Sắp thành lập câu lạc bộ khối trường khoa học Trái đất - Vũ trụ - Môi trường

17/04/2019 10:38
Văn Đình Ưng
(GDVN) - Trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ trở thành nòng cốt trong việc xúc tiến thành lập Câu lạc bộ khối đào tạo về khoa học Trái đất - Vũ trụ - Môi trường.

Ngày 10/4/2019,Thường trực Hiệp hội do Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Ban lãnh đạo Trường Đại học Mỏ - Địa chất. 

Mục đích chính là bàn về việc thành lập Câu lạc bộ khối trường đào tạo về khoa học trái đất, vũ trụ và môi trường. Tiếp đoàn có Giáo sư Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường và các cán bộ liên quan.

Sẽ thành lập câu lạc bộ các cơ sở đào tạo kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư

Tại cuộc làm việc, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu rõ chủ trương thành lập các câu lạc bộ và sự cần thiết xúc tiến thành lập Câu lạc bộ khối các trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nghiên cứu khoa học về trái đất, về vũ trụ, về biến đổi khí hậu, về bảo vệ môi trường sống bền vững… 

Trường Đại học Mỏ - Địa chất là trường đại học hàng đầu nước ta về đào tạo và nghiên cứu khoa học các lĩnh vực trên.

Hiệp hội tin tưởng và mong muốn Trường Đại học Mỏ - Địa chất làm nòng cốt trong việc xúc tiến thành lập Câu lạc bộ khối này.

Giáo sư Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường vui vẻ nhận lời.

Nhà trường sẵn sàng làm đầu mối tập hợp các trường, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học trái đất, vũ trụ và các vấn đề về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái lâu dài.

Nhân dịp này, Hiệu trưởng Trần Thanh Hải đã giới thiệu tóm tắt về quá trình xây dựng và phát triển của trường trong 63 năm qua, sứ mạng và tầm nhìn trong những năm tới.

Về hoàn cảnh ra đời

Ra đời trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, ngay từ lúc mới thành lập năm 1966, Nhà trường phải hoạt động phân tán trên địa bàn rộng thuộc các thôn, xã của hai huyện Thuận Thành (tỉnh Hà Bắc cũ) và Mỹ Văn (tỉnh Hải Hưng cũ).

Lãnh đạo Hiệp hội thăm và làm việc tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông

Năm đầu thành lập Trường có 4 Khoa và 2 Ban: Khoa Mỏ, Khoa Địa chất thăm dò, Khoa Địa chất Công trình, Khoa Trắc địa; Ban Khoa học cơ bản và Ban Tại chức với 11 Bộ môn chuyên môn và 6 Bộ môn cơ bản và cơ sở.

Tại địa điểm sơ tán Nhà trường đã tuyển sinh khoá đầu tiên (lúc bấy giờ là khóa 11 của Đại học Bách khoa) gồm 623 sinh viên hệ dài hạn và 77 sinh viên hệ chuyên tu.

Mọi cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập của Nhà trường chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, nhân dân địa phương nơi sơ tán và dựa vào công sức lao động của thầy và trò. 

Để có đội ngũ cán bộ giảng dạy bảo đảm thắng lợi nhiệm vụ chính của trường, bên cạnh các thầy, cô giáo với số lượng ít ỏi từ Khoa Mỏ – Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển sang, Nhà trường đã mạnh dạn tuyển hàng trăm kỹ sư mới tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước và nước ngoài để bồi dưỡng thành cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý.

Trong thời gian 10 năm (1974-1984) ở Phổ Yên - Bắc Thái, Nhà trường đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng về kinh tế của đất nước, Nhà trường đã đào tạo hàng trăm sinh viên các ngành Mỏ, Địa chất, Trắc địa và Dầu khí tốt nghiệp hàng năm, cung cấp kịp thời cán bộ khoa học kỹ thuật cho các ngành kinh tế của đất nước. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất với hàng chục đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, hàng trăm đề tài cấp trường và hợp đồng phục vụ sản xuất. 

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn Nhà trường vẫn duy trì tổ chức định kỳ các Hội nghị Khoa học của cán bộ và sinh viên; xuất bản đều đặn các Nội san Nghiên cứu Khoa học, các Tuyển tập Khoa học của Nhà trường. 

Tuy vậy, do địa điểm nằm xa các thành phố, đặc biệt là xa Thủ đô Hà Nội – Trung tâm Chính trị – Kinh tế – Văn hoá và Khoa học của cả nước, cho nên Nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Hiệp hội ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức

Trong những năm này, số sinh viên thi vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất ngày càng ít, nhiều khi không đủ số lượng cần tuyển. Nhiều cán bộ có trình độ cao đã xin đi khỏi trường do có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Đứng trước thực tế đó, việc xin chuyển địa điểm Trường về Thủ đô Hà Nội là một yêu cầu cấp bách. 

Thể theo nguyện vọng của cán bộ, công chức và sinh viên, lãnh đạo Nhà trường đã tích cực trình bày nguyện vọng đó với các cấp lãnh đạo của Nhà nước, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Thành phố Hà Nội. 

Ngày 16/2/1979 Thủ tướng Chính phủ ra văn bản số 625/VP-4 gửi UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cùng các Bộ, ngành liên quan thông báo cho phép xây dựng tại ven nội thành Thành phố Hà Nội hai trường đại học: Trường Đại học Mỏ – Địa chất và Trường Đại học Xây dựng.

Tháng 9 năm 1981 Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ra quyết định cấp cho 2 trường diện tích đất xây dựng gần chục héc ta tại cánh đồng bạc màu thuộc 3 xã Cổ Nhuế, Phú Minh và Thượng Cát.

Từ đó bắt đầu một thời kỳ mới của Nhà trường. Trường Đại học Mỏ - Địa chất vừa tiếp tục duy trì mọi hoạt động ở địa điểm Phổ Yên - Bắc Thái vừa tích cực tổ chức xây dựng cơ sở mới ở Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội để từng bước đưa toàn bộ hoạt động của nhà Trường về Thủ đô Hà Nội.

Hôm nay nhà trường đã bề thế và đang tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, bắt kịp xu thế chung của khu vực và thế giới.

Về công tác đào tạo

Từ 1966 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 57 khoá đại học với hơn 70.000 kỹ sư thuộc 45 chuyên ngành khác nhau của các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Dầu khí, Trắc địa -Bản đồ, Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Công nghệ Thông tin, Cơ - Điện, Xây dựng và Môi trường. Trong đó có hàng trăm kỹ sư cho nước bạn Lào. Số sinh viên Cao đẳng đã tốt nghiệp là 4.188 người; 5.677 học viên Cao học đã bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ thuộc 15 ngành đào tạo; 405 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ thuộc 13 ngành đào tạo, trong đó có 3 Tiến sĩ và 21 Thạc sĩ của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào anh em. 

Nhà trường thường xuyên quan tâm cải tiến công tác giảng dạy. Đặc biệt trong 10 năm gần đây, Nhà trường đã thực hiện có kết quả chương trình cải cách giáo dục theo chiều sâu với hệ thống chương trình giảng dạy đổi mới (về nội dung và thời gian) nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. 

Hiệp hội làm việc với Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Trường Đại học Mỏ – Địa chất là một trong những trường đi đầu trong việc tổ chức thực hiện nghiêm túc và có kết quả chủ trương cải cách giáo dục ở bậc đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong 8 năm gần đây, Nhà trường chuyển đổi hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ từ K54 và đào tạo chương trình tiên tiến cho ngành kỹ thuật hóa học, chuyên ngành Lọc - Hóa dầu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội.

Nhà trường luôn duy trì công tác đào tạo trong mọi hoàn cảnh, không ngừng mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hoá các loại hình đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, liên thông Cao đẳng - Đại học trong trường và ngoài trường) với địa bàn rộng khắp cả nước. Trong đó, Nhà trường đặc biệt chú trọng các vùng công nghiệp khai thác than và dầu khí (Quảng Ninh và Vũng Tàu), các khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Hiện nay nhà trường đã tuyển sinh được 62 khóa đại học, 23 khóa cao đẳng, 34 khóa sau đại học với quy mô hiện nay là 20.000 sinh viên.

Về nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất:

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ luôn được Nhà trường coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nhà trường luôn có bước phát triển mạnh mẽ và đúng hướng với hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, hàng nghìn đề tài và hợp đồng cấp Bộ và ngành với hiệu quả kinh tế ngày càng cao (hàng trăm tỷ đồng hàng năm), địa bàn hoạt động ngày càng rộng. 

Thông báo số 2 về Hội thảo khoa học sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo             

Trong 50 năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học của Nhà trường đã chủ trì thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học như sau: 172 đề tài cấp Nhà nước; 494 đề tài cấp Bộ và 1407 đề tài cấp trường. Trong đó, Nhà trường đặc biệt chú trọng công tác Nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ phục vụ ngày càng nhiều cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các doanh nghiệp, các địa phương.

Hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà trường tập trung chủ yếu vào các thế mạnh về ngành nghề có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao thuộc các lĩnh vực điều tra quy hoạch, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và quản lý đất đai, lãnh thổ. Nhà trường đã quan tâm đầu tư các phòng thí nghiệm công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhà trường hiện có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn, Triển khai Công nghệ và Xây dựng Mỏ - Địa chất, 8 Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ thuộc các lĩnh vực Khai thác mỏ, Cơ điện mỏ, Địa kỹ thuật, Địa chất môi trường, Trắc địa - Công trình, Trắc địa -Bản đồ, Công nghệ khoáng chất và hỗ trợ phát triển khoa học kĩ thuật để tạo điều kiện cho các nhà khoa học của trường hoạt động. 

Tổng kết hoạt động Khoa học công nghệ - Lao động sản xuất giai đoạn 2011-2015 cho thấy những con số đáng tự hào đó là tổng doanh thu trên 800 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước 65 tỷ đồng và đóng góp vào quỹ phúc lợi của Trường hàng chục tỷ đồng.

Sứ mạng, tầm nhìn trong những năm tiếp theo

Trường Đại học Mỏ - Địa chất có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học Trái đất và Mỏ, cũng như các lĩnh vực khoa học khác, đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Trường Đại học Mỏ - Địa chất từng bước phấn đấu đến năm 2020 trở thành trường đại học trọng điểm phát triển đa ngành và có tính đặc thù; có uy tín trong cả nước và khu vực, với quy mô đào tạo từ 25000 - 30.000 sinh viên (quy đổi) thuộc các hệ đào tạo; bồi dưỡng nguồn nhân lực chất ượng cao về lĩnh vực điều tra và nghiên cứu cơ bản trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường Đại học Mỏ - Địa chất là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về khoa học trái đất, mỏ và các lĩnh vực khoa học khác; là nơi có nhiều chuyên gia, giảng viên có trình độ cao đứng hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Trắc địa - Bản đồ, Dầu khí, Công nghệ Thông tin, Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Xây dựng, đặc biệt là xây dựng các công trình ngầm, và Môi trường.

Hiệp hội đại học và cao đẳng Việt Nam thăm và làm việc tại Đại học Tôn Đức Thắng

Nhà trường không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học, cung ứng dịch vụ tư vấn, liên kết đào tạo bằng tiếng nước ngoài theo chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao với các trường đại học có uy tín trong khu vực và quốc tế; phát triển các ngành và chuyên ngành mới nghiên cứu về biển, môi trường, các ngành giao thoa giữa các công nghệ khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên của đất nước; xây dựng một số viện nghiên cứu chuyên ngành trong Nhà trường, củng cố và hoàn thiện cơ sở đào tạo chính quy ngoài trường; quy hoạch và xây dựng trường hiện đại, tiên tiến có hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm chuyên ngành, hệ thống thư viện hiện đại, hệ thống phòng học đa năng, hệ thống phục vụ đào tạo hoàn chỉnh tầm cỡ quốc gia và trở thành cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo hệ thống tín chỉ, đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập khu vực và thế giới. 

Phấn đấu đến năm 2030, Trường Đại học Mỏ - Địa chất trở thành trường Đại học định hướng nghiên cứu có thương hiệu trong nước và khu vực.

Nhà trường sẵn sàng là một thành viên tích cực của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, gánh vác nhiệm vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ trong nhiệm kỳ đầu tiên, và làm nòng cốt trong khối trường có đặc thù riêng này, đưa hoạt động đào tạo và nghiên cứu triển khai các đề tài về khoa học trái đất, vũ trụ, tài nguyên, môi trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Văn Đình Ưng