Quy trình cấp cứu nạn nhân được ưu tiên, người nhà không phải chuyển tiền ngay

19/03/2023 06:26
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo lãnh đạo các bệnh viện, quy trình cấp cứu nạn nhân gặp tai nạn được ưu tiên hàng đầu, người nhà không phải đóng tiền ngay lúc nhập viện.

Nắm được thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh, những kẻ lừa đảo đã biết cách "khai thác" tâm lý yêu và thương con của phụ huynh. Chúng đã dàn dựng lên những "màn kịch sinh động" của vụ tai nạn với âm thanh hiện trường thực tế như tiếng còi xe cấp cứu, tiếng bác sĩ... Sau đó là yêu cầu chuyển tiền cho chúng để làm thủ tục cho con nhập viện cấp cứu.

Sau những vụ lừa đảo xảy ra vừa qua, câu hỏi về quy trình cấp cứu nạn nhân tại các bệnh viện có giống như những kẻ lừa đảo dựng lên?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thầy thuốc Ưu tú Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Lê Văn - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (Thanh Trì, Hà Nội), một ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 60-70 ca cấp cứu (bao gồm cả tai nạn giao thông và những trường hợp cấp cứu khác).

Với trường hợp nạn nhân bị tai nạn được người đi đường chở đến bệnh viện, nhiệm vụ đầu tiên các bác sĩ phải làm là ưu tiên cấp cứu cho họ. Nếu bác sĩ tiên lượng nạn nhân trong tình trạng xấu, họ sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Anh Thư)

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Anh Thư)

Trường hợp nạn nhân nằm điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ khai thác thông tin của họ qua giấy tờ tuỳ thân hoặc từ người đưa bệnh nhân vào. Nếu không có thông tin cá nhân, bệnh viện sẽ thông báo tới cơ quan chức năng, hoặc lên trang web của bệnh viện.

Trong trường hợp nạn nhân tử vong nhưng bệnh viện không có thông tin người nhà, bệnh viện sẽ thông báo cho nhà tang lễ và chính quyền địa phương để xử lý.

“Đối với tất cả các trường hợp cấp cứu tại đơn vị, cũng như đơn vị khác, nhiệm vụ đầu tiên của các bác sĩ là cấp cứu nạn nhân. Khi nạn nhân được xuất viện, lúc đó người nhà mới phải thanh toán viện phí.

Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cũng có quỹ dành cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nếu cần thiết thì đơn vị vẫn hỗ trợ”, ông Văn chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, việc yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu là không đúng với nhiệm vụ, y đức của các bác sĩ. Những kẻ xấu đã biết cách thao túng tâm lý của phụ huynh để lợi dụng.

"Bởi vậy, sau những vụ lừa đảo vừa qua, phụ huynh cần bình tĩnh để liên hệ với nhà trường hoặc gọi đến số điện thoại hotline của bệnh viện", Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho hay, các nạn nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đều được tiếp nhận và không phải chi trả chi phí ngay lập tức.

“Việc áp dụng thủ đoạn chuyển tiền để cấp cứu cho con, đã khiến người dân hoảng sợ và quên đi trách nhiệm, y đức của bác sĩ trước tiên là phải cứu chữa cho nạn nhân. Tất cả những thủ tục giấy tờ, chi phí được hoàn tất sau khi cấp cứu xong và có người thân”, ông Sỹ chia sẻ.

Nhìn nhận dưới góc độ tâm lý học, Tiến sỹ Trần Hồng Quân (giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, tâm lý của phụ huynh chắc chắn ai cũng thương con, đặc biệt là liên quan đến sự an toàn của con cái, bởi vậy, những kẻ xấu đã lợi dụng tình thương của ba mẹ.

Chúng đã tìm hiểu rất kỹ về tên của phụ huynh và con, nên khi phụ huynh có niềm tin con có nguy cơ bị tai nạn là có. Trong khi tâm lý của phụ huynh bất an, kẻ lừa đảo sẽ thông tin về sự an nguy của con, cùng yêu cầu chuyển tiền.

“Nếu phụ huynh không có sự bình tĩnh sẽ bị dẫn dắt về tâm lý và sẽ chuyển tiền theo yêu cầu của các kẻ lợi dụng”, Tiến sỹ Quân chia sẻ.

Theo Tiến sỹ Quân, nếu phụ huynh có sự bình tĩnh bằng việc hỏi ngược lại người báo tin với những câu hỏi dễ dàng, những kẻ lợi dụng sẽ tắt máy ngay lập tức.

Thời gian vừa qua, nhiều cơ quan chức năng như Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, Bộ Giáo dục, Bộ Công an cũng đã có những văn bản cảnh báo kiểu lừa đảo trên. Việc tuyên truyền này là rất quan trọng để tất cả phụ huynh, học sinh được nắm rõ về thủ đoạn, hành vi của những kẻ lừa đảo.

“Học sinh cũng cần nắm rõ thông tin về các chiêu thức lừa đảo, trường hợp đáng tiếc đã xảy ra để nói rõ cho phụ huynh biết nắm bắt”, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhắn nhủ.

Chia sẻ về trường hợp thực tế bản thân đã gặp phải, thầy Bùi Hồng Quân cho hay, ông từng nhận được cuộc gọi của kẻ lừa đảo thông báo về việc con của ông gặp tai nạn: “Anh Bùi Hồng Quân phải không, anh có con là Bùi… đang gặp tai nạn…”.

Khi đó, vị phụ huynh đã nói: “Vậy à, để anh gọi lại cho nhà trường kiểm tra nhé”. Ngay sau khi vị phụ huynh nói như vậy, kẻ lừa đảo đã tự động tắt máy điện thoại.

Thầy Bùi Hồng Quân cho rằng, theo đánh giá chủ quan của ông, thông tin của gia đình ông bị lộ lọt, có thể từ danh sách của nhà trường, trung tâm ngoại ngữ.

Bên cạnh thủ đoạn trên, thầy Quân cũng nhắc nhở phụ huynh cần cẩn trọng với chiêu trò giả danh là nhân viên, giáo viên nhà trường. Bởi những đối tượng này dễ tạo niềm tin cho phụ huynh hơn, khi đó phụ huynh cần kiểm chứng lại thông tin từ nhà trường.

Mạnh Đoàn