Quy định 'trên mây' trong GD: Vật đen tuyệt đối và Học thuyết củ cải

04/11/2013 07:00
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Trong đề án đổi mới toàn diện giáo dục vừa được Trung ương thông qua có vấn đề bồi dưỡng kiến thức quản lý và pháp luật cho đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo. Như nhận định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sau vài niên học là sẽ thấy chuyển biến, còn hiện nay nghị quyết vừa mới thông qua nên chưa kịp triển khai, những bất cập nên được xem là chuyện của ngày xưa. Có lẽ chúng ta cũng nên thông cảm, cần hướng tới tương lai, vì vậy hãy ráng chờ thêm vài niên học nữa.
Quy định cộng điểm cho bà mẹ anh hùng thi đại học được bỏ ngay sau khi ban hành có hơn chục ngày.
Quy định cộng điểm cho bà mẹ anh hùng thi đại học được bỏ ngay sau khi ban hành có hơn chục ngày.



Trong Vật lý học, vật đen tuyệt đối là vật hấp thụ toàn bộ bức xạ, không phân biệt bước sóng, điều này có nghĩa là từ vật đen tuyệt đối không có bất kỳ bức xạ nào phát được ra ngoài. Dân gian chẳng hiểu các lý luận cao siêu về bức xạ và bước sóng, người ta cho rằng vật đen tuyệt đối là vật hấp thụ toàn bộ ánh sáng, không cho ánh sáng xuyên qua. Với cách hiểu đó thì mặt trời là một “vật đen tuyệt đối” vì chẳng có ánh sáng nào có thể xuyên qua được mặt trời.

Cánh nhà báo của Thanhnien Online vừa có một phát hiện thú vị về các quy định trên mây của ngành Giáo dục, bài báo thống kê mấy cái thông tư số 24, 08, 28, 57. Ba thông tư đầu đều là số chẵn, cộng các chữ số trong từng thông tư cũng cho số chẵn, thông tư 57 tuy là số lẻ nhưng cộng các chữ số cũng là chẵn.

Theo Kinh Dịch, số lẻ là số sinh, số chẵn là số tử, hầu hết các thông tư trích dẫn đều là “số tử” chẳng trách các thông tư này có vấn đề, nếu hai nhà báo Minh Luân - Bích Thanh tìm thêm được nhiều thông tư  thuộc diện “số sinh” mà nội dung cũng tương tự như mấy cái trên thì người đọc mới tâm phục khẩu phục và nhất định sẽ không nghi ngờ kết luận của các bạn!

Người viết, cảm thấy hơi buồn vì sao Thanhnien Online sao lại chỉ xoáy vào Giáo dục mà quên chuyện “ngực lép không được lái xe” hay “thịt lợn bày bán không được để quá 8 tiếng”… Giáo dục cũng như tất cả các lĩnh vực khác, chúng ta đều là “đồng bào”, đều chung “một bọc” nên chẳng có sự khác biệt nhiều lắm.

Dư luận cũng nên công bằng mà công nhận, rằng giáo dục là ngành rất, rất cầu thị, những gì ban hành sai là ngay lập tức được sửa chữa, ví dụ chuyện cộng điểm cho bà mẹ anh hùng thi đại học mà báo chí trước đó đã phản ánh được sửa ngay sau khi ban hành có hơn chục ngày, còn chuyện đình chỉ tuyển sinh năm 2013 đối với trường CĐ Asean thì cũng được sửa chỉ sau ba tháng… Gần đây khi có ý kiến của TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập) về chuyện Bộ sợ, Bộ dấu phổ điểm tuyển sinh, ngay lập tức năm 2013 Bộ cho công bố tất cả phổ điểm…

Kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH năm 2013 nhờ có phổ điểm mà dôi dư tới hơn 230.000 thí sinh, tha hồ cho các trường tốp dưới tuyển chọn. Rõ ràng là có những chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ, còn chuyện sao lại có nhiều văn bản “trên mây” như vậy thì cũng nên thông cảm vì công chức ngành giáo dục đâu có tốt nghiệp ngành luật.

Sang tháng 11 rồi, mùa tuyển sinh đã kết thúc, Bộ cũng đã yêu cầu và ra hạn chót cho các trường báo cáo tình hình tuyển sinh (http://www.gdtd.vn ngày 29/10/2013) theo đó: “Để đảm bảo số liệu báo cáo đầy đủ và chính xác, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thống kê, gửi dữ liệu theo đúng trình tự và nội dung quy định theo mẫu. Số liệu thống kê phải điền đầy đủ các nội dung theo đúng quy định các file đã được tải về, không được sửa đổi nội dung cấu trúc file (tệp). Báo cáo gửi về Bộ trước 15/11/2013 với các ĐH, học viện, trường ĐH và trước 30/11/2013 với các trường CĐ”. 

Trên tinh thần nghị quyết TW về đổi mới giáo dục, với sự nhanh nhẹn như đã nêu, dư luận rất muốn Bộ GD&ĐT cho công bố công khai không chỉ tình hình tuyển sinh CĐ-ĐH mà còn thêm số liệu về đội ngũ giáo viên cơ hữu, học hàm, học vị, chỉ tiêu đào tạo các trình độ của tất cả các trường CĐ-ĐH để có thể đánh giá chính xác vì sao năm nay mấy trăm nghìn thí sinh dôi dư tự nhiên biến mất?

Công khai minh bạch chuyện tuyển sinh sẽ cho thấy trường nào đi đầu trong việc “tát vét” thí sinh. Khi Bộ GD&ĐT không thể kỷ luật các trường vi phạm vì “vuốt mặt còn phải nể mũi” thì hãy để dư luận, báo chí làm hộ, dẫu họ không bị phạt tiền thì bàn dân thiên hạ cũng nhận rõ được họ là ai, họ đang “ngồi”  trên pháp luật như thế nào”.

Có thể có người cho rằng ở góc độ người dân mà lại đòi “dạy khôn” cho Bộ thì cũng giống như chiếu ánh sáng vào mặt trời, lấy đâu ra phản hồi, nhưng mà nói thì cứ nói, hy vọng mưa dầm thấm lâu vì Bộ đâu phải là “vật đen tuyệt đối”.

Những người theo “Học thuyết Củ cải” cho rằng củ cải có tai nên nói phải là nó nghe ngay (nói phải củ cải cũng nghe), vì thế nên người ta kết luận là củ cải rất có tính hướng thiện, rất lành và mọi người nên ăn củ cải thật nhiều không phải chỉ bổ gan, mát thận, lợi tiểu... mà còn giúp cho con người biết tiếp thu sự thật, nhanh chóng trở thành trí thức, một khi đã đứng vào hàng trí thức thì mơ ước “ông nọ, bà kia” không còn là chuyện tiếu lâm theo kiểu Trạng Quỳnh. 

Vừa qua ở miền Nam, có ông nông dân làm ra trái bưởi hình hồ lô, lại có quả dưa hình thỏi vàng bán đến 7-8 triệu đồng một cặp. Vietnamnet ngày 20/7/2013 đưa tin người Nhật làm ra dưa hấu hình vuông bán sang Nga với giá 28.000 rúp/quả (855 USD), tương đương giá của một chiếc iPhone 5. Hy vọng một ngày nào đó các nông dân của chúng ta sẽ tạo ra được loại củ cải có tai để dành riêng cho các tín đồ sùng bái học thuyết củ cải, chắc chắn giá của nó phải tương đương iPhone9 hay iPhone10 gì đó. 

Ngày xưa, lâu lắm rồi hoạt hình Việt Nam có một phim về lớp học của mèo, bầy trẻ mèo được học thuộc lòng một bài như sau: “Đã là mèo, phải bắt chuột. Bắt được chuột, phải chén ngay”. Có lẽ bây giờ nên làm một phim để dạy những người đang nhăm nhe “tìm ghế”, phải dạy họ học thuộc lòng: “Làm đầy tớ, ăn củ cải. Ăn củ cải, phải có tai”.

Có lẽ bạn đọc sẽ cười bảo người viết thật hồ đồ, ăn củ cải thì làm sao thành “đầy tớ” của dân được. Xin thưa chỉ ăn một củ cải có tai là tương đương một iPhone, một ngày ăn hết 2 iPhone thì trong nhà chắc chắn phải rất là rủng rỉnh, một khi đã rủng rỉnh thì mua được nhiều thứ lắm. Chẳng thế mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nói: “cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu" [1]. 

Nói thế chứ nếu quả thật mấy bác nông dân có sản xuất ra loại củ có tai thì giá cũng chi vài nghìn một củ, bán chưa chắc đã có người mua. Còn một loại “củ cải” khác, đầy rẫy trong xã hội, không phải chỉ có tai mà còn có cả học hàm, học vị, loại này mới có giá. Xin kể một chuyện có thật ở ĐHNN. Một bà PGS. TS nhận được thông báo mời các thầy cô trong khoa tham dự (không phải là tham gia hội đồng) buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của một phó lãnh đạo tỉnh, tên tỉnh nghe nói có chữ Quảng ở đầu.

Trước khi đương sự trình bày luận án, một người đứng lên xin lỗi vì đồng chí lãnh đạo bận công việc ở tỉnh, sau khi bảo vệ là phải về ngay nên xin các vị có mặt tự lo bữa trưa, tiếp đó là mỗi người ngồi trong phòng nhận được một phong bì. Bà PGS nọ ngồi được một lúc phải ra ngoài có chút việc riêng, lát sau quay vào ngồi thì người nọ lập tức đến bên, lại câu xin lỗi lúc nãy và … lại nhận được phong bì lần nữa.

Đấy là đối với những người dự thính, còn đối với các thành viên chính thức thì không biết thế nào. Nghe chuyện, người viết tiếc rẻ bảo “sao bà không gọi để tôi đến dự cùng”, bà PGS trả lời “hôm đó chủ nhật, ông có đi làm đâu mà gọi”.

Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 9/8/2013 dẫn ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết: “Một số thầy tham gia quá nhiều hội đồng chấm, đến mức không kịp đọc hoặc không cần đọc luận văn, luận án, chỉ copy từ bản lưu trong máy vi tính ra những nhận xét chung chung, có thể áp dụng vào bất kỳ luận văn, luận án nào”[2].

Đi sâu tìm hiểu, cái giá của các “củ cải hội đồng” thạc sĩ chỉ chừng một triệu, hội đồng tiến sĩ có thể gấp đôi, gấp ba nhưng cũng còn lâu mới bằng được giá iPhone 5. Chính vì thế nếu Bộ có định thu hồi luận án của ai đó, dẫu người ta có sao chép đến 30% nội dung của người khác thì cũng nên cân nhắc vì “Bộ không có quyền khi chính hội đồng (của chúng tôi) đã xác nhận người đó đủ tiêu chuẩn là tiến sĩ”. 

Đến đây có lẽ có người sẽ hỏi vậy thì “vật đen tuyệt đối” và “học thuyết củ cải” có gì liên quan? Xin trả lời nó liên quan mật thiết với nhau đấy. Một bài đăng trên Vnexpress.net ngày 13/3/2012 viết: “Chuyện công chức đem USD đi "mua" bằng nhằm bổ sung hồ sơ tổ chức để được đề bạt chức vụ là một thực trạng đáng được báo động”.

Mua bằng tiến sĩ rởm của ĐH Nam Thái Bình Dương mất 17.000 đô la (cỡ 350 triệu) hơi đắt nên nhiều người tìm mua bằng “nội”, cách thức phổ cập là mua “hội đồng” vừa được bằng thật mà giá thì rất “mềm”, quả là một công đôi việc. Với những tiến sĩ như thế, lại tập trung với mật độ quá cao ở cấp thành phố, cấp bộ (nghe nói cấp thứ trưởng ở Việt Nam có bằng tiến sĩ nhiều gấp 05 lần Nhật Bản) thì việc họ biến cơ quan thành “vật đen tuyệt đối’ là chuyện không có gì lạ.

Trong đề án đổi mới toàn diện giáo dục vừa được Trung ương thông qua có vấn đề bồi dưỡng kiến thức quản lý và pháp luật cho đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo. Như nhận định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sau vài niên học là sẽ thấy chuyển biến, còn hiện nay nghị quyết vừa mới thông qua nên chưa kịp triển khai, những bất cập nên được xem là chuyện của ngày xưa. Có  lẽ chúng ta cũng nên thông cảm, cần hướng tới tương lai, vì vậy  hãy ráng chờ thêm vài niên học nữa.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/142288/tong-bi-thu--tham-nhung-nhu-ngua-ghe.html
[2]http://vov.vn/Xa-hoi/Giao-duc/Chan-hung-giao-ducXoay-du-cach-thanh-Thac-si-Tien-si-dom/274888.vov
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành