Sự thiếu hiểu biết của cha mẹ càng đẩy con vào tình trạng trầm cảm, đòi tự tử

14/04/2022 06:30
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam phụ huynh, thầy cô cần biết cách cân bằng cảm xúc trước khi truyền đạt lại cho trẻ kỹ năng này.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Đáng nói, trầm cảm học đường ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng.

Ngày 3/4, Báo An ninh Thủ đô đưa tin rạng sáng 1/4, nam sinh có tên L.N.N.M (SN 2006) ở quận Hà Đông, Hà Nội đã nhảy từ ban công tầng 28 của một căn hộ trong khu chung cư xuống tự vẫn. Trước khi có hành động dại dột này, nam sinh đã viết một bức thư để lại trên bàn dặn bố đọc.

Trong thư, nam sinh này đã gửi lời xin lỗi tới bố mẹ về hành động bồng bột. Sau khi xuất hiện trên mạng, bức thư và đoạn clip ghi lại hiện trường vụ tự tử đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Hầu hết mọi người đều bày tỏ sự đau đớn, xót xa trước việc làm dại dột của cậu bé.

Trước đó 1 ngày, tại Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, gia đình cháu cháu N.K.L phát hiện cháu L tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng.

Trước khi treo cổ tự tử cháu N.K.L - học sinh lớp 8 của một trường THCS ở Thành phố Bắc Ninh cũng để lại thư và nhiều trang nhật ký nói mình sắp đi xa. Được biết, L là một học sinh học giỏi, chăm ngoan, ít nói, có biểu hiện trầm cảm. [1]

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trầm cảm học đường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị trầm cảm mà phần lớn là do môi trường bên ngoài tác động.

Một là do áp lực từ người lớn, trẻ phải có thành tích học tập tốt, hoặc đáp ứng được nhiều mong muốn của gia đình, ...

Hai là từ những sự kiện tiêu cực ở trong cuộc sống, đứa trẻ chứng kiến quá nhiều hành vi bạo lực ở môi trường xung quanh, thậm chí trở thành nạn nhân trong chính gia đình của mình.

Ba là đứng trước tất cả các sự kiện tiêu cực, trẻ chưa có các kỹ năng để giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc chưa có kỹ năng để giải quyết vấn đề cộng thêm áp lực từ môi trường xung quanh, các sự kiện tiêu cực ở trong cộng đồng, lớp học, trên mạng khiến các em cảm thấy mình không có tài năng và giá trị vì chưa đáp ứng được những kỳ vọng. Điều này khiến trẻ thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, lo lắng nếu không được đồng hành và tháo gỡ thì sẽ dẫn đến trầm cảm.

Trong trạng thái trầm cảm các em dễ có những hành vi tự hại (tự làm tổn hại đến bản thân) thậm chí là tự tử.

Chương trình dạy kỹ năng mềm cho trẻ ở trường chủ yếu là lý thuyết

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam trường học có chương trình dạy kỹ năng mềm và các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ phải học online trong một khoảng thời gian dài, những hoạt động này bị hạn chế nên các kỹ năng ứng xử xã hội bị yếu đi.

Thêm vào đó, ở nhà nhiều trẻ có thể chịu rất nhiều hình thức bạo lực khác từ trên mạng, hoặc bạo lực từ chính gia đình, ...

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở một số trường hợp, bố mẹ các em gặp nhiều khó khăn về tài chính và cuộc sống nên trút giận lên đứa trẻ.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: “Khi học sinh được học trực tiếp, lãnh đạo các trường cần tái kích hoạt lại việc dạy kỹ năng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc dạy kỹ năng ở đây là dạy thật tức là ở trong môi trường trẻ được thực hành chứ không phải chỉ học lý thuyết.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhận thấy việc dạy kỹ năng ở trường học phần nhiều còn thiên về lý thuyết.

Trước hết để dạy kỹ năng ứng phó với các tình huống và kiểm soát cảm xúc cho trẻ, giáo viên phải là người làm được những việc đó trước.

Khi mà ngay cả giáo viên cũng gặp khó trong việc kiểm soát cảm xúc của bản thân thì làm sao có thể truyền đạt theo đúng phương pháp khoa học, giúp các em cảm thấy hứng thú, thấy kỹ năng đó cần thiết cho cuộc sống.

Để dạy kỹ năng cho trẻ, giáo viên phải tổ chức các hoạt động, giới thiệu và làm mẫu cho học sinh trong các tình huống thực tế và tạo điều kiện cho các em được thực hành.

“Thực tiễn cho thấy, chúng ta không có thời gian cứng cho những hoạt động này vì vậy các em được dạy về lý thuyết chứ không có môi trường để các em thực hành. Đây là điểm hạn chế của chương trình dạy kỹ năng cho trẻ hiện nay. Ví dụ học sinh được dạy là khi có một bạn gây sự với mình thì em đó phải bình tĩnh nhưng ở tình huống thực liệu học sinh có thể làm được như thế?", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường, do học sinh chưa được thực hành, trải nghiệm để hình thành năng lực, kỹ năng thật, khi mà các tình huống trong cuộc sống rất đa dạng.

Cha mẹ phải nhận biết các tổn thương trong sức khỏe tinh thần của mình trước khi dạy cho con

Ở góc độ phụ huynh học sinh, cha mẹ cần biết con đang có những vấn đề gì, trẻ có bị tổn thương về mặt tinh thần hay không. Tuy nhiên để làm được điều này, trước hết phụ huynh cần phải có năng lực nhận diện những tổn thương trong sức khỏe tinh thần của chính mình.

Từ việc nhận biết và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình, bố mẹ sẽ là tấm gương tốt cho con trong việc ứng xử với những cảm xúc tiêu cực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng sẽ chỉ là lý thuyết suông nếu bố mẹ không hành động như những gì đã nói trong khi đứa trẻ có thể quan sát cách các thành viên trong gia đình ứng xử với nhau. Trẻ sẽ bắt chước những hành động của các thành viên trong gia đình.

Nếu phụ huynh cũng không cân bằng được sức khỏe tinh thần của bản thân thì làm sao có thể truyền đạt khả năng cân bằng cảm xúc, cách giải quyết các vấn đề theo phương hướng tích cực cho trẻ được.

Vì vậy theo tôi trước hết phụ huynh cần phải nâng cao năng lực và rèn luyện cho mình những kỹ năng nhận biết những bất thường trong sức khỏe tinh thần dựa trên 4 yếu tố thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức thì mới quan sát và phát hiện được những tổn thương trong đời sống tinh thần của con.

Bố mẹ cần thực hiện trước những kỹ năng cân bằng về mặt cảm xúc, thư giãn tinh thần trong cuộc sống hàng ngày để làm mẫu cho các con noi theo và nhập tâm được các kỹ năng đó. Thêm vào đó, phụ huynh cần tạo môi trường để con có điều kiện thực hành những kỹ năng đó.

Thực tế cho thấy nhiều người hay đề cập đến sức khỏe tinh thần tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng và hiểu đủ. Nhiều người cho rằng sức khỏe tâm thần là bệnh.

Tuy nhiên nó là trạng thái khiến con người không cảm thấy hạnh phúc hay thoải mái chứ không phải là bệnh. Có một số biểu hiện cho thấy sức khỏe tinh thần đang bị tổn thương như: Mất ngủ, ăn không ngon, lo lắng kéo dài, …

Đó là những dấu hiệu của sức khỏe tinh thần đang bị tổn thương, không phải đợi đến khi thành bệnh thì mới chăm sóc.

Sự thiếu kiến thức về sức khỏe tinh thần của phụ huynh còn nằm ở lời nói, thái độ đối với con trẻ. Ví dụ có những bố mẹ thường nói chẳng có trầm cảm, lo âu gì hết, ăn uống nhiều vào, uống vitamin thêm vào, …

Chính những điều này khiến trẻ càng rơi vào trạng thái trầm cảm, cô đơn, dẫn đến những hành vi tự hại thậm chí là tự tử.

Theo thông báo của UNICEF có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tại Hà Nội, tỷ lệ từ 28-32% ở học sinh Trung học cơ sở (theo kết quả nghiên cứu khoa học của Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường và Sức khỏe, Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) -Nghiên cứu trong giai đoạn 2009-2011, công bố năm 2012.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.anninhthudo.vn/lien-tiep-cac-vu-hoc-sinh-tu-tu-chuyen-gia-tam-ly-neu-dau-hieu-nhan-biet-tre-muon-tim-den-cai-chet-post500404.antd

Nhật Tân