Sau Tết, có địa phương “gọi” học trò ra lớp bằng hoạt động văn hóa nghệ thuật

31/01/2023 09:08
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sau Tết, ngành GD địa phương chỉ đạo quán triệt, hướng dẫn giải pháp sớm ổn định tổ chức, vận động học sinh ra lớp, thực hiện nhiệm vụ năm học.

Theo thông tin từ một số lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, ưu điểm nổi bật trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 là các đơn vị, trường học chú trọng quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Không để xảy ra tình trạng cháy nổ, mất an toàn hoặc sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của thầy, trò.

Song, sau Tết, trở lại trường, nhịp sinh hoạt, học tập của học sinh ít nhiều bị xáo trộn. Có học sinh chưa đến trường do đau ốm.

Một số học sinh chưa trở lại trường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) cho biết, để đảm bảo cho học sinh trên địa bàn toàn huyện quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngày 30/1/2023, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức ra quân kiểm tra điều kiện tựu trường, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dạy và học tại các cơ sở.

Trực tiếp tham gia đoàn công tác của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thầy Trường ghi nhận kết quả ban đầu cho thấy, hầu hết các trường đã và đang thực hiện theo đúng kế hoạch của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc tổ chức cho học sinh quay trở lại trường tham gia học tập sau Tết.

“Về việc duy trì sĩ số lớp, cơ bản các trường đảm bảo được số lượng học sinh quay trở lại trường, nghiêm túc dạy và học những buổi đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp học sinh gặp vấn đề sức khỏe, đau yếu nên chưa đến trường”, thầy Trường thông tin.

Cùng bàn về việc quán triệt thực hiện hướng dẫn của ngành giáo dục địa phương đến các cơ sở trường học trong công tác ổn định dạy và học sau Tết, ông Phạm Đăng Khoa- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có chỉ đạo đến các trường tổ chức dạy học đảm bảo diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch.

Theo đó, tính đến ngày 30/1/2023, các trường tiến hành đón học sinh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để ổn định tổ chức dạy và học tiếp chương trình của học kỳ II. Từ đó, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của năm học đã đề ra.

Thực hiện “3 đủ” khi học sinh trở lại trường

Cũng chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Công Liêm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, để học sinh bắt nhịp trở lại với việc học, nhanh chóng ổn định đi vào nền nếp, lãnh đạo Sở đã có những chỉ đạo quán triệt đến các cơ sở giáo dục.

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn)

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn)

Từ ngày 30/1/2023, học sinh toàn tỉnh Lạng Sơn chính thức đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trước đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã huy động giáo viên tham gia tổng dọn vệ sinh trường lớp, kiểm tra hệ thống các phòng học, trang thiết bị để đảm bảo vận hành tốt nhất.

“Đặc biệt quan tâm đến học sinh ở địa bàn vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đơn vị trường học tích cực chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để đến từng cơ sở, thôn, bản vận động học sinh đến lớp sau Tết.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo về duy trì sĩ số học sinh. Thực hiện tốt “3 đủ” đó là: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh”, ông Liêm nói.

Về trách nhiệm của đội ngũ giáo viên đối với việc theo dõi, duy trì sĩ số lớp, ông Liêm lưu ý:

Thứ nhất, các giáo viên chủ nhiệm lớp cần thực hiện báo cáo sĩ số học sinh của lớp mình hàng ngày, kết hợp tìm hiểu, theo dõi sát sao tình hình, diễn biến tâm lý học trò.

Thứ hai, giáo viên nhạy bén trong nhận diện học sinh có các biểu hiện khác thường để can thiệp kịp thời như: học sinh muốn nghỉ học, buồn chán, không học bài, không làm bài tập về nhà khi quay trở lại trường… để từ đó có căn cứ vận động, khích lệ học sinh đi học đều.

Thứ ba, trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ đến tận nơi gia đình để tìm hiểu, vận động học sinh và đề xuất các giải pháp giúp đỡ cho từng đối tượng.

Ngoài ra, nhà trường cũng có thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh của trường để tuyên truyền, vận động học sinh đi học trở lại.

Đối với các đoàn thể trong nhà trường, cần tổ chức ký cam kết về trách nhiệm trong công tác huy động và duy trì sĩ số, trong đó quy định rõ trách nhiệm mỗi bên cũng như các biện pháp phối hợp khi có hiện tượng học sinh bỏ học xảy ra.

Thứ tư, giáo viên không ngừng đổi mới.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, quay trở lại trường sau dịp nghỉ Tết kéo dài, nhiều học sinh vẫn còn dư âm không khí ngày lễ nên sinh ra tâm lý chán nản khi học.

“Do vậy, giáo viên phải không ngừng thực hiện đổi mới phương pháp học, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá học sinh để làm cho giờ học trở nên vui hơn, hứng thú và cuốn hút hơn.

Đồng thời, với những học sinh có hoàn cảnh éo le, gia đình khó khăn, giáo viên cần thể hiện sự quan tâm, động viên nhiều hơn”, ông Liêm cho biết.

Thứ năm, “gọi” học trò ra lớp bằng việc tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Giáo dục và đào tạo cần chú trọng tổ chức những hoạt động văn nghệ nhằm thu hút học trò. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục đảm bảo điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đầu xuân, tạo không khí hấp dẫn, vui tươi, thu hút học sinh ra lớp.

Bên cạnh đó, đối với các trường có học sinh bán trú, nhà trường quan tâm ổn định chỗ ăn, ở và tổ chức các hoạt động bán trú cho các em học sinh tham gia. Qua đó, từng bước lồng ghép tuyên truyền giáo dục về động cơ học tập đúng đắn, giúp các em học sinh hình thành nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của việc học.

Ngọc Mai