanh nghiệp thật sự thiết yếu, còn lại phải cổ phần hóa. Việc này đã làm trong 1 số năm. Tóm lại tình hình đã tốt lên, tuy vẫn còn khó khăn, và hiện đang cố gắng giải quyết những khó khăn từ nhiều năm trước để lại để mọi người tham gia phát triển kinh tế”. Phó Thủ tướng chia sẻ.

Đất nước Việt Nam phải do người Việt Nam xây dựng

Trước thực trạng “chảy máu” chất xám của thanh niên hiện nay, nhiều thanh niên khi học tập ở thành phố hay nước ngoài thường ở lại nơi đó làm việc, phần lớn không về địa phương cống hiến. Chính phủ có giải pháp gì?

Phó Thủ tướng cho rằng, đất nước Việt Nam phải do người Việt Nam xây dựng, không trông chờ vào bên ngoài. Ảnh Xuân Trung
Phó Thủ tướng cho rằng, đất nước Việt Nam phải do người Việt Nam xây dựng, không trông chờ vào bên ngoài. Ảnh Xuân Trung

Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề này cần phải được xem cởi mở hơn, nhà nước đã có những chính sách ưu tiên đưa tri thức về vùng quê làm việc. Bản thân Phó Thủ tướng cũng là người đi học tại nước ngoài nhiều năm, học xong về quê hương làm việc, đó chính là lòng quyết tâm và hoài bão của mình cho đất nước. 

“Vì suy nghĩ, đất nước Việt Nam phải được chính người Việt Nam xây dựng. Nhưng không máy móc, là người Việt Nam sinh sống ở đâu cũng phải có trách nhiệm xây dựng đất nước. Với những người đi học nước ngoài cũng không máy móc học xong phải về nước, nếu ở nước ngoài có cơ hội tốt, thu nhập cao hơn để có thể gửi về xây dựng quê hương là điều đáng quý. Xây dựng bảo vệ đất nước thì có nhiều cách”. Phó Thủ tướng cho hay.

Để tham gia hội nhập vào cộng đồng quốc tế, và trực tiếp là cộng đồng chung Asean, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, hãy cố học thêm ngoại ngữ, trau dồi thêm kiến thức ngoài việc học chuyên môn. Nhìn ra thế giới thanh niên Việt Nam hơn nhất là có đoàn thể, có các hoạt động tích cực.

“Chúng ta sẵn sàng cho Việt Nam hội nhập thế giới. Các bạn trẻ đã là công dân toàn cầu, sắp tới phải là công dân toàn cầu thực sự”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Chủ quyền là điều rất thiêng liêng

Nhiều bạn trẻ băn khoăn rằng, bên cạnh việc học tập chuyên môn thì muốn quan tâm với đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhưng các em chưa biết bắt đầu từ đâu. Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam chia sẻ, trước hết phải học thật giỏi, không những có kiến thức, kỹ năng sống, ngoại ngữ mà còn quan tâm tới vận mệnh dân tộc, tới chủ quyền thiêng liêng của đất nước. 

Phó Chủ tướng nhắn nhủ, thanh niên Việt Nam phải chủ động sáng tạo, phải cố học thêm một ngoại ngữ để hội nhập sâu, rộng hơn với quốc tế. Ảnh Xuân Trung
Phó Chủ tướng nhắn nhủ, thanh niên Việt Nam phải chủ động sáng tạo, phải cố học thêm một ngoại ngữ để hội nhập sâu, rộng hơn với quốc tế. Ảnh Xuân Trung

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, với thời đại văn minh này phải dựa trên luật pháp quốc tế, trên tinh thần chủ động, hòa bình, không dùng vũ lực, không đe dọa bằng vũ lực, dựa vào các Quy tắc ứng xử và Công ước Luật biển 1982 để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ đất nước.

“Muốn làm gì phải biết nói, phải đọc Công ước luật biển, vấn đề chủ quyền biển đảo để hiểu đúng vấn đề, hành xử cho đúng. Ứng xử đúng thì quyền lợi được đảm bảo”. Phó Thủ tướng cho hay.

Qua đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương nhanh chóng công bố cuốn 100 câu hỏi về biển đảo lên Website của Chính phủ, tạo điều kiện cho mọi người được đọc, tiếp cận, nhất là thanh niên, đó là điều đặc biệt thiết thực.

Câu chuyện con gà, quả trứng

Bí thư tỉnh đoàn Phú Yên Bùi Văn Toàn nêu thực trạng thanh niên trên địa bàn tỉnh, vấn đề giáo dục phổ thông dường như không có điều gì đáng nói, nhưng càng lên cao, nhất là đại học lại hết sức nan giải. Cụ thể, tại tỉnh Phú Yên, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không xin được việc làm, sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, loại khá, thậm chí là giỏi không có việc làm cũng được xem là bình thường, nhưng ở đây thạc sỹ cũng phải đi làm công nhân may. Lý do chủ quan đưa ra, mặc dù có chuyên môn nhưng thạc sỹ thiếu các kỹ năng làm việc.

Nghe tới câu chuyện này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ những khó khăn mà các bạn trẻ đã, đang gặp phải. Phó Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới Chính phỉ sẽ tăng cường nhiều biện pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học, trong đó có đổi mới chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, để làm sao sinh viên đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho hội nhập.

Về lý do chính thạc sỹ phải đi làm công nhân may theo Phó Thủ tướng không phải thiếu kỹ năng, mà đây là câu chuyện con gà, quả trứng. “Chúng ta muốn giải quyết được việc làm cho sinh viên ra trường và cho lao động từ nông nghiệp sang, điều đầu tiên là phải phát triển nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ, ngay như nông nghiệp cũng phải đưa khoa học vào. Có nhà máy, có công ty thì mới có chỗ làm. Nếu chúng ta có nguồn nhân lực tốt, đào tạo xong ra trường mà kỹ sư ra kỹ sư, cử nhân ra cử nhân thì đó là điều kiện hút các nhà đầu từ trong và ngoài nước” Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng phải làm sao để có đổi  mới mạnh hơn trong cơ chế quản lý kinh tế thị trường có định hướng XHCN, cơ bản là thị trường để tạo ra môi trường kinh doanh tốt cho nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó phải có khâu doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, điều này không chỉ hỗ trợ kinh phí đầu tư hay thực tập mà còn đặt ra yêu cầu nhân lực để có một định hướng./.
Xuân Trung