Quy định 9 năm mới được thăng hạng khiến nhiều giáo viên THPT tâm tư

31/05/2022 06:33
Ly Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy định giáo viên bậc trung học phổ thông phải có thời gian giữ hạng III đủ 9 năm trở lên mới đủ điều kiện thi/xét thăng hạng II, nhiều thầy cô không đồng tình.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ cùng với một số quy định khá hợp lí khiến thầy cô vui mừng.

Thế nhưng, quy định thăng hạng chức danh nghề nghiệp với giáo viên trung học phổ thông hạng III còn bất cập, chưa nhận được sự đồng tình của nhiều thầy cô. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ phân tích những bất cập đó nhằm góp ý thêm vào dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy định thi/xét thăng hạng II bậc trung học phổ thông triệt tiêu động lực phấn đấu của giáo viên. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Quy định thi/xét thăng hạng II bậc trung học phổ thông triệt tiêu động lực phấn đấu của giáo viên. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên trung học phổ thông chịu nhiều thiệt thòi với quy định thăng hạng

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.

Theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập, chỉ có giáo viên trung học cơ sở được tăng lương nhiều nhất trong tất cả giáo viên các cấp.

Riêng giáo viên mầm non, tiểu học chỉ được hưởng mức lương cao nhất của cấp mình nếu thông qua kỳ thi/xét thăng hạng. Còn giáo viên trung học phổ thông về cơ bản là không thay đổi cách xếp lương, bổ nhiệm.

Nhận thấy việc xếp hạng, chuyển lương còn nhiều bất cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Đáng chú ý, dự thảo các Thông tư có nội dung quy định giáo viên bậc trung học phổ thông phải có thời gian giữ hạng III từ 9 năm trở lên mới đủ điều kiện thi/xét thăng hạng II khiến nhiều thầy cô không đồng tình, kể cả tâm tư.

Theo đó, dự thảo sửa đổi điểm i khoản 4 Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“i) Giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số 11 V.07.05.15) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).”

Chia sẻ với người viết, nhiều giáo viên dạy bậc trung học phổ thông trên cả nước đều có chung ý kiến rằng, đã là thi thăng hạng chức danh thì phải chọn được người có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, không cần thiết phải quy định tận 9 năm công tác (không kể thời gian tập sự).

Tôi cũng đã trao đổi với một số giáo viên là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nơi đơn vị tôi đang làm việc (Thành phố Hồ Chí Minh) về nội dung này thì thầy cô nói thêm, quy định như thế khác nào triệt tiêu động lực phấn đấu của nhà giáo, thậm chí có người buông xuôi.

Bởi, giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ 2,34 - 4,98 với mức lương dao động từ khoảng 3,48 - 7,42 triệu đồng/tháng (chưa tính các khoản phụ cấp) là rất thấp.

Chính vì hệ số lương thấp nên giáo viên mới cần phấn đấu thi/xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II để có hệ số lương, mức lương cao hơn.

Cụ thể, giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ 4,0 - 6,38 tương đương mức lương từ khoảng 5,96 - 9,5 triệu đồng/tháng.

Quy định nhiệm vụ, điều kiện thăng hạng còn bất cập

Ngoài ra, việc quy định giáo viên trung học phổ thông hạng III phải có thời gian giữ hạng từ đủ 9 năm trở lên mới đủ điều kiện thăng hạng II khiến nhiều giáo viên trẻ, tâm huyết, giỏi nghề không quan tâm đến những nhiệm vụ của giáo viên hạng II - chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của hạng đang giữ (hạng III).

Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông hạng III không cần phải làm những nhiệm vụ như sau:

- Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;

- Hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên...

- Hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên

Trong khi đó, giáo viên được thăng hạng II chưa chắc đã làm tốt những nhiệm vụ này vì thầy cô phải thuộc gần 20 văn bản luật khi tham gia thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, còn chuyên môn, nghiệp vụ thì rất mờ nhạt.

Bản thân tôi là giáo viên trung học phổ thông hạng III nhưng năm nào cũng tham gia hướng dẫn học sinh thi khoa học kĩ thuật cấp Thành phố và các em đều đạt giải. Vậy, lâu nay tôi đang làm nhiệm vụ của giáo viên hạng II có trái quy định?

Điều 9 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT còn quy định, "trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) nếu đã có bằng thạc sĩ trước khi tuyển dụng... thì được xác định đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 4 Thông tư này".

Tôi băn khoăn ở chỗ, vì sao giáo viên có trình độ thạc sĩ chỉ cần 6 năm giữ hạng thì đủ điều kiện thi/xét thăng hạng còn cử nhân lên đến 9 năm? Phải chăng, thạc sĩ nào cũng giỏi chuyên môn, nghiệp vụ còn cử nhân mất 3 năm mới đuổi theo kịp?

Qua bài viết này, mong Bộ Giáo dục tiếp tục lắng nghe tiếng nói của giáo viên chúng tôi để chỉnh sửa Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT sao cho phù hợp với thực tiễn ở bậc trung học phổ thông. Những bất cập của Thông tư này nếu không được chỉnh sửa một cách hợp lí thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy khi triển khai xếp hạng, chuyển lương.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html

https://luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/giao-vien-nao-loi-nhat-thiet-nhat-566-29185-article.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ly Ly