Sam Rainsy: Sẽ bàn với Hun Sen đàm phán biên giới với Việt Nam trơn tru hơn

18/08/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính phủ Campuchia có ngàn lần chứng minh sử dụng bản đồ chính xác phân giới với Việt Nam, CNRP vẫn cứ chống phá.
Lãnh đạo phe đối lập Campuchia CNRP Sam Rainsy, ảnh: BBC.
Lãnh đạo phe đối lập Campuchia CNRP Sam Rainsy, ảnh: BBC.

Khmer Times ngày 17/8 đưa tin, Chủ tịch đảng đối lập Campuchia CNRP Sam Rainsy ngày hôm qua tuyên bố sẽ thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp với Thủ tướng Hun Sen để đảm bảo rằng các cuộc đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam sẽ tiến triển "trơn tru" hơn.

Ngụy tạo bản đồ chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia bất thành quay ra đòi sửa Hiến pháp

Sam Rainsy cho rằng các chính trị gia Campuchia nên ngừng nói trước công chúng về vấn đề này bởi vì nó chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa đảng CPP cầm quyền và phe đối lập. Đại diện 2 đảng này nên dành thời gian tìm kiếm một tiếng nói chung.

Tith Sothera, người phát ngôn Chính phủ Campuchia cho biết: "Thủ tướng Hun Sen đã nhận được một tin nhắn từ Sam Rainsy rằng ông ta muốn sửa đổi Hiến pháp, Thủ tướng Hun Sen trả lời rằng chúng tôi không thể đánh đổi việc sửa HIến pháp lấy việc thả các tù nhân hình sự".

Tuy nhiên Sam Rainsy vẫn tỏ ra lạc quan với báo chí rằng, cũng như những lần trước, lần này CNRP sẽ thỏa hiệp được với CPP. Còn theo tường thuật của đài VOA Hoa Kỳ ngày 17/8, ý định của Sam Rainsy khi muốn sửa đổi Điều 2 Hiến pháp Campuchia là sử dụng bản đồ ông ta cho rằng "cũ hơn, chính xác hơn" để đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam.

Điều 2 Hiến pháp Campuchia quy định sử dụng các mảnh bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương của Pháp ấn hành trong giai đoạn 1933 - 1953 khi Campuchia là một phần của Đông Dương thuộc địa Pháp để hoạch định biên giới. Tuy nhiên Sam Rainsy cho rằng, có một bản đồ cũ hơn được in năm 1914.

"Chúng ta không nhất thiết phải bó buộc vào bản đồ phát hành từ năm 1933. Chúng ta sẽ đưa ra tất cả các bản đồ trước đó kể từ khi người Pháp cai trị Campuchia, vương quốc An Nam và Nam Bộ (một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam mà Sam Rainsy gọi là Kampuchea Krom) kể từ năm 1863", VOA dẫn lời Sam Rainsy cho biết.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: BBC.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: BBC.

Tuy nhiên phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp tại học viện Giáo dục Quốc gia tuần trước, Thủ tướng Hun Sen khẳng định, bản đồ được chính phủ Campuchia sử dụng để đàm phán hoạch định biên giới với Việt Nam đã được quốc tế công nhận. Chheang Vun, nghị sĩ đảng CPP cầm quyền cho rằng chưa có yêu cầu nào về việc sửa đổi Hiến pháp đặt ra với Quốc hội, nhưng nếu có một bản đồ "đến từ đoàn kết dân tộc" thì CPP có thể thương lượng.

Chính phủ Campuchia có ngàn lần chứng minh sử dụng bản đồ chính xác phân giới với Việt Nam, CNRP vẫn cứ chống phá

Khmer Times ngày 17/8 dẫn lời học giả Chheang Vannarith từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia rằng một số thành viên đảng đối lập CNRP đã lừa dối dư luận thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện khác. Nhưng thủ đoạn này chỉ phản tác dụng và nguy hiểm.

"Việc bắt giữ Hong Sokhour nên được tiến hành dựa trên các quy định pháp lý và quy trình hiện tại. Ví dụ cần phân loại và xác định phạm vi hành vi rơi vào khái niệm pháp lý của tội phản quốc. Mất lòng tin chính trị giữa CPP và CNRP đã gia tăng gần đây. Văn hóa đối thoại có thể sẽ chấm dứt và một chu kỳ bất ổn chính trị mới có thể xảy ra nếu những lời chỉ trích nhau lại bùng lên", ông nói.

Sor Sopunna, sinh viên tốt nghiệp trường Pantheon-Assas thuộc Đại học Paris II nhận định: "Trên thực tế, làn sóng của những căng thẳng chính trị đang gia tăng ở Campuchia một lần nữa. Điều này đang xảy ra chính xác là bởi vì một số nghị sĩ đối lập đã kích động quần chúng về các vấn đề biên giới chỉ nhằm gây chú ý".

"Tôi tin rằng ngay cả khi chính phủ Campuchia công bố hàng ngàn lần rằng chính phủ đã sử dụng các bản đồ chính xác do Sở Địa dư Đông Dương phát hành để đàm phán phân giới với Việt Nam thì phe đối lập vẫn cứ liên tục sử dụng thủ đoạn kích động chống phá biên giới với Việt Nam làm công cụ chính trị, bắt dân tộc này làm con tin vì lợi ích của riêng họ chứ không phải là để giải quyết vấn đề quốc gia", Sor Sopunna nói.

Hong Sokhour bị bắt vì tội làm giả tài liệu tuyên truyền chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia. Ảnh: RFI.
Hong Sokhour bị bắt vì tội làm giả tài liệu tuyên truyền chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia. Ảnh: RFI.

Điều này đã được CNRP chứng minh. Trước đó phe đối lập liên tục vu cáo CPP và cá nhân Thủ tướng Hun Sen "sử dụng bản đồ do người Việt Nam in ấn để đàm phán, phân giới với Việt Nam dẫn đến mất đất". Đến khi một bên thứ 3 là Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đứng ra đối chiếu bản đồ từ CPP, CNRP, Thư viện Quốc hội Mỹ và Pháp cho thấy đều giống nhau ngoại trừ 2 trong số 26 mảnh CNRP cung cấp là không phải do Sở Địa dư Đông Dương phát hành, Sam Rainsy lại quay sang thủ đoạn "sửa Hiến pháp" - PV.

Về việc bắt giữ Thượng nghị sĩ đối lập chủ mưu chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia bằng cách ngụy tạo tài liệu, Phov Samphy, Chánh án Tòa án hành chính thuộc Bộ Tư pháp nói với Khmer Times, cảnh sát đã có 7 ngày điều tra, thu thập chứng cứ về các hành vi phạm pháp của Hong Sokhour trước khi bắt ông ta.

Mặc dù Thượng nghị sĩ có quyền miễn truy cứu, nhưng hành vi phạm pháp của Hong Sokhour là nghiêm trọng và quả tang nên tòa án vẫn có quyền bắt giữ. "Chúng tôi biết rằng mình sẽ bị chụp mũ là việc bắt giữ Hong Sokhour có thể là một phương tiện đe dọa chính trị. Nhưng chính bản thân họ (CNRP) yêu cầu phải thượng tôn pháp luật. Khi chúng tôi thực thi các quy định của pháp luật sẽ luôn luôn có những chụp mũ như vậy", Phov Samphy cho biết.

Thượng viện Campuchia đã họp hôm 16/8 xem xét khả năng tước tư cách thành viên của Hong Sokhour, nhưng đã quyết định không cần thiết phải làm điều này và việc tòa án ra lệnh bắt giữ ông ta là đúng thủ tục, trình tự pháp lý.

Việc sửa Hiến pháp hay không là việc nội bộ của Campuchia, nhưng chắc chắn rằng các hiệp ước, hiệp định biên giới giữa 2 nước không thể bị bất kỳ thế lực nào đơn phương đòi xóa bỏ. Quý vị độc giả quan tâm có thể đọc lại phần phân tích, bình luận của Tiến sĩ Trần Công Trục về quan hệ giữa Hiến pháp một nước với Điều ước quốc tế mà nước đó đã ký kết, phê chuẩn TẠI ĐÂY.

Hồng Thủy