Putin: Phương Tây đạo đức giả khi ủng hộ Kosovo, phản đối Crimea

19/03/2014 07:29
Nguyễn Hường
(GDVN) - Putin cho biết lực lượng Nga tại Crimea đã hành động tuyệt vời để tránh đổ máu, tương phản với chiến dịch của NATO năm 1999
Ngay sau khi Hiệp ước sáp nhập Crimea và Sevastopol được ký kết, một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phương Tây đã đổ về phía Nga. 

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay lập tức lên tiếng gọi hành động của Moscow là "chiếm đất" trong chuyến thăm Ba Lan và nhấn mạnh cam kết của Washington bảo vệ an ninh của các đồng minh NATO trên biên giới với Nga.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết động thái của Nga là không thể chấp nhận đối với cộng đồng quốc tế, trong khi Anh đình chỉ hợp tác quân sự với Nga.
"Đó hoàn toàn là hành động không thể chấp nhận khi Nga sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới, trên cơ sở một cuộc trưng cầu giả tạo tổ chức dưới nòng súng Nga", Thủ tướng Anh David Cameron lên tiếng nhận xét và đe dọa Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với "những hậu quả nghiêm trọng hơn".

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng đã tham gia lên án Moscow khi cho rằng, "Nga đã bỏ qua tất cả các lời kêu gọi trở lại luật pháp quốc tế và tiếp tục sa xuống con đường nguy hiểm". "Sáp nhập Crimea là bất hợp pháp và các đồng minh NATO sẽ không công nhận điều đó".

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã kêu gọi các nước G7 nhóm họp vào cuối tuần này để bàn về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. 

Tổng thống Estonia Toomas Ilves nhắc lại lập trường rằng sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu là hoàn toàn quan trọng .

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho rằng EU sẽ không chấp nhận sự sáp nhập Crimea và Sevastopol vào Liên bang Nga.  

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng ông lên án quyết định này và Pháp không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân... hoặc sáp nhập khu vực này vao Nga.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hỗ trợ các đối tác châu Âu của mình, cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế thông qua. Có thông tin cho rằng bà Merkel hôm 18/3 đã thảo luận tình hình với ông Obama trên điện thoại về những nỗ lực để tiếp tục phối hợp đối phó với tình hình ở Ukraine.

Putin đáp trả mạnh mẽ

Putin đã đáp trả mạnh mẽ những chỉ trích của phương Tây.
Putin đã đáp trả mạnh mẽ những chỉ trích của phương Tây.
Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Nga đã chỉ trích các nước phương Tây về những gì ông gọi là đạo đức giả và nói rằng họ đã ủng hộ Kosovo có quyền tự quyết và độc lập khỏi Serbia, nhưng bây giờ lại từ chối cho Crimea các quyền tương tự.
"Bạn không thể gọi cùng một điều rằng ngày hôm nay nó đen và ngày mai nó trắng", ông Putin tuyên bố. Trong khi Putin không tìm kiếm xung đột với phương Tây thì các đối tác phương Tây đã hành xử vô trách nhiệm trong việc thúc đẩy Ukraine vượt quá giới hạn. 
Các nhà lãnh đạo mới của Ukraine, theo Putin là các phần tử phát xít chống người Nga.
Tổng thống Putin đã cố gắng để trấn an Ukraine rằng Moscow  không có ý định sáp nhập thêm bất kỳ phần đất nào khác của Ukraine, trong bối cảnh Kiev đã thể hiện nỗi sợ hãi rằng Nga Moscow có thể tiến xa hơn tới các phần khác của phía đông, nơi có nhiều người dân tộc Nga sinh sống.   
"Đừng tin những người đang cố gắng để bạn có cảm giác lo sợ trước Nga và những người hét lên rằng các khu vực khác sẽ theo sau Crimea", Putin nói. "Chúng tôi không muốn thêm một phân nào của Ukraine".
Putin cho biết lực lượng Nga tại Crimea đã hành động tuyệt vời để tránh đổ máu, tương phản với chiến dịch của NATO năm 1999 đưa vũ khí đến đánh đuổi lực lượng Serbia ra khỏi Kosovo. Quân tiếp viện đã duy trì trong giới hạn điều ước được phép hiện diện tối đa 25.000 quân trong khu vực, Tổng thống Putin nói thêm.
Nói về vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich tháng trước, Tổng thống Putin cho biết, "cái gọi là chính quyền" ở Kiev đã đánh cắp quyền lực trong một cuộc đảo chính, mở đường cho những kẻ cực đoan sẽ chẳng có được gì.
Nhà lãnh đạo Nga cũng làm rõ các quan ngại về khả năng Mỹ và NATO mở rộng liên minh quân sự tới Ukraine, khi tuyên bố rằng: "Tôi không muốn các thủy thủ NATO được chào đón tại Sevastopol".
Sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Putin dường như đang đơn độc trên trường quốc tế trong vấn đề này khi không tìm được sự ủng hộ nào tại Liên Hợp Quốc hay Liên minh châu Âu. 
Tuy nhiên, ở Crimea và Sevastopol, bài phát biểu trên của Tổng thống Putin đã được phát sóng trực tiếp và được người dân ở đây đón nhận với sự sung sướng. 
"Putin đã làm những điều trái tim chúng tôi khao khát", Natalia, một người về hưu bán đồ ăn nhẹ trong một ki-ốt ở trung tâm của Simferopol nói. "Đối với tôi, gia đình tôi, không thể có niềm vui nào lớn hơn, đối với chúng tôi đây là một điều rất thiêng liêng."/.
Nguyễn Hường