Sinh viên có nhiều thuận lợi khi Bộ GD điều chỉnh thời gian đào tạo tối đa

21/02/2023 06:48
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc điều chỉnh thời gian đào tạo tối đa là một quy định nhân văn giúp tạo điều kiện cho những sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn.

Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế đào tạo trình độ đại học có điểm đáng chú ý về thời gian đào tạo tối đa.

Theo Thông tư này, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học do các trường quy định, nhưng không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo.

Như vậy có thể hiểu, chẳng hạn ngành học theo kế hoạch học tập 3 năm rưỡi sẽ có thời gian đào tạo tối đa 7 năm, ngành 4 năm - thời gian đào tạo tối đa 8 năm, ngành 5 năm - thời gian đào tạo tối đa 10 năm và ngành 6 năm - thời gian đào tạo tối đa 12 năm.

Ngoài ra, quy chế này còn có một điểm mới là quy định về việc kéo dài thời gian đào tạo tối đa với những sinh viên chưa hoàn thành chuẩn đầu ra. Sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong thời hạn 3 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.

Chia sẻ từ Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, quy định về thời gian đào tạo tối đa với sinh viên, nhất là với những trường hợp chưa hoàn thành chuẩn đầu ra mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người học.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành. (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành. (Nguồn: Fanpage nhà trường).

“Theo tôi được biết, nhiều nước trên thế giới còn không có giới hạn về thời gian đào tạo. Tuy nhiên, với điều kiện và tình hình kinh tế của Việt Nam hiện tại là sử dụng nguồn lao động trẻ nhiều, mong muốn những người trẻ được đào tạo sớm ra nhập thị trường lao động.

Do đó, việc cho người học được kéo dài thời gian đào tạo tối đa là không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn trong thời điểm hiện tại là hoàn toàn hợp lý vì vừa giúp người học giải quyết các vấn đề khó khăn của bản thân vừa phù hợp với nhu cầu về nguồn nhân lực lao động của đất nước".

Với những quy định hiện hành, sinh viên sẽ sắp xếp thời gian học thế nào cho hợp lý với bản thân nhất.

Do vậy, tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các sinh viên ra trường muộn (do chưa đủ điều kiện tốt nghiệp) thì cũng có nhiều sinh viên ra trường sớm (nhờ đăng ký học vượt số lượng tín chỉ trung bình trong mỗi học kỳ).

Tùy theo thời gian đào tạo của từng ngành học, trường cũng có những sinh viên học đến 8 năm, 9 năm mới ra trường theo đúng quy định hiện hành về thời gian đào tạo tối đa và chuẩn đầu ra.

Thông thường, sinh viên ra trường muộn chủ yếu vì hai lý do: chưa có đủ chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra; chưa tích lũy đủ các môn học để ra trường và cũng có những em muốn tận dụng được hết thời gian đào tạo tối đa.

Lý giải về việc tại sao nhiều sinh viên muốn sử dụng hết thời gian đào tạo tối đa, thầy Hải cho hay, một số sinh viên gặp khó khăn về tài chính nên mỗi năm thường đăng ký ít môn để việc đóng học phí được dàn trải ra, gánh nặng về kinh tế được nhẹ nhàng hơn.

Một số khác thì muốn điểm được cao hơn nên đã đăng ký số lượng môn học ít hơn trong một kỳ để khả năng học, tiếp thu, làm bài tập cũng như dành thời gian cho việc học được nhiều hơn.

Mặt khác, thầy Hải cũng cho rằng, đây là một quy định vừa chặt chẽ, vừa nhân văn, lại hỗ trợ học tập nghiêm túc và hỗ trợ học tập suốt đời theo đúng mục tiêu mà giáo dục nước nhà đang đề ra.

Theo đó, với Thông tư 08/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và ban hành các quy chế đào tạo (sửa đổi) để mang lại thuận lợi nhất cho người học.

Hơn nữa, để giảm thiểu tình trạng sinh viên ra trường muộn do không đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo quy định, trường cũng đưa ra các giải pháp khắc phục như: tập trung nhiều hơn vào phát triển năng lực ngoại ngữ cho người học.

Nhờ vậy, sinh viên sẽ được học tăng cường thêm hai học phần về khả năng giao tiếp ngoại ngữ và việc học ngoại ngữ được khuyến khích ngay từ năm thứ nhất theo quy chế mới của nhà trường được điều chỉnh vào tháng 12/2022.

Với quy chế mới này, khi sinh viên đạt được được chứng chỉ ngoại ngữ thì có thể nộp và được công nhận đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ ngay từ thời điểm đó để khoảng thời gian sau, các em dễ dàng tập trung hơn vào các môn học khác.

Kể từ khi áp dụng, quy chế này đã được sinh viên nhà trường đánh giá cao cùng nhiều phản hồi tích cực.

Bên cạnh đó, trường cũng dự kiến triển khai trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc dùng cho Việt Nam ngay tại trường để có thể khuyến khích sinh viên học ngoại ngữ nhiều hơn, và tỉ lệ ra trường đúng hạn từ đó cũng sẽ được cải thiện hơn.

Ngoài ra, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, để nâng cao chất lượng dạy và học, trường cũng đang sắp xếp các lớp học có sĩ số vừa phải giúp giảng viên hướng dẫn tận tình hơn tới người học.

Sắp tới, đội ngũ cố vấn học tập cũng tiếp tục triển khai hướng dẫn, tư vấn thêm về phương pháp học tập cho sinh viên để có định hướng học tập tốt hơn, đặc biệt là với các bạn sinh viên năm nhất còn bị ảnh hưởng bởi cách học từ phổ thông, chưa quen với môi trường đại học.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Thị Thanh Huyền, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên cho hay:

“Đây là một quy định cần thiết và hợp lý bởi nó tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được hoàn tất việc học, tốt nghiệp ra trường tùy theo điều kiện hoàn cảnh của từng cá nhân. Theo quy định chung, hiện trường cho phép sinh viên các ngành đào tạo được học tối đa trong 8 năm - gấp đôi thời gian chương trình thiết kế”.

Theo cô Huyền, thời gian tốt nghiệp trung bình của sinh viên nhà trường thường rơi vào khoảng 4 - 4,5 năm. Trường cũng có trường hợp sinh viên phải học đến thời hạn tối đa 8 năm, chiếm khoảng 3-5% số sinh viên mỗi năm, thường là với những trường hợp gặp lý do như đang học thì đi nghĩa vụ quân sự hay xây dựng gia đình,...

Cô Huyền cho rằng, thời gian đào tạo tối đa theo quy định của Thông tư 08 là phù hợp, không nên kéo dài thêm. Quy định thời gian tối đa là để sinh viên đặt ra lộ trình học tập hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định: những sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ, công nghệ thông tin, giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc giáo dục thể chất, có thêm 3 năm nữa để hoàn thành.

Dù vậy, đến nay, tại trường có rất ít trường hợp sinh viên bị thiếu chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học dẫn tới ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp. Bởi trường luôn sát sao trong việc lưu ý các sinh viên về những quy định về chuẩn đầu ra này.

Khánh An