Quân cảng Á Long và mục tiêu uy hiếp các hòn đảo, quốc gia ở Biển Đông

12/12/2013 10:35
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc có khả năng chủ yếu triển khai tàu sân bay trên Biển Đông để đối phó với các nước ven Biển Đông, Nhật Bản và đòi hỏi chủ quyền...
Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh ở căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc (do dân mạng tuyên truyền)
Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh ở căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc (do dân mạng tuyên truyền)

Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ hai ở vịnh Á Long, Tam Á, đảo Hải Nam. Từ phân tích các hình ảnh vệ tinh trên Google phát hiện, trong hình ảnh nhìn thấy rõ ở vịnh này đang xây dựng cầu tàu và đê chắn sóng.

Sau này, trong một cuộc họp báo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân trả lời vấn đề này cho biết, Trung Quốc sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và nhu cầu xây dựng quốc phòng và quân đội, xem xét toàn diện vấn đề xây dựng, phát triển tàu sân bay.

Trang thông tin của Bộ Quốc phòng ngày 28 tháng 11 năm 2013 dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Dương Vũ Quân khẳng định, “một cảng ở Tam Á hiện nay đã bước đầu có điều kiện neo đậu tàu sân bay”.

Gần đây, những hình ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu sân bay ở Tam Á, Hải Nam tiếp tục được tiết lộ, các hình ảnh cho thấy, các công trình nói trên vẫn đang trong quá trình xây dựng, đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Truyền thông Trung Quốc mới đây cũng có bài viết cho rằng, nhìn vào trung và ngắn hạn, triển khai cụm chiến đấu tàu sân bay ở Biển Đông đối với TQ sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Lựa chọn tốt nhất để kiểm soát Biển Đông rộng lớn là đoạt lấy quyền kiểm soát trên không.

Máy bay chiến đấu J-15 số hiệu 554
Máy bay chiến đấu J-15 số hiệu 554

Uy hiếp tất cả các hòn đảo, quốc gia trên Biển Đông

Việc triển khai cụm chiến đấu tàu sân bay trên các vùng biển của Biển Đông sẽ giúp Hải quân Trung Quốc làm được điều này, nhất là dựa vào máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh. Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh triển khai trên Biển Đông có thể đe dọa, uy hiếp tất cả các hòn đảo trên Biển Đông, đồng thời đe dọa, uy hiếp và có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền của các nước ven Biển Đông.

Tờ “Tân Kinh báo” Trung Quốc ngày 30 tháng 11 dẫn lời chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho rằng, trong tương lai Trung Quốc sẽ không chỉ có 1 tàu sân bay, đây là xu thế phát triển. Tàu sân bay không phải chỉ có 1 căn cứ.

Chẳng hạn Mỹ có 3 căn cứ tàu sân bay ở bờ biển phía đông và phía tây nước Mỹ, trong đó có San Diego, Norfolk; ở nước ngoài Mỹ còn có căn cứ tàu sân bay Yokosuka tại Nhật Bản.

Theo Tống Trung Bình, Trung Quốc có đường bờ biển dài 18.000 km, có 2 - 3 căn cứ tàu sân bay là “rất bình thường”. Nhìn ở góc độ chiến lược quốc gia, “cũng không nên chỉ có một căn cứ tàu sân bay”.

Ông Bình cho rằng, căn cứ Tam Á là “nhà” của tàu sân bay, nó có thể tiến hành tiếp tế vũ khí đạn dược, tiếp tế thông thường ở đây. Ở đó không chỉ có thể neo đậu tàu sân bay, mà còn có thể neo đậu, triển khai, tiếp tế tất cả tàu chiến của cụm chiến đấu tàu sân bay.

Nó là một quân cảng cỡ lớn tổng hợp. Đã là căn cứ có thể triển khai tàu sân bay thì nhất định cũng có thể chứa được tất cả các loại tàu chiến khác.

Quân cảng tàu sân bay ở Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc (nguồn: google)
Quân cảng tàu sân bay ở Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc (nguồn: google)

Tàu sân bay mớn nước thường khoảng 10 m, cho nên thông thường mớn nước của căn cứ tàu sân bay khoảng 20 m.

Căn cứ tàu sân bay phải là cảng tránh gió, như vậy mới có thể giúp cho tàu chiến không bị ảnh hưởng khi gặp tình hình biển đặc biệt. Khu vực này thường có 3 mặt có núi, trước căn cứ có đê chắn sóng, có thể chặn được sóng lớn, bảo đảm sóng yên gió lặng trong căn cứ tàu sân bay.

Thông thường, trên tàu chiến neo đậu ở quân cảng chỉ ở lại một số ít người, phần lớn nhân viên lên bờ nghỉ ngơi, cho nên căn cứ tàu sân bay phải có khu dịch vụ sinh hoạt rất lớn.

Bên cạnh căn cứ tàu sân bay thường có căn cứ không quân. Sau khi tàu sân bay triển khai ở cảng, máy bay trên tàu sẽ lắc lư, độ ẩm có thành phần muối trên biển lớn, máy bay trên tàu chiến phải đưa vào sân bay trên đất liền bảo dưỡng, khi thực hiện nhiệm vụ thì tiếp tục đưa lên tàu sân bay.

Theo chuyên gia Tống Trung Bình, căn cứ tàu sân bay ở Tam Á của Hải quân Trung Quốc có thể đáp ứng các yêu cầu nói trên.

Tống Trung Bình khẳng định, nếu có căn cứ tàu sân bay, sẽ có thể bảo đảm cho tàu sân bay tiến hành tuần tra liên tục, không gián đoạn đối với Biển Đông, đoạt lấy quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông. Cho nên, theo ông Bình, xây dựng căn cứ tàu sân bay ở Tam Á chính là “bảo vệ chủ quyền Biển Đông” (bất hợp pháp) (Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với “đường lưỡi bò” bất hợp pháp).

Có thể nhìn thấy các công trình ở hướng đông nam của căn cứ Hải quân Trung Quốc tại vịnh Á Long, phía nam có đê chắn sóng.
Có thể nhìn thấy các công trình ở hướng đông nam của căn cứ Hải quân Trung Quốc tại vịnh Á Long, phía nam có đê chắn sóng.

Tờ “Văn hối” Hồng Kông ngày 26 tháng 11 cũng có bài viết cho rằng, việc Trung Quốc đưa biên đội tàu sân bay đến Biển Đông cũng xác nhận Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu sân bay ở đảo Hải Nam.

Theo bài báo, căn cứ tàu sân bay hiện nay ở Thanh Đảo, Trung Quốc tuy có thể đón được tàu chiến lớn nhất thế giới, nhưng bán đảo Giao Đông cách quá gần Nhật Bản và Hàn Quốc, thiếu chiều sâu phòng thủ, dễ bị đối phương do thám và theo dõi, kiểm soát. Như vậy, biên đội tàu sân bay khổng lồ càng khó tránh khỏi bị đối phương trinh sát. Khi mới đưa vào biên chế, tàu sân bay Liêu Ninh có thể triển khai ở căn cứ hải quân Thanh Đảo, nhưng về lâu dài, ở đây có thể không phải là nơi ở lại lâu dài.

Bài báo cho rằng, căn cứ hải quân Tam Á của Hải quân Trung Quốc nằm ở cực nam của đảo Hải Nam, nhìn toàn cảnh – bắc giáp biển lớn, nam hướng ra biển lớn, bên trong có nhiều bến, vị trí địa lý ưu việt, vị trí chiến lược quan trọng, là căn cứ hải quân được Hải quân Trung Quốc xây dựng trọng điểm.

Vị trí địa lý của căn cứ hải quân Á Long ở đảo Hải Nam ưu việt hơn nhiều, binh lực của quân Mỹ ở đây tương đối mỏng yếu. Căn cứ này cách căn cứ tàu sân bay Yokosuka (của quân Mỹ) gần 2.000 hải lý, cách căn cứ Changi ở Singapore cũng trên 1.200 hải lý. Căn cứ Changi chỉ là căn cứ cập bến của tàu sân bay Mỹ, khả năng bảo đảm hậu cần khá yếu, còn căn cứ không quân gần nhất Okinawa cũng cách khoảng 1.000 km.

Công trình cảng này nằm ở Cẩm Mẫu Giác, cực nam Trung Quốc
Công trình cảng này nằm ở Cẩm Mẫu Giác, cực nam Trung Quốc

Trong khi đó, từ Tam Á, biên đội tàu sân bay Hải quân Trung Quốc có thể vu hồi Đài Loan, làm cho Nhật Bản khiếp sợ, ứng chiến chính diện, có thể vươn tới eo biển Malacca, rồi tiến vào Ấn Độ Dương, có tính cơ động, linh hoạt cao, có thể nâng cao rất lớn khả năng tác chiến cho Quân đội Trung Quốc.

Theo bài báo, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo (tàu ngầm hạt nhân chiến lược) là vũ khí chính tiến hành răn đe của 5 nước lớn, cũng là mục tiêu tập trung dò tìm và tấn công của đối phương, vì vậy, cần bảo vệ chặt chẽ vùng biển nó thực hiện nhiệm vụ tuần tra, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của lực lượng săn ngầm đối phương, nhất là tàu ngầm hạt nhân tấn công.

Biển Đông có diện tích rộng lớn, độ sâu cũng lớn hơn nhiều, đặc biệt là rãnh biển sâu tới nghìn mét, rất thích hợp với hoạt động của tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Vì vậy, những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Biển Đông, từ căn cứ hải quân Á long, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc có thể nhanh chóng xâm nhập vùng nước sâu Biển Đông.

Như vậy, Trung Quốc cần xây dựng pháo đài tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Biển Đông, bảo vệ an toàn cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa. Trong khi đó, biên đội tàu sân bay có khả năng tác chiến trên không, trên mặt biển và dưới đáy biển, có thể xây dựng hệ thống săn ngầm lập thể, đồng thời bán kính tác chiến của nó có thể bao trùm toàn bộ khu tuần tra của tàu ngầm hạt nhân chiến lược, như vậy có thể bảo vệ hiệu quả an toàn hơn cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc.

Vị trí của Cẩm Mẫu Giác ở thị trấn An Du, thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc
Vị trí của Cẩm Mẫu Giác ở thị trấn An Du, thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là thời đại xe hơi đến, Trung Quốc cần rất nhiều dầu mỏ để hỗ trợ phát triển kinh tế, hiện Trung Quốc mỗi năm cần nhập tới trăm triệu tấn dầu mỏ, những dầu mỏ này phần lớn đến từ Trung Đông và châu Phi, eo biển Malacca là con đường phải đi qua.

Vì vậy, đối với Trung Quốc, duy trì sự thông suốt của eo biển Malacca rất quan trọng, trong khi đó, căn cứ hải quân Á Long là căn cứ hải quân Trung Quốc cách eo biển Malacca gần nhất, cự ly nối thẳng khoảng 1.200 km.

Tính theo tốc độ 20-25 hải lý/giờ của biên đội tàu sân bay, xuất phát từ căn cứ hải quân Á Long, trong 2 ngày có thể đưa eo biển Malacca vào phạm vi tác chiến của máy bay chiến đấu trang bị trên tàu, rất có lợi cho bảo vệ an toàn tuyến đường giao thông dầu mỏ của Trung Quốc.

Hơn nữa, Nhật Bản cũng nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông, phải đi qua tuyến đường biển này. Như vậy, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh có thể cắt đứt tuyến đường vận chuyển dầu mỏ của Nhật Bản. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, xuất phát từ Okinawa, đi xa nghìn dặm mới có thể đến nơi.

Vì vậy, cho dù Nhật Bản có vượt qua hạn chế của Hiến pháp hòa bình, thành lập biên đội tàu sân bay, Trung Quốc cũng có thể tiến hành răn đe hiệu quả đối với vấn đề này.

Hình ảnh Cẩm Mẫu Giác trên google rất giống quân cảng tàu sân bay
Hình ảnh Cẩm Mẫu Giác trên google rất giống quân cảng tàu sân bay
Đông Bình