Shop 0 đồng của cô giáo Anh Đào

25/07/2019 06:53
Phan Tuyết
(GDVN) - Những nghĩa cử tốt đẹp sẽ mang hơi ấm tình người lan xa, góp phần sưởi ấm và nhân lên những giá trị nhân văn giúp cuộc sống ngày thêm ấm áp, ý nghĩa hơn.

Trong cuộc sống còn đầy rẫy sự bon chen, nhiều người chỉ lo thu vén cho quyền lợi bản thân và gia đình mà quên đi những vất vả, khốn khó của bao người xung quanh.

Thế mà đây đó, vẫn còn những tấm lòng vị tha, nhân ái sống vì người khác, luôn trăn trở với những nỗi lo toan thường nhật .

Người mà chúng tôi muốn nói ở đây là cô giáo Lê Thị Anh Đào, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thị Trấn, huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang.

Học sinh đến phụ cô phát vở miễn phí cho học sinh nghèo (Ảnh nhân vật cung cấp)
Học sinh đến phụ cô phát vở miễn phí cho học sinh nghèo (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đến khu phố Vĩnh Phước 1, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, một địa phương có đến 40% người dân là dân tộc Khmer, đời sống của họ cũng khá khó khăn.

Nỗi khó khăn, vất vả càng được nhân lên khi vào mỗi mùa tựu trường.

Cô Anh Đào bên những bộ đồng phục đã được phân loại (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô Anh Đào bên những bộ đồng phục đã được phân loại (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thôi thì đủ thứ phụ huynh phải lo, phái sắm. Từ những đồ dùng học tập đơn giản như thước, viết, bảng đến cái cặp sách, những cuốn vở, bộ sách giáo khoa…

Và, nặng tiền nhất là những bộ đồng phục, những đôi giày, đôi dép đến trường. Nếu sắm đủ những thứ này phải mất cả tiền triệu mới đủ.

Rồi tiền bảo hiểm, xây dựng, tiền học phí…gia đình có kinh tế còn xính rính huống hồ chi những gia đình nghèo khó?

Đồng cảm với những nỗi lo toan, vất vả của bao hộ nghèo, cảm thấy tiếc vì luôn nhìn thấy những hình ảnh đối lập “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”.

Shop 0 đồng của cô giáo Anh Đào ảnh 3
Hơn 30 năm, cô giáo vẫn say đắm nghề nuôi dạy trẻ

Cô giáo Lê Thị Anh Đào, đã cho ra đời “Shop 0 đồng” với thông điệp “Trao đổi quần áo, đồ dùng học tập” với ghi chú (Ai thừa đến cho-Ai thiếu đến nhận).

Việc làm tốt nhận được sự ủng hộ của nhiều người

Theo cô Đào, lúc đầu cũng chỉ gom góp những đồ dùng học tập, những bộ sách, những bộ đồ đồng phục của con mình và một số gia đình người thân còn mới không dùng nữa.

Nhưng sau đó, nhiều người biết đến “Shop 0 đồng” ý nghĩa, nhân văn và nhiệt tình chung tay.  

Trong số đó, phần lớn là những người “trả ơn” cô giáo vì đã dạy kèm con cái họ nhưng không lấy tiền.

Cô dùng số tiền được ủng hộ ấy mua những tập vở mới để tặng cho các em.

Có người lại không góp tiền mà chủ động góp 50 cuốn vở trắng. Giờ đã có gần 400 cuốn vở trắng loại 200 trang được mua từ những khoản tiền ủng hộ của một số phụ huynh, bạn bè.

Cô Đào cho biết, học sinh tiểu học khó khăn sẽ được ủng hộ 6 cuốn vở, học sinh trung học nhận được 12 cuốn, số vở đủ dùng cho một năm học.

Việc làm của cô không chỉ nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh mà chính nhiều em học sinh cũng tình nguyện góp công sức.

Các em đến shop để phân loại những bộ sách, những bộ đồ dùng học tập, những bộ đồng phục theo lớp, theo lứa tuổi để giúp người nhận dễ chọn lựa.

Vừa giúp cô, đồng thời thông qua những việc làm này, chính các em cũng đang học được sự sẻ chia với những người không may mắn như mình.

Mong muốn có nhiều bàn tay ấm để đường đến trường của những đứa trẻ nghèo bớt gập ghềnh hơn

Shop 0 đồng của cô giáo Anh Đào ảnh 4
Vẫn còn nhiều giáo viên như thầy Ninh Văn Dậu

Khi nghe chúng tôi có ý định viết báo, cô Đào cũng cho biết, việc làm của mình cũng nhỏ, chưa có gì to tát cả.

Thế nhưng, cô muốn nhiều người biết đến địa chỉ “Shop 0 đồng” để ai thiếu đến nhận, ai thừa đến cho.

Đây sẽ là cơ hội giảm đi một phần nào những lo toan cho những gia đình khó khăn.

Và cũng là nơi sẽ tiếp nhận sự giúp đỡ của những gia đình có mức sống khá hơn.

Những nghĩa cử, những việc làm tốt đẹp sẽ mang hơi ấm tình người lan xa, góp phần sưởi ấm và nhân lên những giá trị nhân văn, giúp cuộc sống ngày thêm ấm áp, ý nghĩa hơn.

Phan Tuyết