Shinzo Abe: Trung Quốc là "kẻ đầu sỏ" phá hoại hòa bình của Nhật Bản

17/11/2013 09:16
Việt Dũng
(GDVN) - "Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là nguyên nhân chủ yếu làm cho môi trường an ninh của Nhật Bản trở nên nghiêm trọng".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Trung Quốc là kẻ đầu sỏ phá hoại hòa bình Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Trung Quốc là kẻ đầu sỏ phá hoại hòa bình Nhật Bản.

Trang mạng "Tin tức Trung Quốc" ngày 8 tháng 11 dẫn tờ "Japan News Network" Nhật Bản đưa tin, tại Hội nghị toàn thể Thượng viện sáng ngày 8 tháng 11 (giờ địa phương), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công khai phê phán đích danh Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là nguyên nhân chủ yếu làm cho môi trường an ninh của Nhật Bản trở nên nghiêm trọng, vì vậy cho rằng Nhật Bản cần thiết thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, tăng cường cơ chế bảo đảm an ninh.

Theo bài báo, khi trình bày về dự luật liên quan đến việc thiết lập Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản với các nghị sĩ tại Thượng viện, ông Shinzo Abe đã phát biểu như trên. Ông nói, Trung Quốc đang không ngừng tăng cường quân bị, CHDCND Triều Tiên cũng đang tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, môi trường bảo đảm an ninh của Nhật Bản trở nên tiếp tục nghiêm trọng. Nhật Bản cần phải phát huy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của các nhà chỉ đạo quốc gia, tích cực thúc đẩy xây dựng chính sách bảo đảm an ninh quốc gia.

Bài báo chỉ ra, tại Quốc hội, Thủ tướng Abe công khai phê phán đích danh Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là "kẻ đầu sỏ" phá hoại môi trường hòa bình của Nhật Bản, được báo Trung Quốc coi là một việc "hiếm thấy".

Tháng 5 năm 2013, ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông (ảnh tư liệu, minh họa)
Tháng 5 năm 2013, ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông (ảnh tư liệu, minh họa)

Báo Trung Quốc cho rằng, ông Shinzo Abe đã nhiều lần tuyên bố "đối đầu với Trung Quốc". Khi trả lời phỏng vấn tờ "Nhật báo phố Wall" gần đây, ông Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản không thể cho phép Trung Quốc tìm cách dùng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng, cần phát huy vai trò lãnh đạo trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, chống lại Trung Quốc. Là người đứng đầu cơ quan hành chính tối cao quốc gia Nhật Bản, ông Abe tuyên bố rõ ràng về sự đối đầu Trung-Nhật như vậy là điều hiếm có trong các đời Thủ tướng Nhật Bản.

Khúc Tinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, ông Shinzo Abe và Đảng Tự do Dân chủ (LDP) của ông luôn tìm cách thay đổi địa vị của Nhật Bản sau chiến tranh, điểm đột phá chính là sửa đổi "Hiến pháp hòa bình", tìm cách thực hiện quyền tự vệ tập thể. Ông Abe nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc, ở trong nước nhằm giành lấy sự ủng hộ của cử tri, với bên ngoài nhằm hưởng ứng Mỹ, mục đích của ông Shinzo Abe là để "tích lũy sức mạnh" cho sửa đổi Hiến pháp.

Theo báo Trung Quốc, trước những phát biểu của ông Shinzo Abe, Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra những phản ứng quyết liệt (chủ yếu là Trung Quốc lo ngại Nhật Bản mạnh lên, sợ không đỡ được).

Chẳng hạn, ngày 29 tháng 10, người phát ngôn thông tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói: "Chúng tôi chú ý đến, Nhật Bản gần đây không ngừng tuyên truyền mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, mục đích của Nhật Bản là để tạo cớ tăng cường quân bị. Về lịch sử, Nhật Bản từng bịa chuyện để phát triển sức mạnh quân sự, thậm chí phát động chiến tranh xâm lược các nước khác, hơn nữa đến nay chưa thức tỉnh sâu sắc. Các hành động của Nhật Bản đáng để các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế cảnh giác cao độ".

Máy bay ném bom H-6 cùng với máy bay không người lái liên tục hoạt động áp sát không phận Nhật Bản.
Máy bay ném bom H-6 cùng với máy bay không người lái liên tục hoạt động áp sát không phận Nhật Bản.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng từng tuyên bố: Trung quốc có lập trường rất rõ ràng trong các vấn đề có liên quan. Bà Oánh tuyên truyền rằng: "Trung Quốc kiên định đi con đường phát triển hòa bình, đây là sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, có căn cứ vào trào lưu phát triển của thời đại và lợi ích căn bản quốc gia. Đối với các bất đồng và tranh chấp với các nước láng giềng, Trung Quốc nhất quán chủ trương và dốc sức cho thông qua đối thoại, hiệp thương tiến hành quản lý, kiểm soát và giải quyết thỏa đáng. Đồng thời, đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, Trung Quốc đương nhiên cũng tiến hành ứng phó kiên quyết" (Trung Quốc chủ trương hiện thực hóa "đường lưỡi bò" bất hợp pháp trên Biển Đông, muốn nuốt trọn quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi cạn Scarborough... và nhiều vùng biển trên Biển Đông).

Theo bà Oánh, nhà lãnh đạo Nhật Bản liên tục có các phát ngôn "khiêu khích Trung Quốc" tiếp tục cho thấy, "các chính khách Nhật Bản cuồng vọng và bị trúng tim đen theo kiểu tự lừa dối mình", yêu cầu "Nhật Bản phải có thiện chí và hành động thực tế", "có những nỗ lực thiết thực" để bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực. Do nguyên nhân lịch sử, Trung Quốc muốn Nhật Bản "thức tỉnh lịch sử" thực sự, kiên trì đi con đường phát triển hòa bình, không nên "kêu khẩu hiệu suông", mà phải bằng hành động thực tế, có những nỗ lực thực sự để bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực.

Đại quân khu Nam Kinh, Quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận đổ bộ (ảnh tư liệu)
Đại quân khu Nam Kinh, Quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận đổ bộ (ảnh tư liệu)

Việt Dũng