Sir Alex rút lui: Tựa Càn Long buông rèm nhiếp chính

09/05/2013 12:56
Trí Công
(GDVN) - Sir Alex vẫn sẽ gắn bó với M.U nhưng với một tư cách khác: giám đốc kỹ thuật. Tựa vua Càn Long khi xưa nhường ngôi cho thái tử Vĩnh Diễm nhưng vẫn buông rèm nhiếp chính hằng ngày, Sir Alex cũng sẽ như một vị Thái thượng hoàng đứng trên cao giữ vững uy quyền và dõi theo những biến chuyển ở nửa đỏ thành Manchester.
Càn Long là hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh, cũng là hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ trị vì của ông kéo dài 60 năm và đây cũng là thời kỳ mà nhà Thanh cực thịnh, đặc biệt là về kinh tế và quân sự. Năm 1796, ông nhường ngôi cho con là Vĩnh Diễm. Nhưng thay vì lui về an dưỡng, vui thú điền viên thì Càn Long vẫn giữ quyền lực triều chính, trở thành Thái thượng hoàng.

Giữa Sir Alex và Càn Long tuy khác nhau cả về thời gian lẫn không gian nhưng ở cả hai vị luôn có những điểm chung thật đặc biệt. Giống như nhà Thanh thời vua Càn Long, M.U trong 27 năm dưới sự trị vì của Sir Alex cũng trở nên cực thịnh. Từ một đội bóng trên bờ khủng hoảng, HLV người Scotland đã hồi sinh “bầy Quỷ” và biến họ trở thành một trong những đội bóng mạnh nhất thế giới với rất nhiều những danh hiệu, những chiếc cúp lấp lánh trong phòng truyền thống.

Sir Alex quyết định rút lui vào hậu trường.
Sir Alex quyết định rút lui vào hậu trường.

Tuy nhiên, cũng như vị hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh, Sir Alex có thể đánh bại tất cả nhưng không thể chiến thắng được thời gian với những dấu hằn của tuổi tác. Và để gắn bó lâu hơn với Quỷ đỏ, ông quyết định chọn một cương vị khác, giám đốc kĩ thuật, được xem như Thái thượng hoàng ở “nhà hát của những giấc mơ”.

Mỗi bước đi của vĩ nhân luôn ẩn chứa những hàm ý sâu xa. Nếu như Càn Long buông màn nhiếp chính để triều đại nhà Thanh có thêm thời gian cho Vĩnh Diễm làm quen rồi trở thành thiên tử thì ở Manchester, Sir Alex cũng muốn tạo ra một bước đệm cần thiết cho sự chuyển mình của triều đại mới với một người sẽ kế vị ông.

Càn Long không muốn việc nhường ngôi tạo nên sự nổi loạn của những công thần đã phục vụ ông trong suốt triều đại rực rỡ. Alex Ferguson cũng không muốn sự ra đi của mình trở thành nguyên nhân khiến những ngôi sao rời Old Trafford.

Khi hay tin Sir Alex ra đi, đã có quá nhiều những thông tin kẻ đến thay, người đào thoát. Rooney phục thầy bởi sự vĩ đại của một người cha; Giggs và Scholes vẫn ngày ngày ra sân tập vì người thầy của họ vẫn còn tại vị; những Phil Jones, Rafael, Cleverley cần tài năng và sự dìu dắt của ông để khôn lớn. Nếu đột nhiên người thầy mà họ gắn bó biến mất, liệu rằng những ngôi sao còn giữ được lửa đam mê và sự trung thành tuyệt đối.

Người hâm mộ sẽ không còn được nhìn thấy Sir Alex nhiều như trước, nhưng ông vẫn sẽ âm thầm cống hiến cho đội bóng.
Người hâm mộ sẽ không còn được nhìn thấy Sir Alex nhiều như trước, nhưng ông vẫn sẽ âm thầm cống hiến cho đội bóng.

Sir Alex thừa kinh nghiệm và bản lĩnh để hiểu rằng, nếu một ngày ông vẫn còn hiện diện ở  Manchester, dù ở tư cách nào đi nữa thì đồng nghĩa ông sẽ tạo nên một bức tường vô hình sừng sững cho người kế vị. Bởi khó khăn nhất không phải tạo nên thành công mà là phải vượt qua cái bóng thành công của người tiền nhiệm đã gây dựng trước đó. Nhưng, ông vẫn cần phải hiện diện ở M.U để “Quỷ đỏ” tìm thấy một sự ổn định.

Giống như Cantona đã từng nói, có thể có một Cantona khác, một Giggs khác…, nhưng Alex Ferguson ở Manchester là chỉ có một. Sir Alex là tượng đài vĩ đại, là biểu tượng tinh thần vô cùng lớn, là niềm tin cao vời vợi và sự động viên lớn lao tiếp lửa cho “bầy Quỷ” chiến đấu. Chính vì thế, M.U cần ông và ngược lại, M.U là cuộc sống của ông. Cho dù không còn nhiều dấu ấn trên khâu chỉ đạo nhưng ít ra, biêu tượng tinh thần ở Old Trafford vẫn cần được giữ vững, cho đến khi triều đại mới tại “nhà hát của những giấc mơ” định hình giúp tìm thấy lối đi cho những thành công mới.
Trí Công