Qúa nhiều "vòng kim cô" đang bủa vây các trường đào tạo nghệ thuật

07/10/2022 06:41
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một trong những khó khăn, bất cập ở trường đào tạo nghệ thuật chính là tư duy ngược, tư duy cơ học về mặt quản lý nhân sự chứ không tư duy về học thuật.

“Vòng kim cô” của các trường đào tạo nghệ thuật

Trong khuôn khổ hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề: “Đào tạo Nghệ thuật trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay”, nhiều ý kiến cho rằng, đang tồn tại nhiều bất cập trong các trường đào tạo nghệ thuật.

Cụ thể, Phó Giáo sư Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho hay, tham dự hội thảo, ông cũng muốn nhắc đến một bất cập đã tồn tại từ rất nhiều năm mà không được giải quyết.

“Hiện nay, chúng tôi đang phân vân, rất nhiều trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, nhưng tên các môn học đều khác nhau, mỗi trường tự sáng tác, tự chuyển biến. Cho nên, khi các em sinh viên, học viên cần được công nhận để học lên bậc học cao hơn thì lại không được công nhận.

Phó Giáo sư Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đề cập đến “vòng kim cô” của các trường đào tạo nghệ thuật. (Ảnh: Mộc Trà).

Phó Giáo sư Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đề cập đến “vòng kim cô” của các trường đào tạo nghệ thuật. (Ảnh: Mộc Trà).

Chẳng hạn, ngành Thiết kế nội thất thuộc Trường Đại học Kiến trúc, khi các em học lên thạc sĩ thì lại phải học thêm chuyên đề, và ngành Thiết kế công nghiệp có nội thất lại có mã số riêng nên không thể liên thông.

Chính vì thế, cần thiết nhất là sự thống nhất về chương trình đào tạo cũng như mã ngành. Trong khi đó, hiện nay, mỗi trường theo một kiểu, mỗi trường gọi tên lại khác nhau, thậm chí có cả tên tiếng Anh, tiếng Việt dịch theo kiểu của mình...

Tất nhiên, mỗi trường có một đặc thù riêng để phát triển, để có thể sáng tạo thêm các môn học mang tính ứng dụng cho đời sống thì rất tốt, nhưng phải có một khung chung, cái khung đó phải được công nhận của khối các trường đào tạo nghệ thuật và đặc biệt là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam”.

“Có rất nhiều bất cập chồng chéo, nhưng theo tôi, bất cập lớn nhất vẫn là về mã ngành, ngay cả ngành Mỹ thuật Truyền thông đa phương tiện, chưa có mã ngành, mà đang phải "núp bóng" ngành truyền thông đa phương tiện.

Trên thực tế, mã ngành giống như một chiếc “vòng kim cô”, bắt người ta phải tuân thủ theo, nhưng đã lỗi thời rồi.

Trong khi, chỉ 5 năm nữa, nếu chúng ta ngồi ở đây, mô hình đào tạo đã thay đổi rất nhiều từ thế giới thực rồi đến thực tế ảo, thậm chí thầy không cần biết trò, thông qua bài tập, qua đánh giá, qua sự truyền thông,... đã có thể trao bằng được.

Tóm lại, mô hình đào tạo sẽ phát triển, phát triển một cách không ngờ, phát triển một cách không ngừng, nếu chúng ta cứ chỉ giậm chân tại chỗ với các mã ngành kiểu này, không chịu “cởi trói”, thì có thể còn khiến chúng ta đi giật lùi” - Phó Giáo sư Đỗ Lệnh Hùng Tú nhìn nhận.

Nghịch lý đào tạo tiến sĩ và điều kiện mở ngành

Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Trần Thanh Bình - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật Ứng dụng bày tỏ: Liên quan đến vấn đề nghịch lý về vấn đề đào tạo tiến sĩ chuyên ngành thì không có, nhưng điều kiện mở ngành lại phải đúng tiến sĩ chuyên ngành. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các trường. Tôi mong rằng, Hiệp hội không bỏ qua ý kiến này, bởi nó rất quan trọng, mở ra con đường sống còn cho ngành Mỹ thuật ứng dụng.

Thạc sĩ Trần Thanh Bình - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật Ứng dụng cho rằng, chất xám của một người có thể đứng tên ở nhiều trường. (Ảnh: Mộc Trà).

Thạc sĩ Trần Thanh Bình - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật Ứng dụng cho rằng, chất xám của một người có thể đứng tên ở nhiều trường. (Ảnh: Mộc Trà).

Ví dụ, chúng ta đang rất muốn mở ngành Đồ họa đa phương tiện, nhưng cả nước chắc chỉ có một mình Phó Giáo sư Đỗ Lệnh Hùng Tú (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) có thể đứng tên. Tại sao lại một người có vị trí như vậy, lại chỉ được đứng tên một trường? Chất xám của họ có thể đứng tên nhiều trường. Tức là, họ ở vị trí thẩm định và đảm bảo chứ không phải là ăn lương của trường đó.

Chúng ta đang tư duy ngược lại, tư duy rất cơ học về mặt quản lý nhân sự chứ không phải tư duy về học thuật...”.

Đồng quan điểm đó, Phó Giáo sư Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng phân tích: “Về yêu cầu mỗi khoa phải có 5 tiến sĩ, trong đó, 1 tiến sĩ đúng ngành và 4 tiến sĩ ngành gần, chưa kể là 5 thạc sĩ của cùng ngành. Chính vì những quy định đó, mà thực ra, các trường hiện nay đang trong một cuộc đua để săn chất xám.

Bên cạnh đó, vì Bộ Giáo dục và Đào tạo là quản lý bằng hệ thống chung, nên vị nào đã đứng tên ở trường này thì không được đứng tên trường khác. Thêm một một quy định rất kỳ lạ nữa, là ở một số nơi có rất nhiều tiến sĩ, nhiều người có thể đứng tên cho các ngành đào tạo nhưng lại không thể ký hợp đồng đào tạo. Như vậy, muốn về trường thì phải xin thôi việc... Đó là những bất cập rất lớn”.

Lắng nghe các ý kiến, Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế bày tỏ: “Ban tổ chức mong muốn các trường đại học, cao đẳng có mặt tại hội thảo có thể lắng nghe, kết nối những ý tưởng, ý kiến vừa qua để có giải pháp hữu hiệu mang tính đột phá, để giúp cho sự phát triển của cơ sở đào tạo của mình.

Bên cạnh đó, sự phát triển của giảng viên với người học có sự đổi mới, sáng tạo, phục vụ cho cộng đồng, xã hội.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Mộc Trà).

Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Mộc Trà).

Đồng thời, rất mong những ý kiến của hội thảo được Hiệp hội ghi nhận, có sự chọn lọc để sau này có thể thành những văn bản, tham mưu, tư vấn lại cho Bộ Giáo dục và Đào tạo... Bên cạnh đó, mong các Bộ ngành, Chính phủ, Nhà nước đồng hành hơn nữa cùng các ngành văn hóa nghệ thuật”

Mộc Trà