Rơi nước mắt những mảnh đời bị biệt giam trong cũi tại gia

25/06/2011 23:14
Ngày cũng như đêm, Ơi nằm co cụm trong cái chuồng tối tăm; ăn uống, vệ sinh ngay tại đó.

Ngày cũng như đêm, Ơi nằm co cụm trong cái chuồng tối tăm; ăn uống, vệ sinh ngay tại đó. Ban đêm, bố mẹ phải nằm ở ngoài hiên nhà trông Ơi, kẻo con đập đầu vào tường, cắn lưỡi, tát vào mặt... mà chết. Đó là tình cảnh đau lòng của một trong số 243 người tâm thần tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế mà chúng tôi chứng kiến.

Không tội mà... tù  

“Cứ đi dọc đường, đi hết con dốc cao rồi leo qua mấy bậc đá. Khi nào thấy cái cũi giống cái chuồng heo mà có người trong đó thì là nhà P’riu Ơi. Nó bị điên” - một người dân chỉ đường cho chúng tôi với giọng điệu hơi dửng dưng. Có lẽ những hình ảnh mà chúng tôi sắp chứng kiến đã quá quen thuộc với họ. Hướng dẫn là thế, nhưng vừa đến ngõ nhà Ơi, chưa thấy cái cũi, chúng tôi đã giật mình bởi những tiếng la hét rất lớn phát ra từ phía trong. Đi một lúc nữa, một đồng nghiệp của chúng tôi giật mình bước thụt lùi bởi từ trong cái “chuồng”, một người đàn ông như bóng ma nghiêng cái cổ cố thò đầu ra ngoài, mắt trố lên nhìn, miệng há lớn, răng nghiến ken két...

Lúc đó gia đình Ơi đang ăn cơm trưa. Nói là cơm cho sang, chứ thực chất là ít gạo độn với sắn. Ông P’riu Ô (còn gọi là Quỳnh Ô, 79 tuổi, dân tộc Tà Ôi) lựa trong nồi chỗ nào nhiều cơm thì xới lấy một bát đầy, bưng ra cho con ăn. Quỳnh Ô vừa đưa bát cơm qua khe hở giữa hai khúc gỗ, Ơi đã giật mạnh, lấy hai tay bốc ăn ngấu nghiến. “Cứ lúc nào đói là nó đòi ăn, cả ngày lẫn đêm không biết bao nhiêu lần. Nhiều lúc đưa cơm nó không ăn mà ném xuống đất. Nó thích ăn thịt bò, nhưng bố mẹ (cách xưng hô của người già dân tộc thiểu số ở A Lưới - PV)  không có tiền mua” - Quỳnh Ô nói.

Hai năm nay, Ơi bị giam trong chiếc chuồng này. Ảnh: Nguyên Bình
Hai năm nay, Ơi bị giam trong chiếc chuồng này. Ảnh: Nguyên Bình


Kăn Đa - mẹ của Ơi - kể về bệnh tật của con: “Thằng Ơi nay được 19 tuổi. Lúc nhỏ, nó đẹp trai và khoẻ mạnh lắm. 14 tuổi, nó đã lên rừng, lên nương rẫy như con thú hoang, không biết mệt. Năm 15 tuổi, nó cùng một nhóm bạn vào Sài Gòn làm thuê. Năm 17 tuổi nó về nhà và bố mẹ không ai còn nhìn ra con mình nữa. Suốt ngày nó không nói năng chi cả, cứ đi lang thang rồi về đập phá đồ đạc, đánh người. Cả bố mẹ cũng bị nó đánh.

Sợ nó đánh chết người, nên năm ngoái mẹ phải nhờ thanh niên trong bản đóng cho cái cũi để nhốt nó lại. Ban đêm, sợ hắn chết nên bố mẹ phải ra ngoài bờ hè nằm trông coi”. Không chỉ “nghiện” đánh người, Ơi còn nghiện thuốc lá. Quỳnh Ô buồn rầu: “Khi nó thèm thuốc, cái miệng cứ tru lên, nghiến răng, tay xoa lên tóc. Không đưa thuốc cho nó hút thì nó lấy tay tát vào mặt, đập cái đầu vào gỗ. Mỗi ngày nó hút hết ba gói. Mà bố thì không có tiền mua thuốc nữa. Trong nhà giờ gạo cũng không có tiền mua nữa rồi”.

Nhà Quỳnh Ô có 5 đứa con, nhưng 3 đứa mang nỗi đau bệnh tật. Hai chị gái Ơi là P’riu Eo (33 tuổi) bị câm điếc và P’riu Ir (35 tuổi) tàn phế đôi chân, cụt tay phải từ lúc sinh ra. “Nuôi con Eo và con Ir đã khổ rồi, giờ lại thêm thằng Ơi bị điên nữa” – Quỳnh Ô buồn rầu. Khi tôi hỏi lấy tiền ở đâu để nuôi con, Quỳnh Ô nói: “Đảng, Nhà nước cho bố mẹ lương cách mạng gần 3 triệu đồng/tháng và con Ir thì được trợ cấp tàn tật 600.000 đồng. Nhưng thằng Ơi thì không có. Bố đã đi hỏi rồi, nhưng cán bộ nói thằng Ơi không bị bệnh chi cả, cứ để ở nhà mà chăm sóc”.

Tương tự hoàn cảnh của Ơi là Hồ Thị Thiệp - 32 tuổi, ở thôn A Tiêng, xã Hồng Kim. Gần 2 năm nay, chỗ ở của chị là căn phòng quanh năm không thấy mặt trời, rộng khoảng 4m2. Ghé mắt qua cái lỗ duy nhất nhìn vào, chỉ thấy một đống giẻ rách lẫn với nước tiểu, phân người bốc lên nồng nặc.

Đây là nơi biệt giam dành cho chị Hồ Thị Thiệp - xã Hồng Kim.
Đây là nơi biệt giam dành cho chị Hồ Thị Thiệp - xã Hồng Kim.


Trên cái đống bẩn thỉu ấy, chị Thiệp cười ngơ ngác nhìn người lạ một lát rồi ngấu nghiến nhai giẻ rách. Bà Cả Dung (73 tuổi) - mẹ của Thiệp - kể: “Năm 1990, khi thi trượt vào trường cấp 3, Thêu định đâm đầu vào ôtô chết, nhưng được con Lý trong thôn can ngăn. Năm sau, nó thi vào trường phổ thông nhưng vẫn trượt và nó bỏ đi miền Nam làm ăn. Được 3 năm, nó trở về và không hiểu sao tính tình trở nên hung hăng, hay đánh người. Nó bỏ lên núi. Cứ đưa về nhà là nó lại trốn mất. Được vài ngày thì nó về, nhưng không mặc quần áo. Có lần nó trốn ở hang Ma trong núi, bố mẹ và dân bản đi tìm cả tuần mới thấy. Bố mẹ phải đóng cái chuồng bằng gỗ nhốt lại, nhưng nó phá nên phải xây cái phòng ni. Nhốt con như vậy tội nghiệp lắm, nhưng bố mẹ già rồi, không ai chăm sóc nó được cả”.

Cuộc trò chuyện giữa Cả Dung và chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những tiếng la hét, khóc lóc, van xin thảm thiết... vẳng ra từ trong cái chuồng kín. Chỗ “biệt giam” chị Thiệp nằm phía sau vườn nhà, chỉ có một cái lỗ vuông vừa đủ thò bàn tay để bố mẹ đưa cơm và nước uống cho Thiệp. “Nó cứ la hét suốt ngày, người gầy yếu như bị ma bắt. Nó không thích mặc quần áo, cứ đưa quần áo vào thì nó xé rồi ăn hết. Hai năm rồi nó không tắm giặt, vệ sinh cũng trong đó luôn. Đưa cơm vào nó không chịu ăn ngay mà để cho thiu mới ăn. Nó còn ăn cả phân của nó nữa...” – Cả Dung kể về sự “khác người” của đứa con gái thần kinh.

Sau Thiệp là anh Mước - một bệnh nhân tâm thần khác ở xã Nhâm bên cạnh. Khi chúng tôi tìm đến, người nhà anh đi vắng cả. Cái chuồng rộng gần 3m2 để nhốt anh Mước nằm ở sau vườn, được che sơ sài bằng mấy cành cây, xung quanh đá sỏi lởm chởm. Bên trong chuồng là mớ chăn, gối rách, vật dụng sinh hoạt... bầy nhầy rất khó phân biệt. Hàng xóm cho biết, Mước bị nhốt đã 3 năm, vài ngày trở lại đây, nghe con đòi đập đầu chết, bố mẹ Mước phải thả ra cho con đi lang thang...

Bỏ rơi người tâm thần?

Cứ thế trong suốt 2 ngày đêm, chúng tôi đi hết bản làng này đến bản làng khác của huyện miền núi A Lưới để mục sở thị cuộc sống của các bệnh nhân tâm thần. Phần lớn họ là người dân tộc thiểu số, thuộc diện nghèo đói. Nhiều người trong số họ - đúng ra là trụ cột, là lao động chính - lại bỗng dưng trở thành gánh nặng cho cả nhà. Tệ hơn, nhiều gia đình rơi vào tình cảnh tán gia bại sản, thậm chí tan tác vì họ.

Như trường hợp của chị Kăn Bum - 41 tuổi, ở thôn 3, xã Hồng Kim. Năm 2003, bỗng dưng chị phát bệnh tâm thần. Một thời gian sau, chồng chị bỏ chị đi theo người đàn bà khác. 4 đứa con (lớn nhất 14 tuổi và nhỏ nhất 8 tuổi) của chị Kăn Bun trở nên bơ vơ côi cút. 8 năm qua, chị Bun cứ ú ớ, đi ra đi vào trong căn nhà được xây dựng từ Chương trình 134. Tiền “lương tâm thần” của chị 180.000 đồng/tháng chẳng đủ ăn, nói chi đến việc nuôi con. Mọi ăn uống, sinh hoạt của 5 mẹ con trông cậy vào người em trai Lê Văn Lai và bà con dân bản, nhưng cũng bữa đói nhiều hơn bữa no vì bà con đều nghèo, thân mình lo còn chưa xong...

Đáng nói là gia đình và bệnh nhân tâm thần ở huyện A Lưới thời gian qua chưa được chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ đúng mức. Theo thống kê của Phòng LĐTBXH huyện A Lưới, toàn huyện hiện có 243 người tâm thần. Đây là một con số rất lớn và cho đến nay, vẫn chưa cơ quan nào, chưa ai lý giải được nguyên nhân vì sao A Lưới lại có nhiều người tâm thần, nhiều người “không tội mà tù” như vậy.

Một cán bộ giấu tên ở huyện A Lưới còn cho biết thêm, trên thực tế, số người tâm thần còn cao hơn vì nhiều gia đình do ngại, xấu hổ nên không khai báo với chính quyền và cơ quan chức năng. Và ngạc nhiên hơn là đến thời điểm này, trong số 243 bệnh nhân tâm thần được thống kê, mới chỉ có 55 người nhận được trợ cấp hằng tháng là 180.000 đồng/người. Ông Hồ Nam Đông - Trưởng phòng LĐTBXH - lý giải về việc nhiều bệnh nhân tâm thần không nhận được trợ cấp là “do nhiều lý do như gia đình không khai báo, bệnh nhân chưa đủ tiêu chuẩn... tâm thần để nhận chế độ. Một số trường hợp, chúng tôi đang chuyển hồ sơ để bệnh nhân nhận chế độ chất độc da cam thì sẽ cao hơn...”.

Chế độ cho bệnh nhân tâm thần đã vậy, nhưng việc chữa trị cho họ còn bi đát hơn, bởi cho đến thời điểm này, Phòng Y tế huyện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để chữa trị cho bệnh nhân. “Việc chữa trị cho người tâm thần thuộc trách nhiệm của phòng và trung tâm y tế huyện. Nhưng theo tôi được biết, vấn đề không đơn giản, bởi không có kinh phí và cần có khoảng thời gian dài. Khi tiến hành tìm hiểu, thống kê người tâm thần, cần phải có một đội ngũ y - bác sĩ, cán bộ chuyên trách làm việc trong thời gian dài trên địa bàn rộng lớn – 21 xã, thị trấn” – ông Đông nói thêm.

Hoàng Văn Minh – Nguyên Bình (LĐ)