Sở hữu chéo giữa các ngân hàng có thể gây lũng đoạn thị trường

30/07/2017 07:57
Mai Anh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, sở hữu chéo có thể dẫn đến tài sản biến động gây nên dư nợ bất thường, khó phân biệt để quản lý và ngăn chặn rủi ro.

Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ngày 18/7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng truyền đạt 6 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần giải trình, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhất; trong đó có vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36 – Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì việc sở hữu chéo được kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải không còn.

Do đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nghiêm túc Thông tư 36 nhằm giảm sở hữu chéo.

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng được xem sẽ gây ra nguy cơ thống lĩnh thị trường gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, do đó yêu cầu của Chính phủ trong việc giảm sở hữu chéo là yêu cầu bắt buộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cần giải pháp căn cơ

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay do lịch sử để lại do trước đây các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ một phần vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm hỗ trợ các ngân hàng này. 

Vì thế, các mối quan hệ sở hữu chéo được hình thành chằng chịt giữa các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng thương mại nước ngoài, các quỹ tài chính, doanh nghiệp nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân. 

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngân hàng sở hữu chéo với số lượng cổ phần lớn dẫn đến khó quản lý quản lý - ảnh nguồn Báo Công an nhân dân.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngân hàng sở hữu chéo với số lượng cổ phần lớn dẫn đến khó quản lý quản lý - ảnh nguồn Báo Công an nhân dân.

Thời điểm cuối 2011, có 8 ngân hàng thương mại cổ phần có quan hệ cổ phần với 4 ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có trường hợp một ngân hàng thương mại nhà nước sở hữu cùng lúc nhiều cổ phần tại 4 ngân hàng. 

Tình trạng sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có chẳng hạn như Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất -Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từng sở hữu 10,6% (sau giảm xuống hơn 8%) cổ phần tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), 8,5% cổ phần tại Ngân hàng Việt Á.

“Nắm bắt thực trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và xác định xử lý sở hữu chéo là một công việc cần thiết trong mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 36, sau khi thông tư được việc sở hữu chéo được kiểm soát tốt hơn”, Tiến sĩ Kiêm đánh giá.

Theo Điều 18 Thông tư 36 quy định một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá hai tổ chức tín dụng khác (trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó) đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó. 

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng có thể gây lũng đoạn thị trường ảnh 3

Triển khai thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng có thể gây lũng đoạn thị trường ảnh 4

Tăng cường quản lý, tránh lạm dụng Nghị quyết xử lý nợ xấu

Thực tế hiện nay nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước nắm giữ số lượng cổ phần lớn hơn 5% tại ngân hàng khác. Do đó yêu cầu Chính phủ thực hiện nghiêm Thông tư 36.

Theo Tiến sĩ Kiêm, việc đưa ra con số 5% trở thành nhiệm vụ cũng như mục tiêu để các tổ chức tín dụng đang có tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác.

Để đưa xuống con số 5% tỷ lệ sở hữu cổ phần có hai cách: Một là các tổ chức tín dụng nắm giữ cổ phần buộc phải thoái vốn xuống thấp hơn hoặc tối đa 5%;

Hai là tổ chức tín dụng đang bị một tổ chức tín dụng khác nắm giữ nhiều hơn 5% vốn điều lệ cần gấp rút có kế hoạch tăng vốn.

Cũng theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm việc ngân hàng sở hữu chéo với số lượng cổ phần lớn là vi phạm đến nguyên tắc công khai minh bạch dẫn đến khó quản lý quản lý.

Từ đó, gây ra rủi ro với khách hàng dẫn đến việc ngân hàng lợi dụng sở hữu để liên kết nhằm thao túng thị trường. 

“Khi sở hữu chéo dễ dẫn đến việc ngân hàng này sử dụng tài sản của ngân hàng kia hoặc ngược lại, dẫn đến tài sản biến động gây nên dư nợ bất thường, khó phân biệt để quản lý.

Đã không quản lý được không thể đảm bảo hiệu quả hoặc và ngăn chặn được rủi ro”, Tiến sĩ Kiêm nói. 

Ông Kiêm cho rằng, Chính phủ yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu chéo là xu hướng rất đúng nhưng muốn thực hiện được phải điều tra một cách cụ thể, phải có một lộ trình giải quyết từng bước một không nên làm vội vàng vì có thể gây rối cho hoạt động của các ngân hàng.

Lo ngại lũng đoạn thị trường

Đánh giá hệ lụy của sở hữu chéo giữa các ngân hàng, Luật sư Trần Minh Hải giảng viên của Học viện Tư pháp chuyên ngành pháp luật tài chính ngân hàng cho rằng, sở hữu chéo có nghĩa ngân hàng này có vốn góp vào ngân hàng kia.

Tuy nhiên để đánh giá tác động của nó cần phải phân biệt:

Thứ nhất, sở hữu cổ phần mang tính chất kinh tế như một dạng đầu tư, việc này hoàn toàn bình thường pháp luật không cấm; 

Thứ hai, việc sở hữu cổ phần nhằm thao túng, tác động đến cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Đây là điều lo ngại và cần phải ngăn chặn của cơ quan quản lý nhà nước.

Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, sở hữu chéo giữa các ngân hàng sẽ gây ra những hệ lụy như liên kết ngầm nhằm thống lĩnh thị trường hoặc thao túng, bòn rút các ngân hàng của nhau - ảnh: Hoàng Lực.
Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, sở hữu chéo giữa các ngân hàng sẽ gây ra những hệ lụy như liên kết ngầm nhằm thống lĩnh thị trường hoặc thao túng, bòn rút các ngân hàng của nhau - ảnh: Hoàng Lực.

Theo Luật sư Trần Minh Hải nếu nhìn ở khía cạnh thứ hai việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng sẽ gây ra những hệ lụy như liên kết ngầm nhằm thống lĩnh thị trường hoặc thao túng, bòn rút các ngân hàng của nhau. 

Ví dụ cổ đông của ngân hàng này khi sở hữu cổ phần ngân hàng kia, nhằm mục đích đem hết tất cả lợi thế của ngân hàng kia về lại ngân hàng mình sở hữu chính gây nên hậu quả về kinh doanh, hậu quả về thanh khoản cho ngân hàng. 

Hay việc thâm nhập lấy bí quyết kinh doanh của ngân hàng khác về ngân hàng mình sở hữu chính.

Từ những hệ lụy trên, theo Luật sư Hải việc giảm sở hữu chéo là cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ thao túng, lũng đoạn.

Trở lại với trường hợp sở hữu chéo của các ngân hàng tại Việt Nam, Luật sư Hải cho rằng, những yếu tố sở hữu chéo nhằm lũng đoạn thị trường ở Việt Nam là không thể.

Với tỷ lệ cổ phần chỉ chiếm 7-8% để can thiệp nội bộ tạo thành liên kết ngầm dẫn đến thống lĩnh trên thị trường hay lấy bí quyết kinh doanh là không cao. Phần lớn sở hữu chéo của ngân hàng Việt Nam hiện nay đều là các khoản đầu tư nhằm mục đích kinh doanh chứ không phải liên kết để lũng đoạn.

“Nhìn nhận mọi góc góc độ đó thì yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước giảm sở hữu chéo là đúng nhưng nên để ngân hàng thoái vốn dưới góc độ thị trường. Không nên bắt các ngân hàng phải thoái ra bằng mọi cách mà phải để thoái ra từ từ tránh ảnh hưởng đến các ngân hàng”, ông Hải nêu quan điểm.

Mai Anh