Sở, phòng giáo dục nào cũng làm được như Đồng Tháp, sẽ đẩy lùi nạn ngồi nhầm lớp

12/04/2021 07:02
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành giáo dục Đồng Tháp đã thẳng thắn, dũng cảm khi chọn cách đối diện trực tiếp với với sự thật đáng buồn thay vì né tránh, đổ lỗi và im lặng.

"Tôi chỉ mong con biết chữ!"

Mong ước của bà N.T.K.H., phụ huynh một trong những học sinh lớp 6 ở Đồng Tháp không biết đọc đã làm nhiều người thật sự thấy buồn và xót xa.

Con không biết vì sao con lại được lên lớp (Ảnh minh họa, nguồn: VTV)

Con không biết vì sao con lại được lên lớp (Ảnh minh họa, nguồn: VTV)

Không buồn sao được khi con đến trường đi học đến 7 năm trời (năm lớp 1 ở lại lớp) nhưng vẫn không biết đọc. Không xót xa sao được khi cái ước mong ấy lại quá đỗi bình thường nhưng vẫn phải ước để mong đạt được.

Riêng em học sinh không biết đọc nhưng vẫn lên lớp đều cũng đã ngỡ ngàng thốt lên: “Con cũng không biết vì sao con được lên lớp?”.

Quả thật, chính em làm sao có thể biết được cái nguyên nhân chính, nguyên nhân sâu xa buộc em phải lên lớp dù cha mẹ em đã có lời xin cho con được ở lại lớp là vì chỉ tiêu thành tích.

Chính chỉ tiêu đã cột lên đầu thầy cô, chỉ tiêu đã làm cho môi trường giáo dục xuất hiện gian dối, chỉ tiêu đã đưa bao người đến thành tích ảo… Và là nguyên nhân ngăn bước chân đến trường của biết bao đứa trẻ.

Nếu các sở, phòng giáo dục đều làm được như Đồng Tháp

Chuyện học sinh không biết đọc, biết viết mà vẫn đều đặn một năm lên một lớp có phải là cá biệt và chỉ xảy ra tại Đồng Tháp hay không?

Là giáo viên, chúng tôi dám khẳng định rằng đây không phải hiện tượng cá biệt.

Nếu làm một cuộc khảo sát công tâm, minh bạch thì tại nhiều tỉnh thành trong cả nước sẽ có không ít học sinh ngồi nhầm lớp hay hoàn thành chương trình tiểu học nhưng vẫn chưa đọc được.

Vấn đề, người ta thường bưng bít và không chịu thừa nhận kể cả khi sự việc được đưa ra ánh sáng.

Điển hình là thầy Trương Tấn Sĩ - hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Mỹ 1 - thừa nhận việc học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học nhưng đọc viết chưa rành là chưa đúng, trách nhiệm thuộc về giáo viên đôi khi nhà trường không biết.

Theo thầy Sĩ, cái khó hiện nay là việc đánh giá học sinh, các kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ tuy do giáo viên lớp trên gác kiểm tra lớp dưới nhưng chấm bài lại do giáo viên chủ nhiệm toàn quyền. Từ đó, dễ có "kẽ hở" để lọt những học sinh chưa đủ năng lực lên lớp mà đôi khi nhà trường cũng không biết. [1]

Tuy nhiên, trong câu chuyện buồn này, chúng tôi thật sự ghi nhận sự thẳng thắn, dũng cảm của ngành giáo dục Đồng Tháp khi chọn cách đối diện trực tiếp với với sự thật đáng buồn này thay vì né tránh, đổ lỗi và im lặng.

Sau khi sự việc được phản ánh, ngay sáng 9-4, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã có công văn chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng.

Theo đó, sở nhận định việc học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng xảy ra tại các cơ sở giáo dục do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

"Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học. Thậm chí, có cơ sở giáo dục còn gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp. Thực trạng này tuy chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng đã ảnh hưởng đến toàn ngành và gây bức xúc trong dư luận nhân dân".

Để tránh tình trạng chạy theo thành tích, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện "cứng" hay "khống chế" trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Sở yêu cầu các trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và thủ trưởng các cơ sở giáo dục thường xuyên triển khai ngay việc kiểm tra, rà soát, thống kê số học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu, báo cáo trước ngày 15-4. [1]

Chỉ tiêu lên lớp thẳng đã làm khốn khổ giáo viên và nhà trường

Đầu năm, trường học nào cũng phải ký cam kết về các loại chỉ tiêu với phòng giáo dục trong đó có chỉ tiêu học sinh lên lớp thẳng.

Nhà trường lại buộc các tổ chuyên môn ký chỉ tiêu với nhà trường. Khi chỉ tiêu đã ký, cuối năm không thực hiện đúng xem như giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy.

Nhà trường không hoàn thành chỉ tiêu trên giao thì trong các cuộc họp chuyên môn toàn huyện, thị cũng sẽ bị chất vấn, quy trách nhiệm chưa chỉ đạo chuyên môn sâu sát.

Họ chỉ quan tâm chỉ tiêu có đạt hay không? Cứ chỉ tiêu không đạt là mặc nhiên giáo viên dạy chưa tốt, chuyên môn nhà trường chưa chỉ đạo kịp thời…Vì những áp lực này, học sinh đã bị tước mất quyền lưu ban.

Nay, Sở Giáo dục Đồng Tháp yêu cầu các cơ sở giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện "cứng" hay "khống chế" trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Biện pháp này sẽ giúp giáo viên đánh giá kết quả học tập thật, giúp nhà trường báo cáo chất lượng thật. Và như thế, học sinh yếu sẽ có cơ hội học tập lại. Trong thực tế, có những học trò không đủ khả năng và thuận lợi để học kịp bạn bè.

Có nhiều giáo viên đã nỗ lực hết mình kèm cặp nhưng trò vẫn không thể tốt hơn. Có những em phải cần được ở lại một năm để củng cố thêm kiến thức. Và, quyết định không áp chỉ tiêu cho giáo viên đã tạo ra cơ hội cho những học sinh kém may mắn như thế có cơ hội được học tập, rèn luyện thêm.

Không riêng Đồng Tháp mới có những trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp thế này, nhưng đã tỉnh thành nào lên tiếng? Chúng tôi hy vọng sau Đồng Tháp, sẽ có nhiều địa phương noi gương xóa bỏ kiểu đánh giá bằng chỉ tiêu cũng là giúp giáo viên đánh giá chất lượng thật.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/vu-hoc-sinh-lop-6-khong-doc-duoc-chu-phu-huynh-tung-xin-cho-con-o-lai-lop-20210409150053265.htm?fbclid=IwAR00rFDekth0oPlCRoU25VAk7EMGvlr5L0ZYHc_E5vwZbGvZZVcY92_-_Lg{1}

Phan Tuyết